Vào nội dung chính
QUAN HỆ MỸ-BẮC TRIỀU TIÊN

Phái đoàn Mỹ đến Bắc Triều Tiên chuẩn bị thượng đỉnh Trump-Kim

Tổng thống Donald Trump ngày 27/05/2018 thông báo một phái đoàn Mỹ đã đến Bắc Triều Tiên để chuẩn bị cho thượng đỉnh giữa ông với Kim Jong Un. Chủ nhân Nhà Trắng đang trông thấy « tiềm năng tươi sáng » của Bắc Triều Tiên về mặt kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh minh họa
Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh minh họa Reuters / MANILA BULLETIN
Quảng cáo

Phái đoàn Mỹ đã bắt tay ngay vào việc với các đối tác Bắc Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm trong khu vực phi quân sự ở biên giới Liên Triều. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đại diện cho phía Mỹ là cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, và đương kim đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Sung Kim. Đứng đầu phái đoàn Bắc Triều Tiên là thứ trưởng Ngoại Giao Choe Son Hui, người vào tuần trước đã đánh giá tuyên bố của phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence dọa Bình Nhưỡng đi theo vết đổ của Libya là một sự "ngu xuẩn".

Sau khi cả Bình Nhưỡng lẫn Washington cùng dọa hủy thượng đỉnh Trump–Kim dự trù diễn ra tại Singapore vào ngày 12/06/2018, Nhà Trắng đã thay đổi lập trường. Chính quyền Bắc Triều Tiên cũng tỏ "quyết tâm" duy trì đối thoại với Mỹ như dự kiến.

Phi hạt nhân hóa hoàn toàn: kịch bản không bao giờ có

Vào lúc các hoạt động ngoại giao cho thấy nỗ lực của các bên liên quan để có được thượng đỉnh Singapore ngày 12/06/2018, mấu chốt của vấn đề vẫn là Hoa Kỳ tới nay vẫn đòi Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa một cách "hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng được".

Washington đòi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, đổi lại, ngoại trưởng Pompeo trung tuần tháng 5/2018 có hứa hẹn sẽ kêu gọi các tập đoàn Mỹ đầu tư vào Bắc Triều Tiên. Tổng thống Trump phát biểu ngày 27/05/2018 cũng cho rằng « một ngày nào đó, Bắc Triều Tiên sẽ là đất nước vững mạnh về kinh tế và tài chính ».

Tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia Pháp Benjamin Hautecouverture thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, chế độ Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ lá bài hạt nhân :

"Người ta có thể hình dung ra về lực lượng chính quy, Mỹ đồng ý giảm bớt sự hiện diện quân sự trong vùng và đây sẽ là một cách để thương lượng với Bắc Triều Tiên. Nhưng tôi cũng phải nói thêm ngay lập tức và điều này hết sức quan trọng, rằng trong mắt Bình Nhưỡng, điều kiện đó cho dù là cần thiết nhưng sẽ không bao giờ đủ, để bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ Bắc Triều Tiên.

Sẽ không bao giờ có chuyện Bắc Triều Tiên chấp nhận "phi hạt nhân hóa toàn diện". Khi chúng ta nói đến trường hợp của bãi thử hạt nhân Punggye-Ri vừa được chính quyền Bắc Triều Tiên thông báo phá hủy, nhưng đó chỉ là một cơ sở duy nhất. Trong khi đó thì còn có từ 20 đến 25 cơ sở hạt nhân khác trên toàn quốc mà tới nay quốc tế không hay biết. Do vậy, chuyện phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên còn rất, rất xa vời".

Về phần tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, hai ngày sau buổi làm việc ngoài dự kiến với ông Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, sáng nay ông đánh giá cao các cuộc trao đổi trực tiếp ở thượng tầng giữa nguyên thủ hai nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.