Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẮC TRIỀU TIÊN

Thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên : Ông Trump đã quá nóng vội nhận lời Kim ?

Các báo Pháp ra hôm nay chú ý đến hai cuộc gặp thượng đỉnh. Một là cuộc gặp giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron với nguyên thủ Nga Vladimir Putin tại Saint Petersbourg trong bối cảnh tình hình thế giới đang có xáo động. Cuộc gặp thượng đỉnh thứ 2 giữa ông Donald Trump và Kim Jong Un, sắp diễn ra nhưng đang có nguy cơ không thành bởi hai bên lại bùng lên cuộc đấu khẩu răn đe nhau về các điều kiện đàm phán.

Ảnh ghép tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, do KCNA thực hiện và công bố ngày 24/12/2017.
Ảnh ghép tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, do KCNA thực hiện và công bố ngày 24/12/2017. STR / AFP / KCNA via KNS
Quảng cáo

Trước hết xin đến với cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim đang được cả thế giới mong đợi.

Nhật báo Le Monde trong bài « Trump không loại trừ hoãn thượng đỉnh với Kim » đặt câu hỏi « phải chăng Donald Trump đã tỏ lạc quan thái quá đối với Bắc Triều Tiên ? » để bây giờ gần đến ngày ấn định cuộc gặp mà ông Trump từng hy vọng « sẽ là cuộc họp lớn cho Bắc Triều Tiên và cuộc họp lớn cho thế giới… », thì hai bên thay nhau tung ra những phát biểu nắn gân nhau, dọa hủy cuộc gặp.

Le Monde nhận thấy có lẽ ông « Donald Trump đang phải trả giá cho sự sốt sắng của mình ». Tờ báo nhắc lại, hôm 8/3 cố vấn an ninh Hàn Quốc Chung Eui Yong đang công du Washington đề cập với ông chuyện lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un có lời đề nghị gặp tổng thống Mỹ. Ngay tức ông Trump đã nhận lời và đề nghị quan chức Hàn Quốc thông báo ngay tại Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ dường như đã bỏ qua ý kiến của các cố vấn, đặt quyết định của mình vào sự việc đã rồi. Chính sự ngẫu hứng đó của ông Trump mà Bắc Triều Tiên có được ưu thế ở nước cờ đi trước và có thể rắn giọng khi cố vấn an ninh Mỹ John Bolton dọa giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên theo « mô hình Libya ». Trước đó chính quyền Bình Nhưỡng đã có một loạt động thái tỏ thiện chí như bảo đảm với Washington sẽ dừng thử tên lửa đạn đạo, thả 3 kiều dân Mỹ, tuyên bố phá dỡ cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri trước sự chứng kiến của báo chí quốc tế…. Nhưng khi Washington đe dọa tới an toàn của chế độ Bình Nhưỡng thì không ổn.

Từ một tuần nay, Bình Nhưỡng và Washington liên tục có cuộc khẩu chiến đe dọa đưa mọi chuyện trở về vạch xuất phát. Tổng thống Mỹ khi tiếp đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-In hôm thứ Ba tuần này tại Washington đã cho biết « không loại trừ khả năng hoãn cuộc gặp thượng đỉnh ».

Thỏa hiệp để cứu thượng đỉnh

Tuy nhiên theo nhật báo La Croix « Washington và Bình Nhưỡng đi tìm một thỏa hiệp ». Theo tờ báo, cuối tuần này các nhà đàm phán Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ tới Singapore để « thống nhất với nhau về nội dung và công tác chuẩn bị hậu cần cho cuộc gặp thượng đỉnh Kim Jong Un - Donald Trump », dự kiến diễn ra vào ngày 12/06 tới.

Ông Donald Trump cũng có vẻ muốn đấu dịu khi đổ những biến chuyển xấu vừa qua là do tác động của Bắc Kinh, nhất là từ sau chuyến đi thứ 2 của Kim Jong Un sang Trung Quốc gặp Tập Cận Bình. Nhưng tựu chung, vấn đề mấu chốt là cách tiếp cận về « giải trừ hạt nhân » của hai bên khác biệt nhau quá nhiều, theo La Croix.

« Washington đến lúc này đòi hỏi phải tháo dỡ hoàn toàn và ngay lập tức kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, coi đó là điều kiện tiên quyết cho mọi chi tiết dỡ bỏ các trừng phạt quốc tế ». Thế nhưng với Bình Nhưỡng « Giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên » là một viễn cảnh còn xa, trong đó phải bao gồm cả việc xóa bỏ hệ thống lá chắn hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Nhưng điều mà Kim Jong Un cần đạt được đó là có sự thừa nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Muốn cuộc gặp có kết quả thì hai nước phải có thỏa hiệp.

Thỏa hiệp thế nào ?

Theo La Croix, Kim Jong Un có thể sẽ chấp nhận dừng hẳn các cuộc thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cho phá dỡ từng phần và dần dần kho vũ khí hạt nhân, đồng thời chấp nhận thanh tra các địa điểm cất giữ vũ khí hạt nhân hoặc thậm chí tham gia Hiệp ước cấm toàn bộ thử hạt nhân (Tice). Nhưng đổi lại, Donald Trump sẽ phải bảo đảm an toàn lâu dài cho Kim Jong Un cũng như chế độ của ông ta.

Đơn giản hơn, có thể lãnh đạo hai nước đồng ý ký vắn tắt một văn kiện như hiệp ước hòa bình, chính thức chấm dứt chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên. Hai miền Triều Tiên đến giờ mới chỉ có một hiệp định đình chiến ký ngày 27/07/1953 tại Bàn Môn Điếm giữa Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Liên Hiệp Quốc. Nếu được như vậy, Donald Trump có thể nhận là đã đạt được thành công mà tất cả những người tiền nhiệm của ông chưa bao giờ có được.

Macron - Putin : Cuộc thương lượng các hồ sơ khó

Trở lại với thời sự quốc tế nóng trong ngày với cuộc gặp thượng đỉnh khác, giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Saint-Pétersbourg chiều nay (24/05).

Nhật báo le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : « Macron-Putin, cuộc gặp để Châu Âu và Nga xích lại gần nhau ». Không chỉ đơn thuần chuyện xích lại gần nhau trong quan hệ của Châu Âu với Nga mà còn nhiều hồ sơ quốc tế gai góc khác sẽ được nguyên thủ hai nước bàn thảo. Xã Luận Le Figaro đặt vấn đề người ta có thể hy vọng gì ở cuộc đối mặt giữa hai nhân vật mà một người thì ưa đọ sức, còn người kia thì lại thích quyến rũ ? Tờ báo trả lời : Ý tưởng bao trùm là duy trì liên hệ trong bối cảnh lạnh giá sau vụ đầu độc điệp viên Skripal tại Anh. Điều này càng cần thiết khi mà Putin đang trấn giữ trung tâm cuộc chơi lớn ở Trung Đông. Còn liên quan đến trực tiếp đến Liên Hiệp Châu Âu thì tâm điểm là hồ sơ Ukraina.

Nhật báo Le Monde cũng có chung nhận định qua hàng tựa bài viết : « Macron ở Nga để theo đuổi cuộc đối thoại khó với Putin ». Đây là lần thứ 3 tổng thống Pháp Macron gặp ông Putin vừa tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 4. Le Monde nhắc lại « quan hệ của các tổng thống Pháp với Vladimir Putin suốt 18 năm ông cầm quyền ở Nga, không hề đơn giản chút nào. Mối quan hệ này đã xuống thấp chưa từng thấy cùng lúc với quan hệ giữa các nước phương Tây với Nga cũng xuống cấp chưa từng có kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh ».

Tuy nhiên Nga vẫn nhìn nhận tầm quan trọng trong chuyến thăm lần này của tổng thống Pháp, vì Matxcơva vẫn luôn coi ông Macron như là một « đại diện của tập thể phương Tây » trong khi mà bà Angela Merkel thì đang suy yếu về chính trị, thủ tướng Anh Theresa May thì đang sa lầy trong Brexit và Donald Trump thì luôn là người đơn phương hành động theo ý mình.

Tóm lại ba hồ sơ khó khăn mà ông Emmanuel Macron mang đến Nga lần này để bàn thảo là Ukraina, Iran, Syria. Có thể nói cả ba sân chơi này, « nước Nga đã chiếm được vai trò không tranh cãi được. Cả ba hồ sơ trên từ 5 năm nay đã từng là đòn bẩy cho Matxcơva trong chiến lược dài hơi : Phục hưng sự hùng cường của nước Nga ».

Châu Âu bảo vệ dữ liệu cá nhân

Chuyển qua một đề tài cũng đang rất thời sự là bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân nhân sự kiện, ngày mai 25/05, văn kiện quan trọng liên quan đến cuộc sống người dân châu Âu trong thời đại công nghệ thông tin, bắt đầu có hiệu lực.

Đó là bộ quy định sử dụng thông tin cá nhân được cung cấp cho các doanh nghiệp.

Nhật báo La Croix chạy tựa lớn trên trang nhất : « Bảo vệ tốt hơn dữ liệu của chúng ta ». Tờ báo ghi nhận « kể từ ngày mai, đời tư của công dân Liên Hiệp Châu Âu sẽ được bảo vệ tốt hơn ». Sau nhiều cuộc tranh luận kéo dài, các quy định chung về bảo vệ dữ liệu gọi tắt là RGPD, sẽ bắt đầu có hiệu lực.

La Croix cho biết cụ thể : Từ ngày 25/05, các doanh nghiệp thu thập dữ liệu về công công dân châu Âu sẽ phải bảo đảm họ có được sự « đồng ý rõ ràng ». Theo quy định, các công dân châu Âu có quyền xóa, hay thu hồi dữ liệu thông tin cá nhân của mình để cung cấp cho một công ty khác.

Với các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu thông tin cá nhân, họ cũng bị những ràng buộc mới về việc sử dụng, xử lý dữ liệu rất khắt khe. Trong trường hợp vi phạm luật, các công ty có thể bị phạt nặng, tới 4% doanh số làm ăn của họ trên toàn thế giới. Quy định mới áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp kể cả nước ngoài đang hoạt động trong Liên Hiệp Châu Âu.

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, hàng ngày chúng ta vẫn vô tình đã cung cấp rất nhiều dữ liệu cá nhân của mình qua các hoạt động mua bán, sử dụng dịch vụ… Nhưng các dữ liệu đó đã được các doanh nghiệp khai thác, mua đi bán lại để phục vụ cho hoạt đông kinh doanh sinh lời của họ. Sau các vụ bê bối chiếm đoạt, khai thác thông tin cá nhân bất hợp pháp của Cambridge Analytica và Facebook, người ta mới nhận thấy cần phải có hành lang pháp lý cho các hoạt động sử dụng dữ liệu thông tin cá nhân nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Từ chối phục vụ đội tuyển quốc gia dù ở vị trí dự khuyết

Phần cuối mục điểm báo hôm nay là một thông tin liên quan đến đội tuyển bóng đá Pháp. Trước Cúp thế giới 2018 chưa đầy 1 tháng, huấn luyện viên Didier Dechamps vừa công bố danh sách chính thức và dự bị cho đội tuyển quốc gia lên đường sang Nga, đã có một sự cố tưởng như là nhỏ nhưng được báo chí bàn tán nhiều.

Chuyện là tiền vệ của câu lạc bộ Paris Saint Germain, Adrien Rabiot, một cầu thủ tài năng cũng vào loại khá đã dăm lần được gọi vào đội tuyển quốc gia, nhưng lần này ông Dechamps xếp Rabiot trong danh sách dự bị, đề phòng các cầu thủ chính thức bị chấn thương trước hạn chót nộp danh sách cầu thủ lên FIFA ngày 4/6 tới. Không chấp nhận ngồi chờ người khác chấn thương và có phần tự ái, Adrien Rabiot đã viết thư từ chối vị trí dự bị. Hành động từ chối nhiệm vụ ở đội tuyển quốc dù ở vị trí dự bị của Rabiot ngay lập tức đã bị những phản ứng chỉ trích từ lãnh đạo liên đoàn bóng đá Pháp đến huấn luyện viên Didier Dechamps và đa số dư luận bóng đá và thậm chí cả phát ngôn viên chính phủ cũng lên tiếng về vụ việc này.

Quả thực được đứng trong đội hình đội tuyển quốc gia thi đấu ở Cúp thế giới không chỉ là một vinh dự, mà còn là bổn phận đóng góp cho đất nước, bất kể đó là vị trí nào. Hành động của Rabiot đang bị chê trách rất nhiều từ dư luận Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.