Vào nội dung chính
CHÂU Á - TRUNG QUÔC

Trung Quốc : Tài chính số, « lá bài » giám sát công dân

Với thị trường 730 triệu người sử dụng internet, Trung Quốc đã trở thành trung tâm đầu não về « fintech » - tài chính số. Các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ mới đang cắm rễ sâu vào xã hội tiêu dùng Trung Quốc. Baidu, Alibaba và Tencent đã biết cách phát triển các hệ thống đầy đủ bao gồm từ các dịch vụ trong cuộc sống hàng ngày cho tới tài chính. Thành công của các đại tập đoàn còn được nhân lên bởi hệ thống ngân hàng truyền thống của Trung Quốc, từ lâu nay đã « bỏ rơi » tầng lớp trung lưu để tập trung đầu tư vào doanh nghiệp. Nhưng sự phát triển nhảy vọt của tài chính số cũng có « mảng tối », đó là « tiếp tay » cho chính quyền gia tăng giám sát công dân, kiểm soát xã hội.

Trụ sở tập đoàn Alibaba, Hàng Châu, Trung Quốc.
Trụ sở tập đoàn Alibaba, Hàng Châu, Trung Quốc. REUTERS/Chance Chan/File Photo
Quảng cáo

Trên đây là những nhận định trong vài viết « Tài chính số ở Trung Quốc : từ tài chính đến kiểm soát xã hội ». Bài viết của chuyên gia Bertrand Hartemann đăng ngày 12/05/2018 trên trang mạng châu Á Asialyst.

Đâu là những nguyên nhân khiến tài chính số thành công ở Trung Quốc ?

Sự thành công của tài chính số ở Trung Quốc có được nhờ những khát khao công nghệ mới trong xã hội, một hệ thống ngân hàng kém phát triển và hệ thống quy chế khá mềm dẻo. Thoát khỏi vụ nổ « big bang » về tài chính 2008, hệ thống ngân hàng Trung Quốc hiện thuộc nhóm lớn nhất toàn cầu. Nhưng với sự bảo trợ của Nhà nước, hệ thống ngân hàng Trung Quốc chủ yếu cấp vốn cho doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị hành chính địa phương. 2/3 khoản cho vay là được dành cho các đối tượng trên. Trái lại, doanh nghiệp nhỏ và tầng lớp trung lưu chịu sự phân phối vốn vay theo hạn định và chỉ được hưởng lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp.

Một cách tự nhiên, những đại tập đoàn công nghệ số đã « lấp đầy khoảng trống » của các ngân hàng truyền thống và đáp ứng được mọi nhu cầu, kể cả tài chính và phi tài chính, với khả năng tăng trưởng rất cao, vì tầng lớp trung lưu Trung Quốc chiếm số đông nhất trên thế giới.

Tài chính số ở Trung Quốc đã phát triển đến mức nào ?

Điện thoại thông minh đã trở thành một « người bạn đồng hành » mọi lúc, mọi nơi của người tiêu dùng Trung Quốc. Smartphone được dùng để tham gia mạng xã hội, tìm kiếm thông tin, đặt chỗ ở nhà hàng, gọi taxi, thanh toán khi mua sắm ở cửa hàng, chuyển tiền cho người khác … Dùng smartphone để quét mã vạch sản phẩm và thanh toán tiền nay đã trở nên phổ biến. Tiền mặt và thẻ ngân hàng gần như đã « lỗi thời ». Tới năm 2020, tiền mặt sẽ chỉ còn chiếm 30% giá trị giao dịch, so với tỉ lệ 60% vào năm 2010.

Alipay, ví điện tử của tập đoàn Alibaba hiện có tới 450 triệu người sử dụng. Mỗi ngày có không dưới 175 triệu khoản thanh toán được thực hiện bằng Alipay, trong đó 60% bằng điện thoại smartphone. Alipay hiện kiểm soát 55% giao dịch trên mạng so với con số 39% của Tenpay thuộc Wechat. Vào năm 2016, công ty tài chính của tập đoàn Alibaba quản lý ví điện tử Alipay đã huy động được số vốn khổng lồ 4,5 tỉ đô la. Theo dự kiến, Ant Financial tham gia thị trường chứng khoán với giá trị ước tính 80-100 tỉ đô la, và như vậy sẽ trở thành một trong những công ty có mức vốn chứng khoán cao nhất, hơn cả các ngân hàng lớn BNP Parisbas và Goldman Sachs.

Ngoài dịch vụ thanh toán điện tử, các tập đoàn kỹ thuật số Trung Quốc còn cung cấp tất cả các dịch vụ ngân hàng khác. Chẳng hạn Ant Financial tung ra dịch vụ quản lý tài sản (Yu’e Bao), ngân hàng trên mạng (MYbank), trang web về tín dụng vi mô (Ant Micro Loan), hệ thống tính điểm tín dụng (Zhima Credit) và một hệ thống lưu trữ tin học từ xa cho các định chế tài chính (Ant Financial Cloud). Yu’e Bao hiện là quỹ tiền tệ lớn nhất thế giới, quản lý 250 tỉ đô la tiền gửi. Trong khi lãi suất gửi tiền ngân hàng truyền thống gần như bằng 0, thì lãi suất gửi tiền vào quỹ tiền tệ Ant Financial Cloud đạt gần 4%/năm.

Dựa vào hạ tầng của Ant Financial, trang web tín dụng vi mô Qudian đã tham gia sàn chứng khoán New York vào năm 2017 với 11,67 tỉ đô la. Qudian cho phép giới sinh viên và người làm công ăn lương trẻ tuổi mua sắm điện thoại smartphone, máy tính và các thiết bị điện tử khác theo phương thức trả sau.

Công ty bảo hiểm trực tuyến Zhong An cũng đạt mức tăng trưởng đáng ngạc nhiên. Được thành lập vào năm 2013 dựa trên ý tưởng của Alibaba, Tencent và Ping An, Zhong An đã ký được tổng cộng 8,2 tỉ hợp đồng bảo hiểm với 543 triệu khách hàng. 300 loại bảo hiểm mà Zhong An cung cấp chủ yếu liên quan đến hàng hóa mua sắm hay dịch vụ trên mạng: bảo hiểm trong trường hợp chuyến bay bị muộn, điện thoại di động bị vỡ, bồi hoàn chi phí giao hàng nếu người mua muốn trả lại sản phẩm đã mua trên mạng … Zhong An hiện được định giá 11 tỉ đô la.

Trang Lufax lại chuyên về hoạt động cho vay ngang hàng (peer to peer hay P2P), với 32 triệu người sử dụng. Đây có thể là một trong những lĩnh vực đầu cơ cao nhất. Trong số nhiều trang tín dụng trực tuyến P2P phá sản trong thời gian qua tại Trung Quốc, có một số hãng làm ăn gian lận, chẳng hạn Ezubao. Đạt tới quy mô khổng lồ như hiện nay, thị trường tài chính trực tuyến tại Trung Quốc đang bộc lộ những điểm yếu mang tính hệ thống và bắt đầu bị các nhà điều tiết chính sách « để mắt » tới.

Tài chính số góp phần kiểm soát xã hội như thế nào ?

Bằng cách thu thập được cả dữ liệu các nhân và thông tin tài chính của khách hàng, các tập đoàn công nghệ số của Trung Quốc ngày càng chi phối được xã hội tiêu dùng. Với các giải pháp linh hoạt, Baidu, Tencent và Alibaba đầu tư vào mọi lĩnh vực, từ tài chính cho tới chăm sóc sức khỏe.

Sự thống trị chức năng này không hề tương phản với chủ trương chỉ huy của bộ máy nhà nước Trung Quốc. Chức năng điều tiết và tối ưu hóa các trao đổi trên thị trường dần dần được trao cho « các ông lớn » trong lĩnh vực kỹ thuật số. Đổi lại, các cơ quan chức năng được các tập đoàn công nghệ số trao cho « một đại dương mênh mang dữ liệu » để theo dõi, kiểm soát các động thái xã hội và chính trị.

Sự phát triển nhảy vọt của tài chính số là một phần trong dự án của chính phủ Trung Quốc nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính cho một xã hội tiêu dùng phồn vinh. Những đó cũng là yếu tố then chốt cho một dự án lớn về theo dõi công dân thông qua dữ liệu lớn Big Data. Các thói quen, phương thức mua sắm cũng thể hiện mạnh mẽ quan điểm, khuynh hướng văn hóa và chính trị của mỗi người, thông qua đó nhà nước Trung Quốc có thể tăng cường giám sát xã hội gắt gao hơn nữa.

Nhà nước Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch phát triển một hệ thống « tín dụng xã hội » để chấm điểm xem các công dân có đáng tin cậy hay không. Dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2020, thuật toán của chương trình chấm điểm công dân được xây dựng dựa trên các phân tích về tập tính, thói quen của người dân trên mạng internet. Số điểm sẽ cho biết cá nhân đó được hưởng các dịch vụ nhà nước ở mức độ nào. Công việc phát triển hệ thống chấm điểm tín nhiệm công dân đã được Bắc Kinh giao cho các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có tập đoàn Aibaba. Còn mạng xã hội Wechat có thể sẽ được giao làm thẻ căn cước điện tử.

Những gì đang diễn ra tại Trung Quốc cho thấy nếu được thúc đẩy phát triển, mở rộng mạnh hơn nữa, tài chính số có khả năng sẽ làm suy yếu quyền tự chủ của mỗi công dân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.