Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - NGOẠI GIAO

Seoul vận động Tokyo và Bắc Kinh ủng hộ Tuyên Bố Bàn Môn Điếm

Hàn Quốc hiện đang nỗ lực thuyết phục Trung Quốc và Nhật Bản cùng thông qua một bản tuyên bố đặc biệt nhằm ủng hộ kết quả của hội nghị thượng đỉnh lịch sử gần đây giữa tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Theo phát ngôn viên văn phòng tổng thống Hàn Quốc hôm 03/05/2018, đó sẽ là một bản Thông Cáo Chung Đặc Biệt trong đó lãnh đạo ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản bày tỏ hậu thuẫn cho Bản Tuyên Bố Bàn Môn Điếm ngày 27/04.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị họp với ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho tại Bình Nhưỡng ngày 3/05/2018.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị họp với ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho tại Bình Nhưỡng ngày 3/05/2018. KCNA/via REUTERS
Quảng cáo

Tổng thống Hàn Quốc sẽ họp thượng đỉnh với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Tokyo ngày 09/05 tới đây, Seoul mong muốn các lãnh đạo Đông Bắc Á nhân dịp đó ra một thông cáo riêng biệt về Bản Tuyên Bố Liên Triều được hai lãnh đạo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ký kết tại Bàn Môn Điếm ngày 27/04 vừa qua, xác định sẽ không còn chiến tranh giữa hai nước, và cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Theo phát ngôn viên của tổng thống Hàn Quốc, bản thông cáo chung đặc biệt mà Seoul đề xuất sẽ ủng hộ toàn văn Bản Tuyên Bố Bàn Môn Điếm, do vậy, không cần đưa vào đó những lời kêu gọi thêm về việc đề ra những biện pháp nhằm xác minh tiến trình giải thể chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Lời nhấn mạnh trên đây được đưa ra sau khi một tờ báo Nhật Bản cho biết rằng ba nhà lãnh đạo có thể kêu gọi đề ra các biện pháp để kiểm tra việc tháo dỡ hoàn toàn và không thể đảo ngược chương trình phát triển vũ khí hạt nhân ở miền Bắc.

Seoul cố vận động Tokyo và Bắc Kinh tránh ràng buộc Bình Nhưỡng một cách quá chặt chẽ, vào lúc ngoại trưởng Trung Quốc đi thăm Bắc Triều Tiên. Vào hôm nay, 03/05, trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, ông Vương Nghị đã tuyên bố rằng Trung Quốc ủng hộ việc hai nước Triều Tiên ký kết hiệp ước hòa bình, để thay thế cho thỏa thuận hưu chiến tồn tại từ 65 năm nay. Bắc Kinh cũng sẽ ủng hộ công cuộc phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng, và hậu thuẫn đồng minh trong việc giải tỏa các « mối quan ngại chính đáng về an ninh trong tiến trình phi hạt nhân hóa ».

Theo thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, mục tiêu sâu xa của ông Vương Nghị trong chuyến thăm chính là ép Bình Nhưỡng dành cho Bắc Kinh một vai trò quan trọng trong tiến trình đàm phán hạt nhân, vào lúc Bắc Triều Tiên chuẩn bị thương thuyết tay đôi với Mỹ. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc vào hôm nay đã nói trắng ra mục tiêu đó khi khẳng định rằng « Trung Quốc là nhân tố không thể thiếu cho tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên »:

"Không thể để cho Mỹ và Bắc Triều Tiên tự mình xử lý hồ sơ nóng bỏng là vấn đề hạt nhân : Theo Tân Hoa Xã, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhắc nhở Bình Nhưỡng rằng « Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò tích cực trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị ». Đây chính là cách để Trung Quốc tự mời mình vào bàn đàm phán về một hiệp ước hòa bình sẽ thay thế lệnh hưu chiến từ 65 năm qua.

Ông Vương Nghị đã cho Bình Nhưỡng biết « sự hỗ trợ đầy đủ » của Bắc Kinh trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo. Ông hy vọng rằng « cuộc đối thoại giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ sẽ diễn ra một cách bình tĩnh và đạt được những tiến bộ có thực chất ».

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo sáng nay đã khẳng định rằng « Lập luận cho là Trung Quốc bị gạt ra bên lề tại bán đảo Triều Tiên chỉ là một nỗ lực nhỏ nhoi nhằm lũng đoạn dư luận xã hội ». Tờ báo cũng không ngần ngại chế nhạo tổng thống Mỹ Donald Trump đã khoe khoang về hội nghị thượng đỉnh của ông với Kim Jong Un dù hội nghị chưa bắt đầu.

Tờ báo dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc cho rằng không ai có thể gạt Bắc Kinh ra rìa vì « Trung Quốc là trụ cột chính trị duy nhất của Bắc Triều Tiên và là đối tác thương mại quan trọng nhất của cả hai nước Triều Tiên ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.