Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện: Bạo lực tái phát ở miền Bắc, hàng nghìn người chạy lánh nạn

Các cuộc đối đầu giữa quân đội Miến Điện và lực lượng nổi dậy lại bùng phát ngày 27/04/2018 ở miền bắc xa xôi của nước này. Một nhân viên của Liên Hiệp Quốc cho biết vài nghìn người dân đã phải chạy lánh nạn.

Ảnh minh họa: Cảnh người Rohingya di tản tránh bạo lực ở Miến Điện. Ảnh ngày 19/10/2017.
Ảnh minh họa: Cảnh người Rohingya di tản tránh bạo lực ở Miến Điện. Ảnh ngày 19/10/2017. REUTERS/Jorge Silva
Quảng cáo

Phát biểu với AFP, ông Mark Cutts, giám đốc Văn phòng Điều phối Hoạt động Nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA), cho biết có thêm hơn 4.000 người đã phải sơ tán trong vòng ba tuần nay ở bang Kachin và rất nhiều người vẫn bị kẹt lại trong vùng xảy ra xung đột nằm ở cực bắc Miến Điện, giáp biên giới với Trung Quốc.

Văn phòng OCHA chưa kiểm chứng được thông tin cho rằng một số thường dân có thể bị thiệt mạng trong những cuộc giao tranh gần đây.

Ngoài hơn 4.000 phải sơ tán, còn phải kể đến 15.000 người bỏ xứ từ đầu năm 2018 và hơn 90.000 người đang sống trong các lán trại được dựng tại bang Kachin và Shan từ khi thỏa thuận ngừng bắn giữa quân đội chính phủ và Phong trào Kachin độc lập bị cắt đứt năm 2011. Các nhóm vũ trang thuộc tộc người thiểu số luôn đòi có thêm quyền tự trị và kiểm soát khu vực này.

Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Bangladesh gặp người Rohingya

Ngày 28/04/2018, một phái đoàn của 15 nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đến Cox Bazar, Bangladesh, nơi có khoảng 700.000 người tị nạn Rohingya đang lánh nạn. Theo dự kiến, phái đoàn Liên Hiệp Quốc sẽ thảo luận với chính quyền địa phương về cuộc khủng hoảng và thăm một số trại tị nạn ở đây vào Chủ Nhật 29/04.

Theo AP, ngoại trưởng Bangladesh Khurshed Alam đánh giá chuyến thăm của phái đoàn Liên Hiệp Quốc « rất quan trọng » để gia tăng sức ép đối với chính sách hồi hương người Rohingya của chính quyền Miến Điện.

Vào tháng 12/2017, Bangladesh và Miến Điện đã thống nhất về chương trình hồi hương của người Rohingya, bắt đầu từ tháng 01/2018, tuy nhiên quá trình này vẫn bị trì hoãn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.