Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Quốc Hội Trung Quốc sửa Hiến pháp, Tập Cận Bình cầm quyền mãn đời

Hôm nay 11/03/2018 với 2.958 phiếu thuận, chỉ có hai phiếu chống và ba vắng mặt, Quốc Hội Trung Quốc đã thông qua việc hủy bỏ điều khoản trong Hiến pháp giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch trong hai khóa, mỗi khóa 5 năm. Kết quả bỏ phiếu của Quốc Hội Trung Quốc là điều gần như đã được dự đoán trước. Sửa đổi này cho phép chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 64 tuổi, tiếp tục nắm giữ quyền bính sau năm 2023.

Quốc Hội Trung Quốc họp tại Đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh.
Quốc Hội Trung Quốc họp tại Đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh. REUTERS/Aly Song
Quảng cáo

Cùng với việc xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch trong Hiến pháp, Quốc Hội Trung Quốc cũng đưa « tư tưởng Tập Cận Bình » cùng vai trò « lãnh đạo » của Đảng Cộng Sản vào điều một của Hiến pháp. Theo nhiều nhà quan sát, việc Hiến pháp Trung Quốc để ngỏ khả năng cho Tập Cận Bình nắm trọn vẹn quyền lực có nguy cơ dẫn đến chế độ độc tài, giống như thời kỳ Mao Trạch Đông. Lo ngại trước việc thay đổi Hiến pháp, đưa đến sự ra đời của một bạo chúa mới, một số trí thức Trung Quốc đã lên tiếng, bất chấp kiểm duyệt và áp lực dữ dội. Tường trình của thông tín viên Heike Schmidt từ Bắc Kinh :

« Mọi người từng nghĩ là ông ta không dám sửa đổi Hiến pháp, nhưng ông ta đã làm », nhà báo Lý Đại Đồng (Li Datong) bực bội. Ông Lý Đại Đồng, nguyên tổng biên tập của một tờ báo điều tra, một nhân vật kỳ cựu trong làng báo Trung Quốc, đã công bố một bức thư ngỏ để phản đối quyền lực không giới hạn và không chia sẻ với ai của chủ tịch họ Tập.

Tập Cận Bình đã « vượt qua lằn ranh đỏ »

Ông Lý Đại Đồng phẫn nộ : « Tập Cận Bình đã vượt qua lằn ranh đỏ. Người Trung Quốc thế hệ chúng tôi đã biết đến sự thống trị của Mao, nhà lãnh đạo không bị giới hạn về nhiệm kỳ. Mao đã trở thành một kẻ tội phạm đáng nguyền rủa. Ông ta đã khiến hàng triệu người Trung Quốc thiệt mạng và hủy diệt giới trí thức. Trở thành một bạo chúa nhờ được cầm quyền đến mãn đời, Mao đã đưa xã hội Trung Quốc rơi vào thảm họa ».

Nhà báo Lý Đại Đồng nhấn mạnh là Tập Cận Bình đã thách thức di sản của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, người lập ra quy tắc giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo. Quy tắc đã được tất cả các chủ tịch Trung Quốc kể từ năm 1982 tuân thủ. Lý Đại Đồng không cho rằng 3.000 đại biểu Quốc Hội Trung Quốc dám bỏ phiếu chống lại nhân vật đứng đầu bộ máy quyền lực. Theo ông, « các đại biểu chỉ là những con rối, một cỗ máy bỏ phiếu theo chỉ thị ». Ông dự đoán « phần lớn trong số họ tuy phản đối việc sửa đổi Hiến pháp, nhưng sẽ bằng lòng với việc vỗ tay. Họ không dám bày tỏ chính kiến ».

Cỗ máy tuyên truyền của Nhà nước Trung Quốc cố làm cho mọi người tin rằng « quần chúng » đã « nhất loạt » kêu gọi xóa bỏ nhiệm kỳ chủ tịch. Không có cách nào để thẩm định thông tin này. Công an cấm các phóng viên phỏng vấn trên đường phố Bắc Kinh.

Về chủ trương thâu tóm toàn bộ quyền lực của lãnh đạo Trung Quốc, nhà chính trị học Jean Luc Domenach, giáo sư Học Viện Chính Trị Paris (Sciences Po), lưu ý là trong những năm tới chính quyền Bắc Kinh sẽ phải chuẩn bị để đối mặt với nhiều thách thức hơn trước về mặt đối nội :

« Vấn đề được đặt ra bây giờ là cả về hai phương diện, chính trị và kinh tế. Về mặt kinh tế, ông Tập Cận Bình không thể bảo đảm được là tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ mãi mãi ở mức 6 đến 7%/năm như điều vẫn diễn ra cho đến nay. Về mặt chính trị, tại khắp các địa phương Trung Quốc, có hàng loạt yêu sách chống lại chính quyền trung ương, và cùng lúc đó là đòi hỏi của người dân về các vấn đề xã hội. Trong những năm tới, lãnh đạo Trung Quốc sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn, do mức sống tăng chậm và cũng vì vậy dân chúng sẽ ngày càng trở nên khó bảo hơn ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.