Vào nội dung chính
BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN - MỸ

Seoul và Bình Nhưỡng nỗ lực hạ nhiệt Washington

Lo ngại trước những lời tuyên bố bốc lửa của tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền Seoul và Bình Nhưỡng tìm cách khai mở một tiến trình « bình thường hóa » quan hệ. Những cử chỉ hòa dịu trong Thế Vận Hội Pyeonchang, đề nghị thượng đỉnh Hàn-Triều chỉ là bước đầu trong nỗ lực chung giữa hai miền thù địch nhưng gốc là anh em.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và vợ (bên phải) cùng bà Kim Yo Jong (áo trắng), em gái Kim Jong Un và chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên  Kim Young Nam (T) cùng xem hòa nhạc tại Seoul ngày 11/02/2018.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và vợ (bên phải) cùng bà Kim Yo Jong (áo trắng), em gái Kim Jong Un và chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên Kim Young Nam (T) cùng xem hòa nhạc tại Seoul ngày 11/02/2018. Ảnh : REUTERS
Quảng cáo

Trong đêm 01/03/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump được đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae In qua điện đàm thông báo kế hoạch « gửi đặc sứ của tổng thống » sang Bắc Triều Tiên. Đây là cử chỉ đáp lại chuyến viếng thăm Hàn Quốc hồi tháng Hai của em gái lãnh đạo Kim Jong Un. Mục đích chính là « xác nhận lại » những gì mà hai bên trao đổi trong thời gian Thế Vận Hội và trao một lá thư cho lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên.

Bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc Cho Myung-kyun và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Seo Hoon sẽ nhận trọng trách này. Theo truyền thông Hàn Quốc, trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn « đồng ý duy trì khung đối thoại liên Triều, hội nghị thượng đỉnh và nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo ».

Từ đầu năm 2018 đến nay, sau những hành động phô trương gân bắp, Bắc Triều Tiên nỗ lực tránh né « phản ứng lôi đình » của chủ nhân Nhà Trắng. Điểm đáng chú ý là trong chiều hướng này, Bình Nhưỡng tìm cách hâm nóng quan hệ với Seoul và nối lại đối thoại song phương, giải pháp tối ưu để giảm nhẹ nguy cơ chiến tranh làm sụp đổ chế độ cha truyền con nối.

Tin tình báo, được Reuters tiết lộ, xác nhận hai cha con Kim Jong Il và Kim Jong Un có hộ chiếu Brasil với tên khác. Điều này có thể cho thấy, từ thập niên 1990, họ đã tính đến chuyện phải đào thoát ra nước ngoài.

Theo chuyên gia Pháp Mariane Péron-Doise, ngày nay Kim Jong Un có vũ khí hạt nhân trong tay, xác xuất bị Mỹ đánh phủ đầu càng lớn. Tin Lầu Năm Góc « chuẩn bị » kế hoạch tấn công có thể là chiến tranh cân não, nhưng tổng thống Trump dường như chấp nhận rủi ro.

Ưu tư của tổng thống Hàn Quốc là làm sao tạo được không khí thuận lợi để Bình Nhưỡng và Washington đối thoại trực tiếp. Mục tiêu này phần nào phù hợp với đường lối của Kim Jong Un. Lãnh đạo trẻ tuổi của Bắc Triều Tiên không phải là kẻ cuồng tín đi tìm cái chết. Bình Nhưỡng không muốn chiến tranh với Mỹ, bởi vì biết rằng chung cuộc sẽ bị thiệt hại khủng khiếp nhất, cơ nghiệp ba đời tiêu tan.

Hàn-Triều cùng chiến lược đối thoại nhưng khác mục tiêu

Khai thác chính sách « Vầng thái dương » của cánh tả Nam Hàn từ thời tổng thống Kim Dae Jung cho đến Moon Jae In hiện nay, Kim Jong Un làm hòa với Seoul để cùng lúc chia rẽ Hàn Quốc với Mỹ theo chiến thuật « một mũi tên hạ hai con chim ». Cho dù Washington và Seoul luôn tuyên bố « đoàn kết và hợp tác chiến lược », quan hệ giữa Donald Trump và Moon Jae In khá lạnh nhạt.

Cũng như Hoa Kỳ, chính quyền Hàn Quốc biết rõ Kim Jong Un mời gọi đối thoại không có nghĩa là sẽ chấp nhận nhượng bộ trên hồ sơ hạt nhân. Tuy nhiên, đối với Seoul, nếu đối thoại diễn ra thì Bắc Triều Tiên có cơ hội dẹp bỏ bộ mặt hung hăng và Hoa Kỳ sẽ hạ nhiệt .

Cả hai miền Nam Bắc đều muốn « đẩy ra xa » mối đe dọa tấn công của Washington nhưng cả hai đều phải cần đến Mỹ. Vì an ninh quốc gia, Hàn Quốc không thể hy sinh quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ. Năm 2018 là một năm quan trọng đối với Bình Nhưỡng vì ghi dấu 70 năm thành lập chế độ. Nếu thuyết phục được tổng thống Hàn Quốc sang thăm thì không có gì vinh dự bằng.

Tin đặc sứ Mỹ kiêm trưởng đoàn thương thuyết Joseph Yun, người Mỹ gốc Hàn đột ngột từ chức, gây nhiều lo lắng và suy đoán. Trong khi đó, tin bộ trưởng Thống Nhất Hàn Quốc Cho Myung-kyun và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Seo Hoon sẽ đi Bình Nhưỡng cho phép hy vọng có diễn tiến mới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.