Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Cũng như hạt nhân, kinh tế Bắc Triều Tiên « ngụy trang » tiến bước

Cách mạng nhung tại Nam Phi, cách mạng xe hỏa, cải tổ thi cử và giáo dục tại Pháp, chiến trường mới giữa các cường quốc cấp vùng tại Trung Đông, nước cờ bén nhạy của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong trận đồ hạt nhân phức tạp, Kim Jong Un « cũng che giấu » chiến lược kinh tế là một số đề tài chính của báo chí Pháp ngày 16/02/2018.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một nhà máy mới ở Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA phân phát ngày 01/02/2018.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thị sát một nhà máy mới ở Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA phân phát ngày 01/02/2018. KCNA/via REUTERS
Quảng cáo

Zuma từ chức, tựa lớn của Le Monde.Tại Nam Phi, dưới sức ép của đảng ANC cầm quyền, của tư pháp và dân chúng, tổng thống Zuma phải từ chức. Đây là tổng thống thứ hai ở châu Phi, sau nhà độc tài Mugabe ở Zimbabwe, mất ghế dưới ba áp lực. Cũng trên trang nhất, nhật báo độc lập cho biết bằng cách nào bộ trưởng giáo dục Pháp « Blanquer sẽ cải cách bằng Tú tài và trung học cấp ba », một nhu cầu « canh tân cần thiết ».

Con Chó Đất

Không quên hôm nay là ngày đầu năm Mậu Tuất, La Croix chia sẻ dự báo của một chiêm tinh gia Hồng Kông « con chó đất (thổ) đem lại một năm tốt lành » trong khi chờ đợi những biến cố đáng lo « với con chó lửa vào năm 2030 ».

Chiếm gần hết trang nhất của nhật báo Công giáo là bức ảnh một tên lửa rời giàn phóng cùng với bài nhận định của một chuyên gia Pháp , nhân diễn đàn an ninh quốc tế hàng năm khai mạc tại Munich vào chiều nay : « Nguy cơ chạy đua vũ trang xuất phát từ chính sách răn đe hạt nhân của Nga và Mỹ ».

Trong khi đó, Le Monde tập trung vào bán đảo Triều Tiên với hai bài phân tích : « Bàn đạp Thế Vận Hội » « Trong kinh tế cũng thế, Bắc Triều Tiên ngụy trang đi tới ».

Bắc Triều Tiên và kinh tế « ngụy trang »

Để minh chứng cho nhận xét này, Marie de Verges, tác giả của bài kinh tế Bắc Hàn tìm lại một bức thư trong kho tài liệu mật của bộ Ngoại Giao Pháp. Trong chuyến thăm viếng Bắc Triều Tiên vào năm 1974, đại sứ Pháp tại Trung Quốc Etienne Manac’h « cho biết » nhìn thấy hiện tượng « sinh động » ở phía bắc vĩ tuyến 38. Gặp nhiều người dân mà bề ngoài có thể « bị lầm với một công dân Nhật có tiền ». Thủ đô Bình Nhưỡng có « nhiều toà cao ốc mới toanh, nông thôn được cơ giới hóa và đáng chú ý hơn hết là chính quyền tỏ ra quan tâm đến việc cải thiện điều kiện vật chất và đời sống của người dân ».

Giờ đây, trong bối cảnh Thế Vận Hội đưa Bắc Triều Tiên lên trang nhất thời sự, thì bức điện tín lạc quan của đại sứ Pháp 40 năm về trước không khỏi làm người đọc ngỡ ngàng. Tuy Bình Nhưỡng biết lợi dụng Thế Vận Hội để đóng vai đoàn kết với anh em miền nam, thậm chí giành được thiện cảm quốc tế, nhưng trên thực tế hai nước khác xa nhau một trời một vực.

Quê hương của Samsung, của Hyundai là con rồng kinh tế của thế giới trong khi ở phía bắc vĩ tuyến 38, phải nhìn nhận rằng những lời hứa phát triển kinh tế của Bình Nhưỡng qua sự mô tả của đại sứ Etienne Manac’h không được thực hiện. Kinh tế Bắc Triều Tiên vẫn bị xếp vào hạng nghèo khó ở châu Á. Những sản phẩm công nghệ chế biến của họ, thuộc loại nhu yếu phẩm ở miền bắc, hoàn toàn không có tiếng tăm gì trên thị trường thế giới.

Tại sao Bình Nhưỡng không theo chân Trung Quốc, Việt Nam mở cửa ? Do khép kín, bế quan tỏa cảng, Bắc Triều Tiên bị nạn đói trong thập niên 1990 và rơi vào tình trạng trì trệ. Các nguồn kinh tế hiếm hoi lại được dồn vào cuộc chay đua hạt nhân thay vì dành cải thiện đời sống dân chúng.

Thật ra câu chuyện không đơn giản như thế, theo Le Monde. Cũng như thời « Triều du » của đại sứ Etienne Manac’h, kinh tế Bắc Triều Tiên tiếp tục đánh lừa giới quan sát. Vì không có thống kê, các chuyên gia dựa theo những gì họ thấy : cao ốc mọc như nấm, một xã hội tiêu dùng manh nha xuất hiện, những trung tâm thương mại được xây cất, hiện tượng cạnh tranh giữa các xe taxi, giữa những quán ăn hay nhãn hiệu kem đánh răng, sữa chua, xe đạp ..

Theo Ngân hàng Nhà nước Hàn Quốc, tỉ lệ tăng trưởng của Bắc Triều Tiên là 3,6% trong năm 2016, tương tự như tình hình Ba Lan và Hungary sau khi thoát khỏi chế độ cộng sản. Theo Le Monde, một bộ phận dân chúng vẫn đói nhưng từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền, « lãnh đạo tối cao » cam kết chấm dứt chính sách « thắt lưng buộc bụng », từ nay gắn kết phát triển kinh tế với vũ khí hạt nhân. Làm ăn tư nhân được khuyến khích, với một giai cấp doanh nghiệp được gọi là « đại gia » không khác mấy so với Trung Quốc trong thập niên 1980.

Vấn đề là lời hứa của Kim Jong Un rất khó thực hiện vì đụng phải chính sách cấm vận. Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế Pháp, Bình Nhưỡng đã chuẩn bị tình huống này và đã có chính sách luồn lách cấm vận để tồn tại. Trong quân sự cũng như trong kinh tế, Bắc Triều Tiên là một phương trình « phức tạp » theo kết luận của Le Monde.

Giàn nhúng và dốc tuyết của « vận động viên Moon »

Lọt trong thế trận phức tạp của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc còn chịu áp lực của Trung Quốc và đồng minh Hoa Kỳ. Seoul không thụ động.

Chiến pháp đầy rủi ro của tổng thống Hàn Quốc - tìm cách thuyết phục Washington và Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán - được phân tích trong bài « Bàn đạp Thế Vận Hội » của Le Monde , một sáng kiến không được đa số dân chúng Hàn Quốc hưởng ứng.

Chính vì xác suất thành công không cao nên tổng thống Moon Jae In chấp nhận đánh cược : lối thoát trong ngõ cụt. Mười triệu dân thủ đô Seoul nằm trong tầm mưa pháo của Bắc Triều Tiên : của 8.000 khẩu đại bác có khả năng bắn ra 300.000 quả đạn trong một giờ. Do vậy, trước khi giải quyết vũ khí hạt nhân, ưu tiên số một của tổng thống Hàn Quốc là phải « hạ nhiệt » tại bán đảo, tức là phải kéo Washington và Bình Nhưỡng ngồi vào bàn thương lượng.

Đối với tổng thống Donald Trump, chế độ Kim Jong Un sớm muộn gì cũng sụp đổ thì đàm phán làm gì. Nhưng bây giờ tổng thống Mỹ thấy rõ Trung Quốc không làm thay Mỹ, chế độ Bình Nhưỡng tìm cách tồn tại - bằng mọi giá buộc Mỹ phải nhìn nhận là siêu cường hạt nhân. Với hai thực tế này, con đường duy nhất là Mỹ phải đích thân nói chuyện với Bắc Triều Tiên qua trung gian môi giới của…tổng thống Hàn Quốc. Theo Le Monde, tổng thống Moon có cơ may thắng cược hòa bình, gây áp lực tối đa với đồng minh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cũng như một vận động viên trượt tuyết, con dốc giá băng của Pyeonchang đòi hỏi tổng thống Moon phải thật cẩn thận.

Hỏa xa Pháp trước quả bom tái cấu trúc

Coi chừng xe khởi hành : nhật báo cánh tả Libération tóm lược trên trang bìa « Ngành đường sắt của Pháp sẽ thay đổi sâu sắc » qua những đề nghị cải cách « như quả bom » của bản báo cáo Spinetta, tên của cựu lãnh đạo hãng hàng không dân dụng « giảm cân » Air France.

Cũng như đồng nghiệp cánh tả, trang nhất của Le Figaro đặt câu hỏi : Phải chăng quy chế đặc quyền của nhân viên ngành xe lửa Pháp sắp đến hồi kết ? Bảo báo cáo vừa trao cho chính phủ đề ra 43 biện pháp cải cách công ty nhà nước nhiều nợ nần, trong đó có việc biến hai bộ phận của SNCF thành những công ty nặc danh, và lập quy chế mới cho các nhân viên được tuyển dụng trong tương lai : một cuộc tuyên chiến, theo cảnh báo của giới nghiệp đoàn lao động.

Syria : Nga gặp cảnh « lực bất tòng tâm ».

Trên trang quốc tế, nhật báo cánh hữu chú ý về lò lửa Trung Đông, chiến trường mới của các cường quốc cấp vùng và vũng lầy của nước Nga.

Theo Le Figaro, sự tham chiến ngày càng sâu của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel tại Syria, có mục đích làm thay đổi kết quả cuộc xung đột. Ankara muốn chận Kurdistan lập quốc, còn Tel Aviv thì dứt khóat không để cho Iran cắm cọc tại Syria.

Trong bối cảnh tranh giành chiến lược nóng bỏng này, Nga tuy vẫn mạnh trên lý thuyết, nhưng vì ủng hộ Bachar Al Assad nên không còn vũ khí chính trị nào để đạt được một thỏa hiệp ngoại giao ở Syria. Matxcơva còn khó thoát vũng lầy bởi vì chủ trương thân Nga của « đồng minh Donald Trump » đã bị xếp vào quá khứ. Đưa tên lửa tối tân S-400 vào Syria, Nga gây hệ quả tiêu cực trong quan hệ với châu Âu qua thông điệp, thực tế, phũ phàng : sức mạnh quân sự không bao giờ là phương tiện lỗi thời trong ván cờ địa chính trị.

Hóa chất trong đồ chơi trẻ con đe dọa tương lai nhân loại

Le Monde trở lại với hồ sơ « Chất độc trong đồ chơi trẻ con »« Tác hại của hóa chất bisphenol A trong quá trình hình thành tế bào sinh dục của thai nhi. »

Một cuộc thanh tra cấp châu Âu phát hiện chất chì, amiante và phtalates vẫn còn được dùng trong đồ chơi, dụng cụ trong nhà và trong xe đẩy chở em bé.

Tai hại hơn nữa là hợp chất bisphenol A được chứng minh gây tác hại cho tế bào gốc trong tuyến sinh dục bé trai, một khám phá của giới khoa học Pháp

Vận động viên thể thao : Vì sao nam đông hơn nữ

Trong mùa Thế vận, Libération tìm hiểu vì sao nam giới giỏi thể thao hơn nữ giới. Thủ phạm chính là tâm lý « trọng nam khinh nữ » bắt rễ trong xã hội : dụng cụ thể thao và cơ sở tập luyện công cộng luôn ưu tiên cho bọn con trai. Thế vận hội Sotchi 2014 và Rio 2016 cho thấy dù ở các bộ môn nào, mùa hè hay mùa đông, nữ vận động viên bao giờ cũng ít hơn nam giới, số huy chương gặt hái cũng ít hơn (hai lần ít hơn ở Rio, hai lần ít hơn ở Sotchi).

Giới nghiên cứu đề nghị :hãy bắt đầu như Bordeaux, thành phố tây nam nước Pháp, nơi đã có một « ban theo dõi thể thao » nữ giới để tái lập quân bình, thêm phụ cấp cho các chương trình dành cho phái nữ thay vì dành đến 70% cho nam giới như hiện nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.