Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HÀN QUỐC

Hai nước Triều Tiên tìm cách nắm lại vận mệnh của mình

Tình hình lắng dịu trên bán đảo Triều Tiên vào thời điểm đến gần Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang mà Bắc Triều Tiên sẽ tham gia, liệu có mở đầu cho một thời kỳ hòa dịu bền vững sau khi sự kiện thể thao này chấm dứt hay không ? Hay là sau Thế Vận Hội, bán đảo Triều Tiên lại rơi vào tình trạng căng thẳng, thậm chí không loại trừ nguy cơ xung đột ?

Phái đoàn Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đàm phán tại Bàn Môn Điếm ngày 17/01/2018.
Phái đoàn Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đàm phán tại Bàn Môn Điếm ngày 17/01/2018. Yonhap via REUTERS
Quảng cáo

Theo phân tích của chuyên gia về Bắc Triều Tiên Philippe Pons, trên báo Le Monde, các tuyên bố của Bình Nhưỡng và Seoul cho phép nghĩ rằng không loại trừ giả thuyết đầu tiên, bởi vì cả hai nước Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đều đang cố gắng làm chủ lại tình hình trong một « trò chơi » có quy cơ dẫn đến xung đột « huynh đệ tương tàn ».

Ngoài việc nối lại liên lạc chính thức liên Triều, vốn bị đình chỉ từ hai năm qua, và được tái lập ngày 09/01, bước khởi đầu năng động trong tiến trình xích lại gần nhau giữa Bình Nhưỡng và Seoul có thể làm thay đổi bối cảnh và tương quan.

Báo Le Monde nhắc lại, các dự án hợp tác được quyết định trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 10/2007, đã bị tổng thống bảo thủ Lee Myung Bak, lên cầm quyền năm 2008, « xếp xó ». Ông trách cứ những người tiền nhiệm đã thực hiện chính sách « Vầng Thái Dương », hòa hoãn với Bắc Triều Tiên nhưng không ngăn cản được Bình Nhưỡng thực hiện tham vọng hạt nhân.

Tại Seoul, những người chủ trương xích lại gần Bình Nhưỡng, tuy không hề ảo tưởng về chế độ Bắc Triều Tiên, cố tìm cách tạo dựng một bầu không khí tin tưởng lẫn nhau nhằm hóa giải sự thù địch liên Triều kéo dài từ nửa thế kỷ qua. Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền của tổng thống George Bush, ngay từ năm 2002, xếp Bắc Triều Tiên vào « Trục tội ác », tìm mọi cách phá hỏng chính sách « Vầng Thái Dương ».

Giờ đây, Bắc Triều Tiên trên thực tế là một cuờng quốc hạt nhân. Tuy vẫn còn nghi ngờ về khả năng làm chủ tên lửa đạn đạo tầm xa của Bắc Triều Tiên, nhưng Washington coi đây là mối nguy hiểm và không loại trừ khả năng tấn công phủ đầu, phòng ngừa. Mối đe dọa này đè nặng lên sự tồn tại của bản thân chế độ Bình Nhưỡng, làm tăng tâm lý trong người dân Bắc Triều Tiên là nước này bị các quốc gia thù địch vây hãm và lại càng giúp Bình Nhưỡng biện minh cho việc phát triển lực lượng răn đe hạt nhân.

Nguy cơ xảy ra chiến tranh - chủ ý hoặc do hiểu lầm - càng làm cho Hàn Quốc lo sợ họ sẽ ở tuyến đầu và hứng chịu hậu quả nặng nề : Seoul nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Triều Tiên. Theo thẩm định của bộ Quốc Phòng Mỹ, một vụ tấn công với vũ khí theo quy ước - chưa dùng đến vũ khí nguyên tử - chỉ trong vài giờ có thể làm cho 20 ngàn người thiệt mạng.

Đối với giới phân tích tại Hoa Kỳ, thì Hàn Quốc là mắt xích yếu nhất trong cuộc đọ sức với Bắc Triều Tiên và cử chỉ « thiện chí » của Kim Jong Un qua việc chấp nhận đối thoại liên Triều là nhằm làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn, đồng thời, Bình Nhưỡng tìm cách tranh thủ thời gian để tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa khác.

Cũng có những diễn giải khác và được cánh hữu Hàn Quốc khai thác : Bắc Triều Tiên nắm lấy cơ hội đối thoại với Hàn Quốc để giảm bớt áp lực của cấm vận quốc tế, tránh bị Mỹ tấn công và làm xói mòn liên minh Mỹ-Hàn.

Thế nhưng, theo Le Monde, không chỉ Bình Nhưỡng muốn đối thoại mà Seoul cũng mong muốn điều đó. Ưu tiên hiện nay của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In là tránh những hành động khiêu khích bất thường của Bắc Triều Tiên trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội. Ông đã thuyết phục được Hoa Kỳ tạm hoãn các cuộc tập trận chung. Thế nhưng, điều mà nguyên thủ Hàn Quốc lo ngại nhất là xẩy ra xung đột quân sự, do vậy, cần phải đối thoại với Bắc Triều Tiên. Việc nối lại đối thoại liên Triều làm cho các tính toán địa chính trị thêm phức tạp, nhưng không nên quên một điều : tương lai của bán đảo Triều Tiên phụ thuộc vào người dân Triều Tiên.

Việc sưởi ấm quan hệ Nam-Bắc Triều Tiên đã làm « xì hơi » những tuyên bố hiếu chiến của Donald Trump. Thậm chí tổng thống Mỹ lại cho rằng chính thái độ cứng rắn của ông đã mang lại kết quả là giảm căng thẳng và hai miền Triều Tiên lại đối thoại với nhau. Để vuốt ve Donald Trump, tổng thống Hàn Quốc đã bày tỏ sự biết ơn về đóng góp của nguyên thủ Hoa Kỳ vào sự hòa dịu này. Việc Nam-Bắc Triều Tiên tiếp tục nói chuyện với nhau giúp giảm nguy cơ xảy ra xung đột quân sự, nhưng vấn đề cốt lõi không được giải quyết : Bắc Triều Tiên có vũ khí nguyên tử. Tổng thống Hàn Quốc chống vũ khí hạt nhân nhưng ông không chủ trương tiếp cận hồ sơ này bằng cách đối đầu với Bắc Triều Tiên như Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh cánh hữu Hàn Quốc tỏ ra bi quan, chống lại mọi nhượng bộ với Bắc Triều Tiên, Nhật Bản khó chịu, kêu gọi cứng rắn và không loại trừ giải pháp quân sự, đi kèm với tính khí bốc đồng hiếu chiến của Donald Trump, những yếu tố này làm u ám tương lai bán đảo Triều Tiên.

Theo Le Monde, tổng thống Moon Jae In cần phải nhanh chóng hành động để khởi động tiến trình hòa dịu khả tín với Bắc Triều Tiên, tránh rơi vào tình thế bị kìm kẹp giữa Bình Nhưỡng và Washington. Thế nhưng, động thái này cũng có nguy cơ làm gia tăng bất đồng với Hoa Kỳ và sự chống đối ở trong nước.

Nhật Bản đối mặt với làn sóng « tàu ma » Bắc Triều Tiên

Vẫn liên quan tới Bắc Triều Tiên, báo Les Echos cho biết « Nhật Bản đối mặt với làn sóng « tàu ma » Bắc Triều Tiên ». Tokyo đang lo ngại trước hiện tượng ngày càng có nhiều xác tàu đánh cá của Bắc Triều Tiên dạt vào bờ biển Nhật Bản. Hôm thứ Ba 16/01/2018, cảnh sát Nhật thông báo phát hiện trên bãi biển Kanazawa ở miền tây nước này 7 thi thể đang trong giai đoạn phân hủy mạnh bên trong xác một con tàu đánh cá bằng gỗ. Một trong các nạn nhân mặc một chiếc áo bên trong có cài một huy hiệu in hình các lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành và Kim Jong Il.

Trong cả năm 2017, lực lượng tuần duyên Nhật Bản tìm thấy tổng cộng 104 « tàu ma » kiểu này, con số này chỉ là 45 và 66 vào các năm 2015, 2016. Lo ngại về hiện tượng trên, chính phủ Nhật Bản đã cho tăng cường công tác tuần duyên. Tokyo lo ngại hiện tượng trên sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh quốc tế thắt chặt chặt các biện pháp trừng phạt chế độ Kim Jong Un.

Để tìm kiếm các nguồn ngoại tệ, Bình Nhưỡng đã cho phép các tàu cá Trung Quốc được đánh bắt sát bờ biển Bắc Triều Tiên. Theo chính quyền Hàn Quốc, biện pháp trên mang lại cho chính quyền Kim Jong Un 75 triệu đô la, nhưng đồng thời buộc ngư dân Triều Tiên phải đi rất xa ngoài khơi để đảm bảo đủ chỉ tiêu mà chế độ đề ra.

Chuyên gia về Bắc Triều Tiên Satoru Miyamoto thuộc đại học Seigakuin cho biết từ năm 2013 Bình Nhưỡng đã tìm cách tăng thu nhập từ đánh bắt cá để có thêm kinh phí cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Nhà nghiên cứu Satoru Miyamoto cũng khẳng định việc này không nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân nói chung mà ngược lại, chỉ đáp ứng nhu cầu hải sản cho tầng lớp người giàu.

Tác giả bài viết trên báo Les Echos kết luận là những chiếc tàu cá quá cũ của Bắc Triểu Tiên, ban đầu được thiết kế để đi đánh bắt gần bờ, chứa ít nhiên liệu, trang thiết bị đánh bắt thô sơ, đã khiến ngư dân lâm vào tình cảnh nguy ngập khi phải ra khơi xa, nơi biển động, gió to sóng mạnh để tới được vùng biển giàu hải sản của Nhật Bản.

TT Mỹ Donald Trump gây hại cho nhân quyền

Trong bài viết « Kenneth Roth : Trump đã gây ảnh hưởng xấu tới nhân quyền », báo Le Figaro cho biết nhân dịp tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) công bố báo cáo thường niên, ông Kenneth Roth, một cựu chưởng lý của Hoa Kỳ, giám đốc điều hành của tổ chức này từ năm 1993 đánh giá là tổng thống Mỹ Donald Trump là một tai họa cho nhân quyền.

Về chính sách đối ngoại, Donald Trump cho thấy ông khao khát liên kết với các lãnh đạo nắm trong tay nhiều quyền lực và luôn làm theo ý mình như tổng thống Nga Putin, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình … Về đối nội, ông Trump đã phá vỡ nhiều quy định vốn được đề ra vì lý do nhân đạo.

Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, giám đốc điều hành Human Rights Watch đánh giá việc một nguyên thủ quốc gia ủng hộ sự kỳ thị chủng tộc, miệt thị nữ giới và bài ngoại là điều không thể chấp nhận. Ông lo ngại là Donald Trump đã làm hại về lâu dài các nguyên tắc đạo đức cơ bản mà một chính quyền phải tuân thủ.

Ông Donald Trump còn có xu hướng coi mọi lời chỉ trích nhắm vào ông là tin giả « fake news ». Điều này rất nguy hiểm vì các nhà chuyên chế sẽ nói « Tôi cũng làm giống Trump ». Và đó là cái cớ để « tấn công » các nhà báo độc lập và những người chỉ trích, đồng thời ngấm ngầm phá hủy lòng tin vào một thực tế khách quan. Mà lòng tin đó là cần thiết để hoạt động bảo vệ nhân quyền đạt hiệu quả.

Châu Âu - Nhật Bản : Ván bài làm thay đổi thương mại thế giới

Trong lĩnh vực hợp tác thương mại, báo Les Echos chú ý tới thỏa thuận thương mại và hợp tác châu Âu - Nhật Bản và nhận định đó là « ván bài sẽ làm thay đổi thương mại thế giới ».

Thỏa thuận thương mại và hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn là châu Âu và Nhật Bản sẽ tạo ra một trong những khu vực tự do mậu dịch lớn nhất toàn cầu, mang đến bộ mặt mới cho thương mại thế giới, theo hướng bất lợi cho Mỹ. Theo Les Echos, việc Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã mang lại cơ hội cho Liên Hiệp Châu Âu.

Thỏa thuận tự do mậu dịch châu Âu - Nhật Bản được ký kết hôm 08/12/2017 và chỉ cần có sự thông qua của Hội Đồng Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu là thỏa thuận chính thức có hiệu lực. Đối với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, thỏa thuận sẽ tạo nên « khu vực kinh tế công nghiệp tự do lớn nhất toàn cầu ». Còn chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Juncker nhấn mạnh : « Đó là thỏa thuận thương mại song phương quan trọng nhất mà Liên Hiệp từng ký kết ».

Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản chiếm 1/3 PIB thế giới. Chuyên gia kinh tế thế giới Sébastien Jean nhận xét chưa tính tới giao thương riêng giữa Liên Hiệp và Nhật Bản, khối này chiếm 21% xuất khẩu thế giới, và nhập khẩu 20% lượng hàng hóa toàn cầu. Giao thương của Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản với phần còn lại của thế giới tập trung nhiều trong các lĩnh vực công nghệ cao như hàng không, dược phẩm, chế tạo máy móc …

Ủy Ban Châu Âu khẳng định thỏa thuận sẽ cho phép các doanh nghiệp của Liên Hiệp xuất khẩu sang Nhật Bản tiết kiệm được 1 tỉ euro thuế quan mỗi năm và hy vọng xuất khẩu từ châu Âu sang Nhật Bản tăng từ 16% lên 24%. Trong nhiều lĩnh vực, thỏa thuận trên sẽ cho phép giảm các tiêu chuẩn khác biệt vốn tác động tiêu cực tới giá thành sản phẩm và các phát minh và các tiêu chuẩn kỹ thuật chung châu Âu - Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội trở thành tiêu chuẩn chung trên toàn cầu.

Cuộc đua bào chế thuốc chữa bệnh gan nhiễm mỡ

Trong lĩnh vực sức khỏe, báo Les Echos cho biết « các hãng dược phẩm chạy đua để bào chế thuốc chữa bệnh gan nhiễm mỡ ». Gan nhiễm mỡ không do rượu, hậu quả do chế độ ăn uống quá nhiều chất hiện ảnh hưởng tới hơn 10% dân số của các nước phát triển. Tại Pháp, có 3-6 triệu người bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Trong 20% trường hợp, bệnh tiến triển thành bệnh xơ gan và là nguyên nhân đầu tiên khiến nhiều người phải ghép gan. Hiện vẫn chưa có phương thuốc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ nên nhiều hãng dược phẩm của Pháp và Mỹ đang tập trung đầu tư nghiên cứu tìm thuốc chữa bệnh này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.