Vào nội dung chính
CAM BỐT - MÊKÔNG

Khai mạc hội nghị thượng đỉnh các nước vùng sông Mêkông

Lãnh đạo các quốc gia vùng sông Mêkông họp lại hôm nay, 10/01/2018, tại thủ đô Phnom Penh của Cam Bốt trong bối cảnh Trung Quốc đang xây dựng thêm các con đập làm thay đổi dòng chảy của con sông này và gây nhiều quan ngại về môi trường.

Lãnh đạo 6 nước tham dự Diễn đàn Hợp tác Lan Thương - Mêkông  tại Phnom Penh Cam Bốt ngày 10/01/2018.
Lãnh đạo 6 nước tham dự Diễn đàn Hợp tác Lan Thương - Mêkông tại Phnom Penh Cam Bốt ngày 10/01/2018. REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

Theo hãng tin AP, hội nghị Cấp cao Hợp tác Lan Thương-Mêkông do thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đồng chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan và Miến Điện.

Mục tiêu của hội nghị, do Bắc Kinh khởi xướng vào năm 2015, là thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống của hàng triệu người sinh sống tại vùng sông Mêkông.

Được gọi là Lan Thương ở Trung Quốc, sông Mêkông xuất phát từ vùng cao nguyên Tây Tạng, trải dài trên gần 5000 km, băng qua các nước Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cam Bốt và Việt Nam, rồi đổ ra Biển Đông. Tuy nhiên, đây cũng là con sông gây căng thẳng khu vực do nhiều dự án đập thủy điện , chủ yếu của Trung Quốc, làm thay đổi dòng chảy của con sông và gây quan ngại về những tác hại đến môi trường. Bị tác động nhiều nhất vẫn là Việt Nam, quốc gia nằm ở hạ nguồn sông Mêkông.

Kể từ thập niên 1990, Trung Quốc đã xây tổng cộng 8 đập thủy điện trên thượng nguồn và đang xây hoặc dự trù xây thêm khoảng một chục đập nữa. Trung Quốc cũng tham gia nạo vét và mở rộng sông Mêkông để các tàu lớn có thể lưu thông trên sông này. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã cảnh báo là việc này sẽ gây những tác hại nặng nề lên hệ sinh thái.

Hội nghị Cấp cao Hợp tác Lan Thương- Mêkông được xem là một cơ chế cạnh tranh với Ủy hội sông Mêkông (MRC), được thành lập từ cách đây hơn 60 năm, và không bao gồm Trung Quốc lẫn Miến Điện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.