Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - CHÍNH TRỊ

Miến Điện kỷ niệm 70 năm lập quốc, tổng thống kêu gọi cải cách Hiến pháp

Cách đây tròn 70 năm, vào ngày 04/01/1948, Miến Điện giành được độc lập sau 60 năm là thuộc địa của Anh Quốc nhờ công của tướng Aung San, cha của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Trong bài diễn văn kỷ niệm ngày lập quốc, tổng thống Miến Điện kêu gọi cải cách bản Hiến pháp, vốn do quân đội soạn thảo. Tổng thống Htin Kyaw cũng kêu gọi công nhận các dân tộc thiểu số, nhưng không đề cập đến cách đối xử với sắc dân Hồi Giáo Rohingya.

Tổng thống Miến Điện Htin Kyaw (P), và bà Aung San Suu Kyi (G) tại Hội nghị hòa bình ở Naypyidaw, ngày 31/08/2016
Tổng thống Miến Điện Htin Kyaw (P), và bà Aung San Suu Kyi (G) tại Hội nghị hòa bình ở Naypyidaw, ngày 31/08/2016 AUNG HTET / AFP
Quảng cáo

Tổng thống Htin Kyaw phát biểu : "Khi chúng ta xây dựng nền Cộng hoà Liên bang Dân chủ, trên cơ sở kết quả của cuộc đối thoại chính trị, tất cả chúng ta cần phải hợp tác để tạo ra một bản Hiến pháp phù hợp". Tuy nhiên, tổng thống Miến Điện, người có quan hệ thân thiết với lãnh đạo Aung San Suu Kyi, lại không giải thích thế nào là « Hiến pháp phù hợp » và tại sao ông cho rằng bản Hiến pháp do quân đội soạn thảo năm 2008 là không phù hợp.

Theo Reuters, bài phát biểu của tổng thống Htin Kyaw chỉ mang tính lễ nghi. Sửa đổi Hiến pháp để loại bỏ vai trò chính trị chi phối của quân đội là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất tại Miến Điện, vốn nằm dưới quyền kiểm soát nghiêm ngặt của quân đội trong suốt nửa thế kỷ.

Hiến pháp hiện hành của Miến Điện khiến nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi không thể trở thành tổng thống, vì theo Hiến pháp, các ứng cử viên có vợ/chồng hoặc con là người ngoại quốc không được bầu làm tổng thống. Chồng và hai con của bà Aung San Suu Kyi là người Anh.

Theo Hiến pháp hiện hành, quân đội nắm 25% số ghế tại Quốc Hội và một số vị trí quan trọng trong chính phủ, gồm bộ trưởng Quốc Phòng, Nội Vụ, giúp họ có quyền phủ quyết về việc thay đổi Hiến pháp và kiểm soát các vấn đề an ninh.

Ông Htin Kyaw còn kêu gọi tôn trọng nhân quyền, nhưng không nhắc tới cuộc khủng hoảng người Rohingya cũng như những chỉ trích của quốc tế trong hồ sơ này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.