Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - CHÍNH TRỊ

Cựu tổng thống Hàn Quốc bị cáo buộc biển thủ ngân quỹ tình báo

Truyền thông Hàn Quốc hôm nay 04/01/2018, đưa tin cựu tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun Hye, sẽ tiếp tục bị điều tra với cáo buộc biển thủ ngân sách tình báo.

Cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye trong một phiên tòa, Seoul, ngày 23/05/2017.
Cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye trong một phiên tòa, Seoul, ngày 23/05/2017. REUTERS/Ahn Young-joon/Pool
Quảng cáo

Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến giữa năm 2016, bà Park hàng tháng đã nhận số tiền từ 50 đến 200 triệu won, tương đương 39 nghìn đến 156 nghìn euro từ Cơ quan tình báo quốc gia (NIS). Theo cáo trạng, số tiền mà các quan chức tình báo đã bí mật chuyển cho các cố vấn của bà Park lên tới 3,8 tỷ won. Tiền đã trực tiếp được đưa tại các bãi đỗ xe trống vắng hoặc các con phố nhỏ ít người qua lại gần phủ tổng thống.

Theo hãng tin Yonhap, khoản « ngân quỹ đặc biệt » này đã được cơ quan tình báo sử dụng mà không hề phải giải trình, báo cáo. Tuy nhiên, việc cựu tổng thống Park sử dụng khoản tiền này như thế nào vẫn chưa được làm rõ, một số kênh truyền thông cho rằng bà sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân hoặc chi tiền cho các nhóm ủng hộ bà.

Hàn Quốc tìm giải pháp cho hồ sơ « gái giải sầu »

Cũng trong ngày hôm nay, phủ tổng thống Hàn Quốc loan tin, tổng thống đương nhiệm Moon Jae In, đã gặp gỡ 8 người phụ nữ bị cưỡng bức làm việc trong các nhà thổ suốt thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Các nhà hoạt động Hàn Quốc ước tính đã có khoảng 200 000 phụ nữ Hàn Quốc và Triều Tiên bị ép làm « gái giải sầu » cho binh lính Nhật.

Một nhóm giới chức Hàn Quốc có ý định xem xét lại thỏa thuận được ký kết vào năm 2015 với Nhật Bản, nhằm bù đắp những tổn thất thể xác và tinh thần cho những người phụ nữ này. Tổng thống Moon Jae In cho rằng, thỏa thuận năm 2015 là một « sai lầm » « vấn đề vẫn chưa được giải quyết ». Theo ông, khoản tiền 1 tỷ yên (tương đương 8,8 triệu đôla) mà Nhật Bản dùng để xin lỗi các nạn nhân là khiếm khuyết nghiêm trọng.

Về phần mình, Tokyo tuyên bố bất kỳ ý định xem xét lại thỏa thuận năm 2015 nào đều có thể hủy hoại quan hệ giữa hai nước. Theo Reuters, bộ Ngoại Giao Hàn Quốc sẽ cố gắng tìm ra các giải pháp cho vấn đề này một cách mau chóng nhất có thể, trong khi một quan chức khác tuyên bố, các giải pháp có thể được đưa ra sớm nhất là vào tuần tới.

Lời qua tiếng lại giữa Bình Nhưỡng và Washington

Liên quan tới căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, những lời qua tiếng lại giữa Bình Nhưỡng và Washington vẫn chưa có hồi kết. Ngay ngày đầu năm mới 01/01/2018, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi người dân Bắc Triều Tiên sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa. Ông đe dọa, nút bấm « hạt nhân luôn luôn sẵn sàng trên bàn làm việc » của ông. Tổng thống Donald Trump ngay lập tức đã lên tiếng đáp trả, tuyên bố rằng nút bấm hạt nhân của Washington còn « to hơn và uy lực hơn » của Bình Nhưỡng.

Những tuyên bố hung hăng này không ngăn được những dấu hiệu tích cực trong nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều. Hôm qua 03/01/2018, hai miền nam bắc vĩ tuyến 38 đã nối lại điện đàm kể từ khi bị gián đoán vào năm 2016. Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã lên tiếng ủng hộ cho thành công của Thế vận hội sẽ diễn ra từ ngày 09/02/2018 tại Pyeongchang, Hàn Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.