Vào nội dung chính
MỸ TRUNG - TÀI CHÍNH

Mỹ ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm công ty MoneyGram

Thêm một dấu hiệu nữa cho thấy quan hệ kinh tế Mỹ-Trung căng thẳng. Hôm qua, 02/1/2018, kế hoạch của tập đoàn Trung Quốc Alibaba muốn thâu tóm công ty chuyển tiền toàn cầu Mỹ MoneyGram đã bị hủy bỏ. Hôm nay, 03/01, Bắc Kinh kêu gọi Washington đối xử « công bằng ».

Ảnh minh họa: Các sản phẩm của MoneyGram
Ảnh minh họa: Các sản phẩm của MoneyGram (@wikipedia.com)
Quảng cáo

Theo AFP, MoneyGram và công ty tài chính Trung Quốc Ant Financial ra một tuyên bố chung, khẳng định từ bỏ dự án sáp nhập « do không được sự cho phép của Ủy Ban Đầu Tư Nước Ngoài của Mỹ (CFIUS) », cho dù « đã hết sức nỗ lực để đáp ứng các đòi hỏi của Ủy Ban ».

Ant Financial - công ty nằm dưới sự kiểm soát của Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba – hy vọng mở rộng ảnh hưởng quốc tế trong lĩnh vực tài chính, qua việc mua lại công ty Mỹ MoneyGram với giá, 1,2 tỷ đô la. MoneyGram có trụ sở tại Dallas, chuyên về dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài, sử dụng khoảng 1.300 nhân viên và được đánh giá là một tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Sau khi vụ việc bị lỡ dở, tổng giám đốc MoneyGram, ông Alex Holmes, thừa nhận « môi trường địa chính trị thế giới đã thay đổi đáng kể », từ một năm nay, thời điểm loan báo ý định sáp nhập với công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo MoneyGram cho biết vẫn sẽ tiếp tục có « các hợp tác chiến lược » với Ant Financial, đặc biệt tại các thị trường châu Á.

Ủy Ban Đầu Tư Nước Ngoài - CFIUS - trực thuộc bộ Tài Chính Mỹ, có nhiệm vụ xem xét các vụ sáp nhập với nước ngoài. CFIUS có quyền ngăn chặn các dự án đe dọa an ninh quốc gia. Hồi tháng 9/2017, theo đề nghị của CFIUS, tổng thống Mỹ đã không cho phép một công ty Trung Quốc mua lại nhà sản xuất vật liệu bán dẫn Lattice Semiconductor Corporation, do lo ngại Trung Quốc chiếm đoạt bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này.

Riêng đối với trường hợp Alibana mua lại MoneyGram, theo báo chí Mỹ, Washington lo ngại cho việc bảo mật các thông tin cá nhân, cũng như việc kiểm soát các hoạt động rửa tiền, hay tài trợ khủng bố.

Không khí tương phản đầu 2017

Các nhà quan sát ghi nhận, trên lĩnh vực kinh tế, quan hệ Mỹ-Trung hiện nay khác hẳn với không khí lạc quan hồ hởi hồi tháng Giêng 2017, khi tổng thống tân cử Donald Trump và lãnh đạo tập đoàn Alibaba Jack Ma tay bắt mặt mừng.

Vào thời điểm đó, ông Trump đã ca ngợi Jack Ma là « một trong những doanh nhân giỏi nhất thế giới », lãnh đạo Alibaba thì hứa hẹn sẽ gián tiếp tạo « một triệu việc làm » tại Mỹ. Tuy nhiên, kể từ đó, lời hứa hẹn không mang lại kết quả cụ thể nào.

Trong những năm gần đây, đầu tư Trung Quốc vào Mỹ tăng mạnh, với tổng số 46 tỉ đô la năm 2016. Bắc Kinh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra ngoài để mở rộng thị trường, và chiếm lĩnh các công nghệ mới. Trong khi đó, kể từ khi ông Trump điều hành tại Nhà Trắng, Washington tỏ ra ngày càng lo ngại trước các vụ sáp nhập của Trung Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.