Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - NGƯ DÂN

Bắc Triều Tiên bán ngư trường, dân chài trôi dạt

Hiện tượng tàu ma trôi dạt ngoài khơi Nhật Bản phản ánh tình trạng thiếu lương thực và ngoại tệ ở Bắc Triều Tiên. Chế độ Kim Jong Un buộc dân đánh cá phiêu lưu xuống phương Nam bất chấp an nguy sóng dữ. Trên đây là nhận định của giới phân tích Nhật Bản và Hàn Quốc về số phận của ngư dân láng giềng phương Bắc, cũng mong manh như những con thuyền của họ.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thăm trang trại n° 1116 thuộc đơn vị 810 của Quân Đội Bắc Triều Tiên, ngày 13/08/2015. Ảnh do KCNA công bố.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thăm trang trại n° 1116 thuộc đơn vị 810 của Quân Đội Bắc Triều Tiên, ngày 13/08/2015. Ảnh do KCNA công bố. KCNA/via Reuters
Quảng cáo

Mỗi năm, hàng chục tàu đánh cá bằng gỗ, cũ kỹ, trang bị đơn sơ, trôi dạt trên biển hoặc bị đắm phơi xác trên bờ biển Nhật Bản. Nhưng năm 2017, chỉ trong tháng 11, tuần duyên Nhật Bản đã kiểm kê được 28 trường hợp, một kỷ lục tính từ năm 2014, khi hiện tượng này bắt đầu được thống kê.

Ngoài 48 ngư dân Bắc Triều Tiên lâm nạn được cứu cấp và chăm sóc, thỉnh thoảng chính quyền Nhật còn phát hiện xác người hay chỉ có những bộ xương trên các chiếc tàu vô chủ, do vậy mới có tên là « tàu ma ». 18 chiếc được ghi vào sổ trong năm 2017.

AFP tìm hiểu hiện tượng này và được giáo sư Toshimitsu Shigemura, đại học Waseda ở Tokyo, giải thích như sau : Từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, Kim Jong Un ra lệnh « gia tăng năng suất ngư nghiệp, áp đặt chỉ tiêu đánh bắt hải sản mỗi năm mỗi cao ».

Kim Jong Un « bán » biển

Vấn đề là năm vừa qua, Bắc Triều Tiên đã bán một phần quyền đánh cá trên biển Hoàng Hải cho Trung Quốc để đổi lấy ngoại tệ làm cho ngư dân mất phần lớn ngư trường để sinh sống. Theo phóng viên Pyon Jinil, người Nhật gốc Hàn, Bình Nhưỡng bắt buộc ngư dân đổ về biển Nhật Bản đánh bắt. Nhưng đi xa với những chiếc tàu thô sơ và ít xăng dầu, cuối cùng bị trôi dạt về các đảo Nhật Bản.

Thực ra, ngư dân Bắc Triều Tiên phải liều mình tìm sự sống trong cái chết, cũng vì nạn đói, một trong những hệ quả của lệnh cấm vận Liên Hiệp Quốc trừng phạt tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cũng theo nhà báo Pyon Jinil, khẩu phần lương thực cho mỗi công dân Bắc Triều Tiên chỉ còn 300 gram mỗi ngày. Cho dù có muốn nhập khẩu hai món hàng cơ bản là gạo và ngô bắp Trung Quốc không thôi, Bình Nhưỡng cũng không có đủ tiền vì trữ lượng ngoại tệ, do bị cấm vận tài chính và xuất khẩu, chỉ còn một phần ba so với một năm trước.

Tuần vừa qua, một chiếc tàu gỗ bị sóng lớn đẩy vào một đảo nhỏ ở Hokkaido (Bắc Hải Đạo). 10 ngư dân tự xưng là người Bắc Triều Tiên lên bờ xin tạm trú tránh biển động. Khi biển lặng, tàu ra đi thì một nhân viên canh đảo mới phát hiện TV, tủ lạnh, pin mặt trời, chăn mền và cả một bích chương quảng cáo truyện tranh treo tường cũng biến mất. Trước khi bị cảnh sát biển Nhật Bản bắt lại, nhóm ngư dân đã ném xuống biển phi tang một số đồ vật đánh cắp, theo tường thuật của truyền thông Nhật Bản.

Báo chí Nhật luôn loan tin rộng rãi mỗi khi có một tàu cá Bắc Triều Tiên trôi dạt. Một vài tờ báo còn suy đoán đây là tàu gián điệp. Tuy nhiên, theo giáo sư Toshimitsu Shigemura trích dẫn bên trên, điệp viên Bình Nhưỡng không bao giờ dùng thuyền thô sơ như thế.

Tàu gián điệp ?

Điều chắc chắn là với số tàu cá lâm nạn ngày càng nhiều và hành động « cầm nhầm » kiếm tiền bằng mọi giá, ngư dân Bắc Triều Tiên đã lâm vào ngõ cụt. Không đi thì đói mà đi thì may ít rủi nhiều.

Giáo sư Toshimitsu Shigemura e rằng, nhóm ngư dân « đạo tặc » nói trên, một khi trở về nhà an toàn, họ có thể bị chính quyền hành quyết vì bị nghi ngờ trở thành « gián điệp » cho Nhật Bản.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.