Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

Bắc Kinh hạ thủy tàu nạo vét khổng lồ với Scarborough trong tầm nhắm

Phải chăng Bắc Kinh lại đang chuẩn bị thôn tính nốt bãi cạn Scarborough để hoàn chỉnh tam giác sắt khống chế toàn bộ Biển Đông ? Câu hỏi này đã dấy lên trở lại trong nửa đầu tháng 11/2017 này với việc Trung Quốc vừa cho hạ thủy chiếc tàu nạo vét lớn nhất châu Á được mệnh danh là cỗ máy làm đảo nhân tạo. Và cũng không biết vì tình hình Biển Đông có nguy cơ xấu đi hay không mà trong một động thái hết sức bất thường, Hải Quân Pháp đã cho một tàu chống ngầm hiện đại của mình đến quan sát hiện trường Biển Đông, đi từ Trường Sa lên Hoàng Sa ?

Bãi cạn Scarborough.
Bãi cạn Scarborough. Wikipedia
Quảng cáo

Hai chi tiết trên đây đã được trang mạng Pháp East Pendulum liên tiếp phân tích, và đặt ra nhiều câu hỏi trước mắt chưa thể có lời giải đáp.

Trong bài phân tích ngày 10/11/2017 mang tựa đề  "Phải chăng đó là cỗ máy chế tạo đảo nhỏ ? Trung Quốc hạ thủy tàu nạo vét lớn nhất châu Á", chuyên gia Henri Kenhmann của East Pendulum đã ghi nhận kích thước khổng lồ cũng như công suất cực cao của chiếc tàu nạo vét Thiên Côn Hiệu vừa được Trung Quốc hạ thủy

Chuyên gia Pháp đã nêu bật những thông số chóng mặt về con tàu khổng lồ này : Sáu năm thiết kế và chế tạo, công suất hơn hẳn con tàu nạo vét được dùng trước đó trong việc bồi đắp loạt đảo nhân tạo tại những vùng mà Bắc Kinh chiếm đóng ở Trường Sa, vốn đã là cỗ máy đứng hàng đầu Châu Á và hạng 3 thế giới.

Với kích thước dài 140 mét và rộng 27,8 mét, chiếc Thiên Côn Hiệu có thể nghiền nát tất cả các loại vật liệu, kể cả đá ở độ sâu 35 mét dưới biển, pha trộn với nước biển và phun ra xa đến 15 km, nhờ sức của máy bơm mạnh nhất thế giới hiện nay. Cứ mỗi một giờ là con tàu có thể xử lý một khối lượng vật liệu bằng hơn hai hồ bơi Thế Vận, và tất cả đều tự động.

Scarborough trong tầm nhắm

Điều mà chuyên gia Pháp ghi nhận là thái độ mập mờ của Bắc Kinh về việc sử dụng con tàu nạo vét không lồ đó vào việc gì ?

Cơ quan chủ quản của con tàu thì chính thức cho biết đó là công cụ chống cát và bùn lấp các hải cảng. Ngược lại, đơn vị thiết kế con tàu, Viện 708, thuộc nhóm đóng tàu CSSC, thì không ngần ngại gọi đó là « cỗ máy chế tạo đảo » trong thông cáo chính thức trên mạng Vi Tín (Weixin).

Chế tạo đảo ở đâu ? Theo chuyên gia Pháp, cho dù phần lớn các công trình bồi đắp đảo ở Trường Sa xem như đã hoàn tất, nhưng bãi Scarborough, ở phía đông của Biển Đông, là nơi cần đến một công trình bồi đắp to lớn hơn rất nhiều so với những gì được thực hiện đến nay. Do đó, sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu chiếc Thiên Côn Hiệu được « trưng dụng »  vào công trình nạo vét ở Scarborough.

Hiện nay thì tàu vét nạo lớn nhất thế giới là một chiếc tàu Pháp : chiếc D’Artagnan của hãng Société de Dragage International (SDI), chi nhánh của  tập đoàn  DEME tại Pháp

Từ 26/05/2017, bộ Thương Mại Trung Quốc và Hải Quan đã đưa ra cùng lúc lệnh cấm xuất khẩu mọi loại tàu nạo vét có công xuất lớn để « bảo đảm  an ninh quốc gia ».

Lệnh trên được đưa ra sau khi Việt Nam đã tính mua tàu nạo vét của phương tây, nhưng vì giá quá đắt cho nên đã quay sang phía Trung Quốc.

Nhiệm vụ  chiến hạm Pháp tại Biển Đông ?

Cũng theo dòng phân tích về ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông, trong một bài phân tích khác, East Pendulum đã cố giải mã hành trình chưa từng thấy của một chiến hạm chống ngầm Pháp tại Biển Đông.

Dựa trên phóng sự của một nữ phóng viên báo Le Monde được đi theo chiếc tàu, chuyên gia Henri Kenhmann đã thử tìm hiểu xem nhiệm vụ thực thụ của chiến hạm Pháp ở một vùng đầy tranh chấp là Biển Đông cuối tháng 10 vừa qua là gì, nhất là khi chiếc Auvergne là hộ tống hạm chống tàu ngầm đời mới nhất của Pháp, thuộc lớp FREMM, mới được ‘biên chế’ vào Hải Quân Pháp cách nay 7 tháng.

Rời cảng Pháp Toulon ngày 18/08, nhiệm vụ ban đầu của chiếc Auvergne là chỉ đi đến Ấn Độ Dương mà thôi, trong một chuyến công tác 4 tháng.

Thế nhưng phải chăng là do thảo luận mới đây giữa bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly với đối tác Ấn Độ, và lời hứa của Paris là ủng hộ New Delhi trong việc hình thành một mặt trận « chống Trung Quốc » mà chiến hạm Pháp đã đổi hành trình, đi xa hơn con đường đã dự kiến để cho phía Ấn Độ thấy lợi ích cụ thể của cuộc « tân hôn » Pháp-Ấn này ?

Theo Kenhmann, cho đến giờ thì chưa có câu trả lời, và các thông tin trên chỉ là tin hành lang. Nhưng dẫu sao thì nhờ các chi tiết trong bài báo trên Le Monde, người ta đã có thể phác họa hành trình của chiếc Auvergne, từ lúc rời cảng Malaysia Kota Kinabalu, ngày 20/10, cho đến điểm cuối cùng biết được là quần đảo Hoàng Sa 5 ngày sau.

Mục đích chính là Hoàng Sa ?

Hành trình ở Biển Đông của chiến hạm Pháp thoạt nhìn có vẻ không rõ lắm, nhưng chỉ cần thêm vào vài vị trí chiến lược của quân đội Trung Quốc thì sự việc được hiểu rõ thêm ngay.

Chuyên gia Pháp ghi nhận là theo bài báo, đoạn đầu cuộc hải hành diễn ra theo thủ tục « quá cảnh không hung hăng », với « hệ thống ra đa, hệ thống nhận diện, hệ thống sonar tắt đi, trực thăng cất trong khoang chứa » khi đến gần vĩ tuyến thứ 10, và « các loại súng 12,7mm, đã lên đạn, trên sườn boong tàu ». ’ Chi tiết này có nghĩa là chiếc Auvergne sắp đến sát vùng « Tam Giác Sắt » của Trung Quốc tại Trường Sa, bao gồm 3 tiền đồn mà Trung Quốc đã củng cố là Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn. Trên các đảo nhân tạo này đều có phi đạo và cơ sở quân sự.

Tuy nhiên Trường Sa có vẻ không phải là mục đích ưu tiên của chiếc Auvergne, vì tàu chỉ đi ngang qua với một tốc độ ổn định khoảng 10 hải lý, rất tốt cho hoạt động của thiết bị sonar trên tàu hay trên trực thăng.

Điểm thứ hai của hành trình là bãi Scarborough, một rạn san hộ có kích thước 12 km trên 13 km, một điểm chiến lược để khóa chặt phần phía đông của Biển Đông. Và nhiều tin đồn cho là Trung Quốc đang chuẩn bị ráo riết cho việc bồi đắp đảo tranh chấp với Philippines này.

Bãi Scarborough được xem là chiến lược không chỉ do vị trí địa lý và tiềm năng khai thác về dân sự cũng như quân sự, mà vì nó còn cho phép Trung Quốc tạo một « Tam Giác Sắt » khác, lớn hơn, với hai chốt là Trường Sa và Hoàng Sa.

Một khi bồi đắp xong thì đảo nhân tạo Scarborough sẽ trở thành một điểm tựa chiến lược cho Trung Quốc ở phần phía đông Biển Đông. Những vụ va chạm giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc gần đây cũng đã diễn ra ở vùng này.

Tuy vậy, theo Henri Kenhmann, Hoàng Sa có lẽ là mục tiêu chính của chiếc Auvergne, vì chiếc tàu đã trụ lại khu vực lâu hơn.

Chi tiết trong bài báo trên Le Monde cho người ta hiểu là tàu chiến Pháp ở lại hai ngày trong vùng biển Hoàng Sa, trong một khu vực dài không đầy 100 cây số. Và vùng đó chỉ cách căn cứ tàu ngầm nguyên tử Á Long (Yalong) của Trung Quốc không đầy 400 cây số.

Tàu ngầm nguyên tử tấn công loại 091 và loại bắn tên lửa đạn đạo 09IV đồn trú tại đấy và thường xuyên đi qua eo biển Bashi để ra Tây Thái bình Dương.

Phải chăng vì tàu Auvergne ở quá lâu ở vùng Hoàng Sa mà Hải Quân Trung Quốc có phản ứng, phái máy bay tuần tra quay vòng bên trên chiếc tàu Pháp, cho dù hạm trưởng chiếc Auvergne, Xavier Breteil, đánh giá phi công Trung Quốc rất « chuyên nghiệp », và tàu chiến Pháp « cảm thấy không bị đe dọa ».

Chuyên gia Kenhmann còn ghi nhận là lực lượng tàu ngầm Trung Quốc hiện diện khá hùng hậu ở Biển Đông. Chiếc Auvergne đã phát hiện ít ra là 3 lần những liên lạc giữa tàu ngầm.

Ngoài đội tàu nguyên tử ở Á Long (Yalong), Hạm Đội Nam Hải của Trung Quốc còn có khoảng 10 tàu ngầm chạy bằng diesel lớp Kilo của Nga và loại  039 của Trung Quốc.

Nhưng vùng này rất thuận lợi cho loại tàu ngầm lặn sâu, cho nên trong 3, 4 năm nữa thì Trung Quốc sẽ đưa ra hai loại tàu ngầm thiết kế để chuyên tuần tra khu vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.