Vào nội dung chính
ASEAN - MIẾN ĐIỆN

Quân đội Miến Điện bị tố cáo phạm ''tội ác chống nhân loại''

Quân đội Miến Điện bị tố cáo hãm hiếp tập thể, làm nhục một cách có hệ thống phụ nữ và bé gái thuộc sắc dân thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo. Nhiều hành động tàn bạo của quân đội Miến Điện « có thể bị coi là tội ác chống nhân loại », theo báo cáo ngày 12/11/2017 của bà Pramila Patten, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, sau khi thu thập các bằng chứng tại Cox's Bazar, Bangladesh, nơi có khoảng 610.000 người Rohingya tị nạn.

Người Rohingya tiếp tục tìm đường tị nạn sang Bangladesh. Ảnh chụp một chiếc bè đơn sơ đưa người tị nạn vượt sông Naf, ngày 12/11/2017.
Người Rohingya tiếp tục tìm đường tị nạn sang Bangladesh. Ảnh chụp một chiếc bè đơn sơ đưa người tị nạn vượt sông Naf, ngày 12/11/2017. REUTERS/Mohammad Ponir Hossain
Quảng cáo

Hiện đang tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 (12-14/11) tại Philippines, cố vấn nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi tìm cách tránh đưa cuộc khủng hoảng người Rohingya vào thông cáo chung của khối.

Bẩy năm sau ngày được trả tự do, nhà đấu tranh ly khai, chủ nhân giải Nobel Hòa Bình, vẫn rất được người dân Miến Điện ủng hộ. Tuy nhiên, trong số những người từng ủng hộ bà, bắt đầu xuất hiện những lời chỉ trích. Thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou tường trình từ Rangun :

« Trong vòng nhiều năm, Bo Bo, một nhà hoạt động Miến Điện công khai bảo vệ giải Nobel Hòa Bình khi bà bị giam lỏng tại nhà và khi bà bắt đầu vào Quốc Hội. Nhưng ngày nay, ông lên án bà Aung San Suu Kyi đã cắt đứt với xã hội dân sự.

Ông nói : « Trước đây, bà ấy là người dễ gần, giờ bà không đối thoại với xã hội dân sự nữa. Để xây dựng hòa bình tại nước tôi, người ta cần xã hội dân sự. Hiện tại có rất nhiều đạo luật trấn áp tại đất nước chúng tôi, và từ khi đảng NLD lên nắm quyền, bà Aung San Suu Kyi vẫn sử dụng những đạo luật trấn áp đó, thậm chí bà ấy còn lập ra thêm nhiều đạo luật khác để hạn chế tự do ngôn luận.

Ông Bo Bo thừa nhận là thách thức vẫn còn nhiều. Tầm hoạt động của cố vấn nhà nước Miến Điện bị hạn chế. Nhưng đối với Khin Sandar, một nhà đấu tranh người gốc bang Rakhine, giải Nobel Hòa Bình đã thay đổi từ khi bà lên nắm quyền.

Ông cho biết : Trước đây, tôi rất yêu quý bà ấy, hiện giờ thì tôi nghi ngờ quan điểm xây dựng đất nước của bà. Ví dụ, bà Aung San Suu Kyi từng nói sẽ thay đổi Hiến pháp, thế nhưng từ đó là sự im lặng. Bà ấy đã trở thành một nhà chính trị, thỏa hiệp với phe quân đội và tham gia trò chơi chính trị. Tôi không còn coi bà là một biểu tượng hòa bình nữa.

Quân đội vẫn nắm nhiều quyền lực tại Miến Điện. Họ đứng đầu 3 bộ chủ đạo trong chính phủ và nghiễm nhiên chiếm 25% số ghế tại Nghị Viện ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.