Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - LIÊN HIỆP QUỐC

LHQ gia tăng sức ép lên Miến Điện về người Rohingya

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào hôm qua, 06/11/2017, đã nhất trí thông qua một văn kiện lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực đối với người Rohingya, khiến khoảng 600.000 người chạy sang nước láng giềng Bangladesh lánh nạn. Đây là một bước tiến đáng kể nhưng Hội Đồng Bảo An vẫn chưa ra được một nghị quyết cứng rắn như phương Tây mong muốn vì bị Trung Quốc chống đối.

Hàng ngàn người tị nạn Rohingya chạy sang Kutupalong, Bangladesh.
Hàng ngàn người tị nạn Rohingya chạy sang Kutupalong, Bangladesh. Sébastien Farcis/RFI
Quảng cáo

Bản tuyên bố của chủ tịch Hội Đồng Bảo An đòi chính quyền Miến Điện « bảo đảm không sử dụng sức mạnh quân sự quá đáng trong thời gian tới tại bang Rakhine », và đưa ra ngay những biện pháp tôn trọng nhân quyền.

Văn kiện nêu lên « mối quan ngại nghiêm trọng » về những hành vi vi phạm nhân quyền của lực lượng an ninh Miến Điện đối với người Rohingya ở bang Rakhine, trong đó có « việc liên tục sử dụng bạo lực hù dọa, giết người - kể cả phụ nữ và trẻ em - hãm hiếp, phá hủy và đốt nhà... »

Anh Quốc đã từng đưa ra một dự thảo nghị quyết với những lời lẽ tương tự và được hậu thuẫn của Mỹ, Pháp và nhiều thành viên khác, nhưng đã không được thông qua. Theo các nhà ngoại giao, Trung Quốc đã kịch liệt mạnh mẽ bác bỏ dự thảo này.

Chính vì vậy mà Pháp và Anh đã chuyển sang hình thức Tuyên Bố của chủ tịch, không ràng buộc như một nghị quyết, nhưng cũng là văn kiện mạnh mẽ nhất đối với Miến Điện trong gần 10 năm qua.

Đại sứ Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc, François Delattre cho là Hội Đồng Bảo An đã « gởi thông điệp mạnh mẽ và đồng thuận nhằm chấm dứt cuộc thanh lọc chủng tộc đang diễn ra trước mắt ở Miến Điện ».

Phó đại sứ Anh, Jonathan Allen cho đây là « bước đầu » và Hội Đồng Bảo An sẽ đánh giá Miến Điện qua « cung cách hành động » của chính quyền nước này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.