Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - TẬP CẬN BÌNH

Tập Cận Bình và tham vọng "CNXH hiện đại Trung Hoa"

Trong bài diễn văn « tràng giang đại hải » kéo dài 3 giờ 30 khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 ngày 18/10/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra mục tiêu đưa đất nước sang « một thời kỳ mới » vào năm 2049, tròn 100 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục được các nhật báo Pháp đề cập trong số ra ngày 19/10/2017.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (G) và hai cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào (T) và Giang Trạch Dân (P) tại Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, ngày 18/10/2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (G) và hai cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào (T) và Giang Trạch Dân (P) tại Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, ngày 18/10/2017. REUTERS/Aly Song
Quảng cáo

Cụm từ « thời kỳ mới » được ông Tập Cận Bình nhắc đến 36 lần theo bài viết « Tập Cận Bình bảo vệ quyền bá chủ của Đảng » trên nhật báo Le Figaro. Sau khi trở thành « quốc gia trỗi dậy », rồi đến « quốc gia giầu có », Trung Quốc đang trên đường trở thành một « quốc gia hùng mạnh ». Khi nhấn mạnh đến ba chặng trên, ông Tập Cận Bình « rõ ràng muốn nhắc đến ba giai đoạn quan trọng : Thời kỳ Mao Trạch Đông, thời kỳ Đặng Tiểu Bình và cuối cùng là thời kỳ của ông Tập ». Đây là đánh giá của nhà chính trị học Trung Quốc Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) được Le Figaro trích lại.

Dường như không muốn dừng lại ở hết nhiệm kỳ thứ hai, ông Tập Cận Bình « lo xa » đến năm 2049 để Trung Quốc trở thành « một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại » « đứng hàng đầu thế giới ». Theo nhật báo kinh tế Les Echos và Le Monde, để thực hiện được trọng trách này, ông Tập định ra lộ trình gồm ba giai đoạn : Từ nay đến năm 2020, Trung Quốc sẽ phải hoàn thành mục tiêu xã hội « trung lưu » ; Đến năm 2035, Trung Quốc sẽ đạt đến mục tiêu « hàng đầu » về đổi mới với một tầng lớp trung lưu tăng « đáng kể » ; Giai đoạn 3 từ 2035-2050 sẽ đưa Trung Hoa thành một quốc gia « hiện đại », « phồn thịnh »« hùng mạnh ».

Đảng quyền lực cần nhà lãnh đạo vững mạnh

Giáo sư khoa học chính trị William Lam, thuộc đại học Hồng Kông, nhận xét : « Với ông Tập Cận Bình, chỉ có Đảng vững mạnh mới có thể thực hiện được các mục tiêu đề ra ». « Tuy nhiên, một Đảng vững mạnh không thể tồn tại nếu không có nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Và nhà lãnh đạo mạnh mẽ đó, chính là ông Tập », theo đánh giá của giáo sư Jean-Pierre Cabestan, cũng thuộc đại học Hồng Kông. Dựa vào các mục tiêu đề ra trong bài diễn văn của ông Tập, giáo sư Cabestan cho rằng « Nêu lên một loạt các thách thức đang chờ Trung Quốc ở phía trước và định ra thời hạn tới năm 2050, điều này có thể được hiểu là ông sẽ còn giữ quyền lực hơn 10 năm nữa ».

Vẫn theo nhật báo Les Echos, để tiến tới chủ nghĩa xã hội theo mô hình Trung Hoa, ông Tập Cận Bình lại đề cao chính trị hơn là vấn đề kinh tế. Cụ thể, ưu tiên đầu tiên là hoàn thành quyền bá chủ của Đảng trên mọi lĩnh vực (xã hội, kinh tế, văn hóa, quân sự). « Tất cả phải được đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng »« Một sự nghiệp lớn không thể thực hiện được, nếu không có sự lãnh đạo của một đảng chính trị vững chắc », như ông nhấn mạnh trong lễ khai mạc. Vì vậy, ông kêu gọi đánh bại bất kỳ ai hay thế lực nào « phá hoại » uy quyền của chế độ với bài học Liên Xô sụp đổ vẫn còn đó.

Với Le Figaro, điều này được thể hiện rõ qua việc trấn áp xã hội dân sự, từ khi ông lên nắm quyền vào cuối năm 2012, từ bắt giữ các nhà đối lập, luật sư đến việc theo dõi chặt chẽ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hay kiểm duyệt gắt gao internet… Ông Tập ngăn chặn mọi khả năng mở cửa chính trị vì Trung Quốc « không cần phải bắt chước một cách máy móc hệ thống chính trị của các nước khác ». Nếu Đảng muốn dẫn dắt dân tộc thực hiện « giấc mộng Trung Hoa », thì ngược lại, đảng phải « mạnh mẽ hơn và quyền lực hơn ». Chính điều này khiến nhiều nhà quan sát lo ngại vì « khoảng cách ý thức hệ với Trung Quốc không ngừng sâu thêm, và điều này đặt ra cho phương Tây nhiều thách thức lớn về kinh tế và chính trị », như nhận xét của giáo sư Jean-Pierre Cabestan.

Với nhật báo thiên tả Libération, « Tập Cận Bình là Người cầm lái mới ». Bài viết dài của mục « Sự kiện » đưa hàng tựa lớn : « Ở Trung Quốc, Tập và chỉ có Tập » vì nhân vật số một này « xốc vác » mọi trọng trách, kể cả lĩnh vực kinh tế dù trước nay vẫn dành cho thủ tướng, hay chặt tay quản lý Đảng và xã hội dân sự. Về đối ngoại, ông phác họa một tiến trình toàn cầu hóa theo mô hình Trung Hoa, thành lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài (tại Djibouti), cố thể hiện vai trò nhà ngoại giao hàng đầu, khẳng định « mở cửa hơn nữa »« đối xử công bằng » với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, ở điểm này, Phòng thương mại châu Âu ở Bắc Kinh chỉ biết tiếp nhận thông tin của tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng luôn nhắc lại sự chán nản về « những lời hứa suông ».

Syria : Raqqa tan hoang nhưng được giải phóng khỏi thánh chiến

Ba tháng sau chiến thắng tại Mossoul, Irak, thành trì của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria đã được giải phóng nhờ lực lượng Ả Rập - Kurdistan do liên quân quốc tế hậu thuẫn, chấm dứt bốn năm khủng bố.

Nhật báo Le Monde dành hai trang trong mục « Quốc tế » để lược lại một « Raqqa hoang tàn, nhưng được giải phóng khỏi tay thánh chiến », sau 5 tháng chiến đấu gay gắt với vài nghìn cuộc oanh kích của liên quân quốc tế do Hoa Kỳ chỉ huy và các cuộc chiến giáp lá cà trong các khu phố và nhà dân để chiến thắng Daech. Đây là một trong những trận chiến đẫm máu nhất mà Syria trong thời chiến phải trải qua, khiến 3.000 người chết, trong đó có hơn 1.000 thường dân.

Le Monde từng bước lật lại những sự kiện đau thương mà Daech đã gây ra tại Raqqa. Xuất hiện lần đầu với lá cờ đen ở Raqqa vào tháng 05/2013, Daech tại Syria do Abou Bakr Al Baghdadi, một nhân vật thánh chiến chống Mỹ người gốc Irak điều hành. Những tân binh nước ngoài lần lượt kéo đến và bắt đầu reo rắc sợ hãi vì sự tàn bạo của họ trong những cuộc hành hình thường dân và con tin, đặc biệt là vụ hành hình nhà báo người Mỹ James Foley ngày 19/08/2014, buộc thế giới phải tập trung vào những gì đang diễn ra tại Syria.

Tháng 11/2016, chiến dịch mang tên « Dòng Euphrate nổi giận » được liên quân nổi dậy phát động nhằm cô lập Raqqa. Từ tháng 07/2017, quân thánh chiến bị cô lập, tránh đối đầu trực tiếp và tiếp tục ngăn chặn sự tiến công của các phe nổi dậy được liên quân quốc tế hậu thuẫn bằng cách đánh du kích. Đến ngày 17/10, Raqqa được hoàn toàn giải phóng và giờ trở thành tâm điểm của mối tương quan lực lượng mới sau khi Daech bại trận ở Syria và Irak vì chính quyền Syria vẫn đòi quyền kiểm soát khu vực, ở cách đó không xa. Thành trì tại Syria của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo chưa hẳn đã hết chiến tranh.

Tây Ban Nha : Lựa chọn của Catalunya

Ngày 19/10/2017 là hạn chót để chính quyền Catalunya phải tuyên bố độc lập hay tiếp tục nằm trong lãnh thổ Tây Ban Nha. Cả hai bên đều đưa ra những hành động nửa vời : Catalunya tạm ngừng áp dụng tuyên bố độc lập, Madrid thì đưa ra thời hạn chót để Barcelona phải rút lại tuyên bố.

Theo xã luận « Phụ thuộc lẫn nhau » của La Croix, dường như cả hai bên đều muốn không bị mất mặt thay vì đi vào tranh luận thực sự. Thế nhưng, trong sự kiện này, tất cả các bên đều có nguy cơ thất bại : Catalunya, Tây Ban Nha và cả Liên Hiệp Châu Âu. Bán đảo Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha còn chưa hoàn toàn hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, nên chỉ cần chút thay đổi nhỏ cũng đủ phá vỡ quá trình phục hồi này.

Brexit cũng là một ví dụ để các bên liên quan cần cân nhắc. 15 tháng sau cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp về việc rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu hay không, Anh Quốc vẫn chìm trong bất trắc tốn kém vừa về kinh tế lẫn chính trị, với việc Scotland và tỉnh Ulster của Bắc Ai Len đang cân nhắc về việc ở lại Liên Hiệp Anh.

Trong trường hợp quyết định độc lập, chính quyền Barcelona phải làm gì với đông đảo người Catalunya không muốn độc lập ? Bài xã luận kết luận, tương lai được xây dựng trong sự kết hợp thông minh giữa nhiều mức phụ thuộc : địa phương, quốc gia và châu Âu, chứ không chỉ dựa vào một bộ phận theo chủ trương cô lập.

Pháp : Tổng thống Macron trấn an người dân về an ninh

Lực lượng vũ trang phải « mạnh mẽ và công bằng » « không bao giờ được yếu kém » để đối phó với tình trạng bẩn ổn và mối đe dọa khủng bố, vì « người Pháp không còn chịu được sự bất lực chung ».

Với những lời mạnh mẽ trên, trước 500 quan chức cao cấp của lực lượng cảnh sát và hiến binh, tổng thống Emmanuel Macron trình bày chương trình an ninh của nhiệm kỳ 5 năm, đồng thời khẳng định chấm dứt tình trạng khẩn cấp vào ngày 01/11.

Tuy nhiên, theo đánh giá trên xã luận của Le Figaro, bài diễn văn của tổng thống Pháp mang tính chính trị. Đối với tầng lớp bình dân, thường trách chính phủ bỏ rơi họ, tổng thống Macron muốn mang lại cảm giác « gần gũi, đồng cảm và trật tự ». Liên quan đến vấn đề người nhập cư bất hợp pháp, bài xã luận đặt câu hỏi tại sao kế hoạch Macron lại không lập lại tội lưu trú bất hợp pháp, bị chính phủ tiền nhiệm bãi bỏ ? Và tại sao tổng thống Pháp gần như không nhắc đến cuộc chiến chống nạn buôn bán ma túy ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.