Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - BẦU CỬ

Nhật Bản : Abe cho bầu Quốc Hội sớm nhằm sửa đổi Hiến pháp "chủ hòa"

Theo nhiều nhà quan sát, mục tiêu chủ yếu của cuộc bầu cử Quốc Hội trước kỳ hạn – mà thủ tướng Nhật yêu cầu – là nhằm cho phép liên đảng cầm quyền hội đủ đa số ghế để thay đổi Hiến pháp, nhằm rảnh tay đối phó với Bắc Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật  Shinzo Abe vận động bầu cử tại Fukushima ngày 10/10/2017.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vận động bầu cử tại Fukushima ngày 10/10/2017. REUTERS/Toru Hanai
Quảng cáo

Khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên đặt Tokyo trong thế kẹt. Nếu xung đột bùng phát, Nhật Bản là đối tượng tấn công hàng đầu của Bình Nhưỡng, trong lúc một mặt, lá chắn quân sự của đồng minh Hoa Kỳ không còn là bảo đảm tuyệt đối, với chính sách «sớm nắng chiều mưa » của tổng thống Trump, và mặt khác, Hiến pháp « chủ hòa » không cho phép Tokyo phát triển các phương tiện riêng cho phép chủ động đáp trả đe dọa từ phía tây.

Cuối tháng 8, nửa đầu tháng 9/2017 vừa qua, đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên đối với Nhật Bản tăng cao, với việc Bình Nhưỡng hai lần bắn thử tên lửa xuyên qua lãnh thổ Nhật Bản (ngày 28/08 và 15/09), và thử bom hạt nhân lần thứ sáu vào ngày 03/09, và đây cũng là vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên được coi là thành công của Bình Nhưỡng. Bom nhiệt hạch mà Bắc Triều Tiên cho thử có sức công phá gấp nhiều lần hai trái bom nguyên tử từng tàn phá hoàn toàn hai thành phố Nhật Nagasaki và Hiroshima, vào cuối Thế chiến Hai.

Ngày 25/09, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ giải tán Quốc Hội, để tổ chức bầu cử sớm, cho dù có đến ba phần tư dân chúng chán ngán với các cuộc bầu cử liên tiếp, không ủng hộ sáng kiến này, theo một số thăm dò dư luận. Một số dự báo thậm chí còn cho rằng liên đảng cầm quyền của thủ tướng Abe sẽ mất đa số tuyệt đối tại Hạ Viện.

Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố sẽ từ chức, nếu đảng của ông không hội đủ đa số. Cuộc bầu cử sớm có khả năng bất thành, thế nhưng lãnh đạo Nhật vẫn quyết định tổ chức, vì ông hy vọng có đa số để sửa đổi Hiến pháp « chủ hòa ».

Dự định sửa đổi Hiến pháp (bao gồm một điều khoản đặc biệt cho phép đối phó với thảm họa lớn) đòi hỏi phải được hai phần ba nghị sĩ của Quốc Hội lưỡng viện thông qua. Tuy nhiên, theo Yomiuri Shimbun, nhật báo hàng đầu Nhật Bản, dự kiến của thủ tướng Nhật, đưa ra hồi tháng Năm, đã không được sự ủng hộ của đảng trung hữu Komeito, thuộc liên minh cầm quyền. Chiếm 51 ghế trên tổng số 722 ghế Quốc Hội lưỡng viện, đảng Komeito có khả năng ngăn chặn bất cứ đề nghị sửa đổi nào của đảng đồng minh Tự Do Dân Chủ của thủ tướng Abe.

Vẫn báo Yomiuri Shimbun nhấn mạnh, để huy động được sự ủng hộ rộng rãi, thủ tướng Nhật muốn « xóa bài làm lại », bằng cách tìm một liên minh mới giữa đảng Tự Do Dân Chủ với các đảng cánh hữu khác, bao gồm cả đảng Komeito và đảng đối lập Phục Hưng Nhật Bản (Nippon Ishin no Kai). Đây là những đảng có chủ trương sửa đổi Hiến pháp.

Ngày 25/09, một chính đảng mới ra đời, mang tên Hy Vọng (Kibo no To), do nữ thống đốc vùng thủ đô Tokyo Yuriko Koike thành lập. Đảng Hy Vọng của nữ thống đốc Koike tuyên bố là đối thủ của đảng Tự Do Dân Chủ của thủ tướng Abe, trong hàng loạt các vấn đề đối nội, như thuế TVA, điện nguyên tử….

Tuy nhiên, theo Yomiuri Shimbun, đảng này hoàn toàn có khả năng liên minh với đảng Tự Do Dân Chủ trong chủ trương sửa đổi Hiến pháp chủ hòa của thủ tướng Abe. Trong một cuộc tranh luận giữa 8 đảng phái tranh cử trên kênh NHK hôm chủ Nhật 08/10 vừa qua, thống đốc Tokyo Koike tuyên bố không loại trừ khả năng lập liên minh với đảng Tự Do Dân Chủ, sau cuộc bầu cử Quốc Hội 22/10. Chỉ riêng hai đảng Tự Do Dân Chủ và đảng Hy Vọng nhận được khoảng 45% ý định bỏ phiếu của cử tri, theo một số thăm dò dư luận.

Toan tính của thủ tướng Abe liệu có thành công ? Liệu cử tri Nhật Bản có ủng hộ chủ trương gia tăng sức mạnh quân sự trước đe dọa Bắc Triều Tiên của lãnh đạo đảng Tự Do Dân Chủ ? Kết quả cuộc bầu cử Quốc Hội sẽ là câu trả lời. Tuy nhiên, trước mắt, đã có những tiếng nói phản đối lựa chọn nói trên của người đứng đầu chính phủ Nhật. Theo nhật báo Asahi Shimbun, thay vì tìm cách chuẩn bị chiến tranh với Bắc Triều Tiên, điều cơ bản mà Tokyo cần làm là huy động mọi nỗ lực ngoại giao để tìm cách xây dựng « một tiếp cận chung, mang tính thực tế », đối với Bắc Triều Tiên, « cùng với Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.