Vào nội dung chính
CHÂU Á - BẮC TRIỀU TIÊN

Bắc Triều Tiên xuất khẩu lậu 270 triệu đô la trong 6 tháng

Cộng đồng quốc tế càng gia tăng các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, Bình Nhưỡng càng tìm cách lách lệnh cấm vận để duy trì nguồn ngoại hối. Kết luận được các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đưa ra trong bản báo cáo công bố ngày 09/09/2017, trước kỳ họp quyết định về loạt trừng phạt thứ 8 của Hội Đồng Bảo An đối với chế độ Kim Jong Un.

Một tàu Bắc Triều Tiên trên sông Áp Lục, biên giới với Trung Quốc, cửa ngõ buôn bán chính với Trung Quốc.
Một tàu Bắc Triều Tiên trên sông Áp Lục, biên giới với Trung Quốc, cửa ngõ buôn bán chính với Trung Quốc. REUTERS/Jacky Chen
Quảng cáo

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc khẳng định chính thức những thông tin được nhiều nguồn tin ngoại giao ẩn danh cung cấp cho các hãng truyền thông, trong đó có AFP, vào tháng 08/2017.

Các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc tiến hành nghiên cứu từ tháng 02 đến tháng 08/2017. Trong thời gian này, Bình Nhưỡng vẫn xuất khẩu hầu hết các loại sản phẩm bị Liên Hiệp Quốc cấm và mang về cho Bắc Triều Tiên ít nhất 270 triệu đô la.

Sau khi Trung Quốc quyết định ngừng nhập than đá của Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã cho xuất các lô hàng đó thông qua một số nước, trong đó có Việt nam và Malaysia, để tái xuất tiếp sang nước thứ 3.

Vẫn theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, « Bắc Triều Tiên tiếp tục vi phạm các trừng phạt về tài chính nhờ đội ngũ tình báo ở nước ngoài tiến hành các giao dịch tài chính cho đất nước ». Nhiều cuộc điều tra đang được tiến hành về các hồ sơ liên quan đến Syria, một số nước châu Phi.

Theo kết luận của báo cáo, « việc không thực hiện nghiêm túc các biện pháp trừng phạt, cùng với các cách lách luật ngày càng nhiều của Bắc Triều Tiên, đã phá hỏng mục tiêu của các nghị quyết buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ mọi vũ khí hủy diệt hàng loạt và các hoạt động liên quan ».

Gia tăng trừng phạt buộc Bình Nhưỡng đàm phán

Trong phiên họp ngày 11/09/2017 của Hội Đồng Bảo An liên quan đến loạt trừng phạt thứ 8 sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của chế độ Kim Jong Un, thách thức đối với năm nước thành viên thường trực (Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Anh) là phải « tỏ đoàn kết vì đây là cách duy nhất có thể tiến tới một giải pháp ngoại giao thành công », theo nhận định của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp Le Journal du Dimanche ngày 10/09.

Ông cũng đánh giá vấn đề hạt nhân, vũ khí đạn đạo của Bắc Triều Tiên là « rất đáng ngại » và đây là « cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà chúng ta phải xử lý từ nhiều năm qua ».

Trong khi đó, trong cuộc điện đàm ngày 09/09 với đồng nhiệm Mỹ Donald Trump và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng « cần phải đưa ra phản ứng đoàn kết, nghiêm khắc trước những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại » của Bắc Triều Tiên, đồng thời « ưu tiên gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng bằng cách tăng cường trừng phạt ».

Về phía thủ tướng Đức Angela Merkel, trong bài phỏng vấn được đăng trên tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung ngày 10/09, bà cho biết sẵn sàng tham gia một sáng kiến ngoại giao để chấm dứt chương trình hạt nhân và vũ khí đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Thủ tướng Đức gợi ý mô hình đàm phán vấn đề nguyên tử của Iran với kết quả là thỏa thuận hạt nhân giữa Teheran và các cường quốc được ký vào tháng 07/2015.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.