Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - QUỐC TẾ

LHQ thảo luận các biện pháp trừng phạt triệt để nhắm vào Bình Nhưỡng

Trong những ngày qua, các nhà ngoại giao tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đang thương lượng với nhau về một dự thảo nghị quyết bao gồm các biện pháp trừng phạt mới, rất triệt để nhắm vào Bắc Triều Tiên.

Hội Đồng Bảo An họp ngày 4/09/2017, sau cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Hội Đồng Bảo An họp ngày 4/09/2017, sau cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên. REUTERS/Joe Penney
Quảng cáo

Phía Mỹ, với sự ủng hộ của các đối tác phương Tây, đã đưa ra bản dự thảo chủ trương cấm vận hoàn toàn đối với chế độ Bình Nhưỡng và Hội Đồng Bảo An sẽ bỏ phiếu vào ngày 11/09. Tuy nhiên, cho đến lúc này, Nga và Trung Quốc, hai nước có quyền phủ quyết, vẫn chưa bày tỏ lập trường rõ ràng.

Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau tường trình :

« Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã báo trước, không có chuyện đưa ra những biện pháp nửa vời. Bà đã giữ lời hứa. Dự thảo nghị quyết được trình bày với 15 thành viên Hội Đồng Bảo An có thể bóp nghẹt Bắc Triều Tiên về kinh tế.

Washington mong muốn cấm mọi xuất khẩu dầu lửa hoặc các sản phẩm chế tạo từ dầu lửa sang Bắc Triều Tiên. Các lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài bao gồm từ 60 đến 100 ngàn người sẽ được yêu cầu hồi hương. Xuất khẩu hàng may vải sợi, nguồn thu đứng hàng thứ hai của Bình Nhưỡng cũng có thể sẽ bị cấm.

Như vậy, Hoa Kỳ muốn có những biện pháp rất mạnh. Thế nhưng, Trung Quốc dường như rất khó chấp nhận văn bản này. Bắc Kinh tìm mọi cách tránh để Bắc Triều Tiên sụp đổ về kinh tế. Trung Quốc cho rằng Hội Đồng Bảo An cần phải hành động, nhưng các biện pháp trừng phạt sẽ không giúp giải quyết vấn đề. Về phần mình, nước Nga, qua phát biểu của tổng thống Vladimir Putin, vẫn ủng hộ nối lại đàm phán.

Chính quyền của Donald Trump chắc chắn phải có những nhượng bộ thì mới có được sự đồng thuận của toàn bộ Hội Đồng Bảo An ».

Tổng thống Mỹ cảnh báo Bắc Triều Tiên về « một ngày rất buồn »

Vẫn liên quan đến khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, hôm qua, 07/09, sau phát biểu dường như mềm dẻo hơn trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump lại có một tuyên bố nhấn mạnh đến giải pháp quân sự. Theo Reuters, trong một cuộc trả lời báo giới, ông Donald Trump cho biết là tuy không đặt biện pháp quân sự lên hàng đầu, và viễn cảnh này là có thể tránh được, nhưng : « Nếu chúng tôi sử dụng biện pháp này đối với Bắc Triều Tiên, đây sẽ là một ngày rất buồn cho Bình Nhưỡng ».

Nếu như tổng thống Mỹ liên tục nhắc lại là giờ không phải là thời điểm của đối thoại, nhiều giới chức cao cấp trong chính quyền Mỹ cho biết cánh cửa hiện vẫn để ngỏ cho một giải pháp ngoại giao, bởi mọi cuộc tấn công phủ đầu đều dẫn đến các trả đũa quân sự từ Bắc Triều Tiên.

Hôm qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jiping) trong cuộc điện đàm với thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đồng ý về việc cần siết chặt trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, quan điểm của Trung Quốc vẫn là trừng phạt là cần thiết, nhưng chỉ là « một nửa chìa khóa » để giải quyết vấn đề, như tuyên bố trong cùng ngày của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), trả lời báo giới trong chuyến công du Nepal.

Bắc Triều Tiên sắp thử tiếp ICBM

Về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Thống Nhất Hàn Quốc, theo đó Bình Nhưỡng rất có thể sẽ cho thử tiếp một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào ngày 09/09, nhân dịp ngày Quốc Khánh của nước này, hoặc vào dịp 10/10, ngày thành lập đảng cầm quyền Bắc Triều Tiên.

Không khí căng thẳng giữa hai miền gia tăng, nhưng người dân Hàn Quốc dường như vẫn rất bình thản. Theo một điều tra của Viện thăm dò dư luận Hàn Quốc Gallup, được công bố hôm nay, 58% dân Hàn không tin chiến tranh sẽ xảy ra, chỉ có 37% lo lắng trước viễn cảnh này.

Viện Gallup Hàn Quốc liên tục tiến hành các thăm dò dư luận trong lĩnh vực này từ năm 1992. Vào thời điểm đó, chỉ có 24% người được hỏi cho rằng sẽ có chiến tranh. Tỉ lệ rõ ràng có tăng.

Nhưng tỉ lệ người tin vào có chiến tranh hiện nay thấp hơn hẳn so với thời điểm 2007, sau khi Bình Nhưỡng thử bom nguyên tử đầu tiên vào tháng 9/2006. Lúc đó có đến 51% cho rằng chiến tranh sẽ xảy ra.

Mêhicô trục xuất đại sứ Bắc Triều Tiên

Ngoại trưởng Mêhicô hôm qua, 07/09, thông báo trục xuất đại sứ Bắc Triều Tiên, để phản đối các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Chính quyền Mêhicô gia hạn 72 giờ để đại sứ Bắc Triều Tiên Hyong Gil rời khỏi lãnh thổ.

Theo Mêhicô, chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên là « một nguy cơ nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế, và là mối đe dọa ngày càng gia tăng với khu vực, trong đó có các đồng minh trụ cột của Mêhicô, là Nhật Bản và Hàn Quốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.