Vào nội dung chính
ẤN-TRUNG

Tranh chấp Ấn-Trung ở Doklam và “Cuộc Chơi Lớn” của châu Á

Căng thẳng từ hai tháng nay tại Doklam, một khu vực hẻo lánh vùng chân núi Himalaya, nằm giữa hai cường quốc châu Á, là Trung Quốc và Ấn Độ, tương đối ít được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng xung đột này có thể dẫn đến những khủng hoảng khó lường.

Binh sĩ Ấn Độ tại một trạm kiểm soát Đường Kiểm Soát Thực Tế, tức đường biên với Trung Quốc. Trạm kiểm soát  - nằm ở độ cao gần 5.000 mét - thuộc bang Arunachal Pradesh.
Binh sĩ Ấn Độ tại một trạm kiểm soát Đường Kiểm Soát Thực Tế, tức đường biên với Trung Quốc. Trạm kiểm soát - nằm ở độ cao gần 5.000 mét - thuộc bang Arunachal Pradesh. Ảnh chụp màn hình : :livemint.com
Quảng cáo

Trước hết RFI xin giới thiệu bài phân tích của nhà chính trị học Mỹ Michael Auslin “Tranh chấp Doklam có thể giải quyết được không ? Những mối nguy của tình trạng bế tắc tại vùng biên giới Trung- Ấn”. Bài viết được đăng tải (ngày 1/8/2017) trên báo mạng về quan hệ quốc tế Foreign Affairs.

Nhà chính học Mỹ Michael Auslin là tác giả cuốn “Sự chấm dứt của thế kỷ châu Á : Chiến tranh, trì trệ và nguy cơ đối với khu vực năng động nhất thế giới” (1), ra mắt đầu năm nay. Theo tác giả, trong những năm vừa qua, giới lãnh đạo chính trị Mỹ và Đông Á hết sức bận tâm với các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển ở châu Á, có nguy cơ bùng phát thành xung động vũ trang toàn diện.

Căng thẳng Biển Đông và biển Hoa Đông che lấp

Lo ngại Trung Quốc bành trướng tại Biển Đông và biển Hoa Đông là nguyên do chủ yếu của chính sách xoay trục của Obama sang khu vực châu Á Thái Bình Dương. Gần đây, tổng thống Mỹ Donald Trump tái lập các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông, các đảo mà Việt Nam hoặc Philippines đòi hỏi chủ quyền, cũng là theo hướng này. Hệ quả là các căng thẳng “cũng hết sức nguy hiểm” trên đất liền bị coi nhẹ. Nhà chính trị học Mỹ nhấn mạnh là “chiến tranh tại châu Á” có thể bùng lên từ khu vực cách xa các vùng tranh chấp trên đại dương hàng ngàn cây số. Xung đột có thể đưa khu vực vào “hỗn loạn”.

Nhà chính trị học Mỹ so sánh tranh chấp lãnh thổ phức tạp hiện nay tại châu Á với tình hình châu Âu thế kỷ 19, không chỉ với các điểm căng thẳng nổi rõ, như vĩ tuyến 38, chia đôi hai miền Nam Bắc Triều Tiên, mà còn cả những xung đột tiềm ẩn, như căng thẳng kéo dài nhiều năm giữa Thái Lan và Cam Bốt xung quanh một ngôi đền cổ, gần đây mới tạm lắng.

Doka La - Doklam, vùng ngã ba biên giới Ấn - Trung - Bhutan, chân Himalaya.
Doka La - Doklam, vùng ngã ba biên giới Ấn - Trung - Bhutan, chân Himalaya. Ảnh chụp màn hình : warontherocks.com

Căng thẳng xung quanh khu vực tranh chấp tại cao nguyên Doklam giữa Ấn Độ và Trung Quốc bắt nguồn từ một thỏa thuận mập mờ giữa đế quốc Anh và chính quyền Nhà Thanh hồi cuối thế kỷ 19. Quân đội Ấn Độ hiện nay đang ngăn cản Trung Quốc xây dựng một con đường qua khu vực này. Hiện tại hàng ngàn binh lính hai bên đang đối diện nhau, và đang trong tình thế sẵn sàng chiến đấu.

Tranh chấp tại khu vực cao nguyên Doklam (2) chỉ là một trong những điểm nóng trên hơn 3.000 cây số biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, với hơn trăm ngàn cây số vuông tranh chấp, nhất là tại vùng Aksai Chin (43 180 km2), Trung Quốc kiểm soát, và Arunachal Pradesh (90 000 km2), do Ấn Độ quản lý. Sau cuộc chiến tranh biến giới chớp nhoáng hồi 1962, hai bên – chủ yếu là Trung Quốc – thường xuyên tiến hành các cuộc hành quân vào khu vực tranh chấp của phía bên kia, nhiều đụng độ đã xảy ra.

Căng thẳng hiện nay tại Doklam đặc biệt được chú ý vì đây là khu vực nằm sát với dải đất hẹp Siliguri (chỉ rộng từ 20 km đến 40 km), được coi là một yết hầu của Ấn Độ, nối liền phần lãnh thổ trung tâm với bảy bang miền đông bắc.

Hai thủ lĩnh dân tộc chủ nghĩa quyền uy

Theo nhà chính trị học Mỹ, tình hình hiện nay càng thêm phức tạp, do Ấn Độ và Trung Quốc đang nằm dưới quyền của “các lãnh đạo hùng mạnh theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa”. Hai ông Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) và Narendra Modi được coi là “các thủ lĩnh có sức ảnh hưởng mạnh nhất” trong giai đoạn vài chục năm trở lại đây. Trong tình thế hiện nay, không lãnh đạo bên nào chấp nhận nhân nhượng. Ông Tập Cận Bình đang đứng trước kỳ Đại Hội Đảng có tính quyết định vào mùa thu này, lãnh đạo Trung Quốc hy vọng tăng cường hơn nữa quyền lực vốn đã rất mạnh của mình. Trong khi đó, thủ tướng Ấn Độ Modi vừa chiến thắng trong một đợt bầu cử, giúp ông rảnh tay hơn trong đối nội.

Tác giả Michael Auslin dự báo chủ nghĩa dân tộc “là một yếu tố then chốt” trong chính sách đối ngoại của cả Trung Quốc và Ấn Độ, các tình cảm bị kích động trong khủng hoảng sẽ rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, ông cảnh báo là nếu để căng thẳng bùng phát thành xung đột, Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều.

Xung đột nhỏ, hệ lụy lớn

Trung Quốc không những “mất uy tín” với tư cách là một lãnh đạo quốc tế đang lên, mà các thế lực chống Bắc Kinh tại Tây Tạng và Tân Cương cũng tranh thủ cơ hội để đẩy lùi các lực lượng an ninh Trung Quốc mà họ coi là kẻ chiếm đóng ra khỏi các khu vực này. Về phần Ấn Độ, một thất bại trước một Trung Quốc được trang bị tốt hơn “không chỉ là một nỗi nhục quốc gia”, mà còn tăng thêm cơ hội cho Bắc Kinh mở rộng các ảnh hưởng của mình tại các quốc gia láng giềng với Ấn Độ, đặc biệt là khiến Pakistan đồng minh của Trung Quốc có điều kiện thổi bùng căng thẳng tại các vùng tranh chấp biên giới với Ấn Độ.

Xung đột Doklam tại vùng Himalaya xa xôi hiểm trở khó có thể bùng lên thành “chiến tranh quy mô”. Tuy nhiên, rất có thể các cường quốc như Nga và Nhật sẽ can dự để ủng hộ về mặt tinh thần, hoặc về phương tiện, đối với một trong hai phía tham chiến.

Tác giả rút ra một nghịch lý : Doklam - một trong những địa điểm hẻo lánh nhất trên thế giới - nhưng lại thể hiện một khía cạnh chủ yếu trong “Cuộc Chơi Lớn” (Great Game) của châu Á hiện nay. Đó là, “do giàu có hơn nhiều, nhờ hàng thập niên phát triển, nhờ thương mại, toàn cầu hóa, các cường quốc châu Á đã hiện đại hóa quân đội, đang nhắm trở lại đòi hỏi các vùng lãnh thổ tranh chấp”, các tham vọng vốn bị gạt sang một bên trong hàng thập niên vừa qua. Nguy cơ xung đột bùng phát “có thể không xa”.

***

Chuyên gia Ấn Độ : Tín hiệu “giận dữ” của Trung Quốc

Vẫn về căng thẳng Doklam, nhà báo Ấn Độ Praveen Swami, chuyên về các vấn đề an ninh quốc tế có bài “Doklam không phải là vấn đề một con đường”. Tác giả nhấn mạnh cội rễ của căng thẳng hiện nay là do Bắc Kinh muốn gửi đến New Delhi tín hiệu là Trung Quốc “giận dữ” trước việc Ấn Độ tăng cường xây dựng liên minh với các đối thủ tại châu Á của Trung Quốc, và với Hoa Kỳ. Nhà báo Ấn Độ so sánh tình hình biên giới Ấn Trung với cục diện bán đảo Balkan, châu Âu, nơi xung đột bùng phát, châm ngòi cho cuộc Đại chiến thế giới thứ nhất.

Cũng tác giả này, trong một bài viết khác, “Hai tháng sau cuộc đối đầu tại Doklam, đo lường sức mạnh của Trung Quốc”, lưu ý “con rồng" Trung Quốc sẵn sàng “khạc lửa”, nhưng trên thực tế nó “vẫn chưa đủ nanh vuốt”. Tác giả nhắc lại bài học lịch sử Trung Quốc trong cuộc chiến biên giới chống Việt Nam năm 1979, hơn 12.000 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng, chủ yếu là con em các gia đình nông dân nghèo, cuộc chiến không được đưa vào lịch sử chính thức (xem thêm : "Cuộc chiến chống Bắc Kinh của cựu binh chiến tranh biên giới với Việt Nam").

Nhà nghiên cứu Onkar Marwah, chuyên gia viện tư vấn độc lập Viện Hòa Bình và Các Nghiên Cứu về Xung Đột, có trụ sở tại New Delhi, có bài “Nếu chiến tranh xảy ra tại Doklam, tại sao Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại”. Theo nhà nghiên cứu Ấn Độ, bất luận kết quả thế nào, Trung Quốc sẽ là bên thua cuộc, cuộc chiến sẽ đẩy New Delhi gần gũi hơn nữa với các quốc gia “phía đông” cũng như “phía tây”, các nước có thể cũng mạnh ngang hoặc thậm chí mạnh hơn Trung Quốc về quân sự hay kinh tế.

Nếu Trung Quốc thực sự chủ trương Con Đường Tơ Lụa hòa bình…

Tuy nhiên vấn đề Doklam không chỉ cần được nhìn nhận dưới góc độ chính trị, quân sự và an ninh, mà các truyền thống văn hóa, lịch sử cũng là những điều hệ trọng.

Nhà nhân học Aadil Brar, đại học British Columbia - Vancouver, Canada, trong bài “Câu chuyện lịch sử ẩn đằng sau cuộc đối đầu ở Doklam” trên Diplomat, thì lưu ý với chính quyền Trung Quốc về lịch sử giao thương, giao lưu văn hóa, tôn giáo lâu đời giữa Ấn Độ và khu vực Tây Tạng, hiện nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, mà Doklam là một trong những huyết mạch.

Đèo Nathu-La (nối với cao nguyên Doklam), một ngả đường qua lại chủ yếu giữa Ấn Độ với khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc).
Đèo Nathu-La (nối với cao nguyên Doklam), một ngả đường qua lại chủ yếu giữa Ấn Độ với khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc). Ảnh : Wikipedia

Kể cả cho đến những năm cuối thập niên 1950, khi Bắc Kinh đã kiểm soát Tây Tạng, một cơ quan thương mại Ấn Độ (Yatung Trading Agency) vẫn được duy trì tại vùng thung lũng Chumbi (thuộc Doklam), trước khi bị chính quyền Trung Quốc "xúi giục dân chúng địa phương" đánh đuổi. Yatung Trading Agency là một bằng chứng cho thấy lịch sử mối quan hệ lâu đời này.

Nhà nhân học khuyến nghị chính quyền Trung Quốc, nếu thực sự chủ trương xây dựng một cách hòa bình kế hoạch Một Vành Đai, Một Con Đường nối liền Âu - Á, thì rất nên xem lại giá trị của những mạng lưới giao thông xuyên Himalaya trong lịch sử, từng giúp làm nên nền thương mại thời cổ đại tại khu vực hiểm trở này, thay vì xây cất đường xá để phô trương sức mạnh quân sự.

----

(1) “The End of the Asian Century: War, Stagnation, and the Risks to the World's Most Dynamic Region", ấn hành đầu năm 2017.

(2) Doklam nằm trong khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan, tiểu quốc nằm dưới sự bảo trợ về quân sự của Ấn Độ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.