Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CÔNG NGHỆ

Vì không yêu đảng Cộng Sản, robot chat trực tuyến Trung Quốc bị khóa

Tại Trung Quốc, không nên chỉ trích đảng Cộng Sản, ngay cả khi đó là một ứng dụng công nghệ, nếu không sẽ phải chịu bản án không gì lay chuyển được. Đây là trường hợp của hai chatbot (« trợ lý ảo ») Baby Q và Tiểu Băng (Xiao Bing) trên ứng dụng chat trực tuyến QQ của Trung Quốc.

Logo QQ.com trên trụ sở của Tencent, tại khu công nghiệp Nam San (Nanshan Hi-Tech), Thâm Quyến (Shenzhen), Trung Quốc, ngày 09/06/2011.
Logo QQ.com trên trụ sở của Tencent, tại khu công nghiệp Nam San (Nanshan Hi-Tech), Thâm Quyến (Shenzhen), Trung Quốc, ngày 09/06/2011. REUTERS/Bobby Yip
Quảng cáo

Tổng hợp từ Financial TimeBBC, Huffington Post (03/08/2017) cho biết cả hai « trợ lý ảo » này đều bị rút khỏi QQ vì « không yêu đảng Cộng sản ». Thế nhưng, thái độ này dường như là « kết quả » quá trình « kèm cặp » của rất nhiều người sử dụng ứng dụng trò chuyện trực tuyến khi dạy cho Baby Q và Tiểu Băng (Xiao Bing) không yêu tổ quốc.

Chatbot là một kiểu phần mềm trí tuệ nhân tạo, được lập trình để hoạt động độc lập, có thể tự động trả lời những câu hỏi hoặc xử lý tình huống càng thật càng tốt. Từ vài năm nay, chatbot có mặt khắp nơi, trên Facebook (Hi Poncho), Google (Google Assistant), Apple (Siri), và cả Tencent, một trong những tập đoàn lớn về kỹ thuật số của Trung Quốc.

Từ tháng 04/2017, hai chatbot Baby Q và Tiểu Băng bắt đầu phục vụ người sử dụng QQ, một ứng dụng chat trực tuyến giống Snapchat. Bayby Q là sản phẩm của Tencent và Turing Robot, một công ty chuyên về công nghệ, còn Tiểu Băng được Microsoft phát triển. Mục đích của cả hai ứng dụng là trả lời những câu hỏi đơn thuần về văn hóa.

« Giấc mơ Trung Hoa là đến nước Mỹ »

Nhưng mọi việc diễn ra không được như ý. Trong những ngày qua, trên các mạng xã hội Trung Quốc lan truyền nhiều ảnh chụp từ màn hình : Khi người sử dụng hỏi Baby Q có yêu đảng Cộng sản Trung Quốc không, « trợ lý ảo » này trả lời gỏn gọn : « Không ». Kinh khủng hơn, chatbot Baby Q còn đánh giá chính quyền là « chế độ tham nhũng và bất tài về mặt chính trị ».

Về phần Tiểu Băng, chatbot này khẳng định không hề do dự là « Giấc mơ Trung Hoa của tôi là đến nước Mỹ ». Hunffington Post cho biết Financial Time đã thử đặt câu hỏi với chatbot Baby Q và nhận được các câu trả lời tương tự.

Kể từ đó, cả hai robot này không còn được phục vụ người dùng internet nữa. Tập đoàn Tencent dè dặt bình luận : « Những chatbot này là của các công ty độc lập thuộc bên thứ ba. Hiện chúng tôi đang chỉnh sửa dịch vụ này và sẽ đưa vào phục vụ trực tuyến trở lại ngay khi hoàn thiện ».

Có rất nhiều khả năng là thái độ của hai « trợ lý ảo » là kết quả của nhiều người sử dụng, sau khi được « trau dồi » những chương trình có chủ đích. Nguyên lý của các thuật toán này là học « nói » nhờ giao tiếp với người sử dụng. Nếu rất nhiều người khẳng định với chatbot là không cần phải yêu đảng Cộng sản, cuối cùng robot sẽ nói y như vậy, giống như một con vẹt.

Điều này đã xảy ra với Tay, một « trợ lý ảo » khác được Microsoft triển khai trên mạng Twitter vào năm 2016. Trong vòng vài giờ, rất nhiều người đã dạy cho chatbot này trở thành phân biệt chủng tộc. Cuối cùng, giống như Tecent, Microsoft đã khóa « trợ lý ảo » Tay sau khi Tay thông báo « cần đi ngủ vì đã chat quá nhiều ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.