Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHÂN QUYỀN

Vụ Lưu Hiểu Ba : Trung Quốc bị tố cáo xuyên tạc ý kiến bác sĩ nước ngoài

Giới bảo vệ nhân quyền tiếp tục kêu gọi và hy vọng Bắc Kinh sẽ cho phép người tù lương tâm Lưu Hiểu Ba ra nước ngoài điều trị ung thư gan giai đoạn cuối. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn bảo vệ quan điểm điều trị tại Trung Quốc là tối ưu. Ngày 09/07/2017, chuyên gia của Ân Xá Quốc Tế lên án bệnh viện Thẩm Dương (Shenyang) đã xuyên tạc quan điểm của hai bác sĩ phương Tây được mời đến thăm bệnh cho giải Nobel Hòa Bình.

Người Hồng Kông ủng hộ nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba ngày 29/06/2017.
Người Hồng Kông ủng hộ nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba ngày 29/06/2017. REUTERS/Tyrone Siu
Quảng cáo

AFP dẫn lời ông Patrick Poon, nhà nghiên cứu của Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), theo đó, bệnh viện Trung Quốc thuật lại là các chuyên gia phương Tây khẳng định « không có phương pháp nào tốt hơn » các điều trị cho ông Lưu Hiểu Ba hiện nay. Nhà nghiên cứu Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh là bản thông báo được hai bác sĩ Mỹ và Đức đưa ra Chủ nhật 09/07 cho thấy bệnh viện « đã nói dối ». Nhà nghiên cứu Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Bắc Kinh đối mặt với sự thật, « hơn là che giấu và tiếp tục ngụy tạo thông tin ».

Theo báo Anh The Guardian ra ngày 09/07, luật gia Mỹ Jared Genser, một nhà tư vấn tình nguyện cho ông Lưu Hiểu Ba, khẳng định : Nếu chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ chối để cho ông được ra nước ngoài để hưởng các điều trị y tế bổ sung, ông Tập sẽ bị coi như là người đã cố tình rút ngắn cuộc đời của giải Nobel Hòa Bình. Luật gia Jared Genser nói thêm : « Bắc Kinh có thể thể hiện sức mạnh trước thế giới và khả năng tự bảo đảm an ninh của mình bằng việc không sợ hãi một con người đã từng nhiều lần đứng lên chống lại chế độ độc đảng tại Trung Quốc ».

Chủ tịch Trung Quốc có để Lưu Hiểu Ba được chăm sóc tại nước ngoài ?

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh Elodie Goulesque cho biết, trái ngược với quan điểm của các bác sĩ Trung Quốc, cho rằng yêu cầu của gia đình để ông Lưu Hiểu Ba ra nước ngoài là quá mạo hiểm, các chuyên gia phương Tây được mời lại khẳng định việc đưa giải Nobel Hòa Bình sang Mỹ hoặc Đức trong thời điểm hiện tại vẫn còn là điều có thể :

« Bác sĩ Mỹ Joseph Herman và bác sĩ Đức Marcus Buchler ra một thông báo chung, khẳng định ông Lưu Hiểu Ba có thể được đưa ra nước ngoài một cách an toàn, nhờ các biện pháp vận chuyển y tế phù hợp. Như vậy, hai bác sĩ nước ngoài, được Bắc Kinh mời đến khám bệnh cho nhà tranh đấu nhân quyền Lưu Hiểu Ba, đứng về phía gia đình của người bệnh hơn 60 tuổi, nhưng ngược lại ý kiến của các bác sĩ Trung Quốc.

Cho dù thừa nhận là giải Nobel Hòa Bình, được ra tù vì lý do y tế, đã nhận được các chăm sóc chất lượng tốt tại bệnh viện Thẩm Dương, miền bắc Trung Quốc, thế nhưng hai bác sĩ vẫn cho rằng ông Lưu Hiểu Ba có thể nhận được các chăm sóc khác, ở nước ngoài, như xạ trị.

Đối với chủ tịch Trung Quốc, việc chấp nhận để nhà ly khai nổi tiếng này ra nước ngoài, người mà Trung Quốc coi là một kẻ tội phạm, không phải là đơn giản, bởi trường hợp ông Lưu Hiểu Ba gây chấn động ở nước ngoài.

Bị kết án 11 năm tù vào năm 2009, vì tội ‘‘kích động lật đổ chính quyền’’, Lưu Hiểu Ba là một trong những hình tượng tiêu biểu nhất cho sự đàn áp tàn bạo của chính quyền Trung Quốc nhắm vào giới tranh đấu nhân quyền.

Chính quyền Trung Quốc hiện giờ có khả năng thỏa mãn nguyện vọng cuối cùng của nhà ly khai, hiện đang bị ung thư gan giai đoạn cuối, đó là được chết trong tự do ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.