Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - TÊN LỬA

Mục tiêu ngoại giao của tên lửa Bắc Triều Tiên

Ngày 04/07/2017, lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng thử thành công hỏa tiễn đạn đạo Hwasong-14 có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Sự kiện đã làm đảo lộn bàn cờ địa chính trị. Bắc Triều Tiên từ giờ không chỉ có trong tay vũ khí răn đe thực sự mà còn tạo được thế cho các cuộc thương lượng với cộng đồng quốc tế, một mục tiêu khác đằng sau những hành động quân sự.

Tên lửa xuyên lục địa Hwasong -14 được Bắc Triều Tiên bắn đi ngày 04/07/2017. Ảnh do KCNA cung cấp.
Tên lửa xuyên lục địa Hwasong -14 được Bắc Triều Tiên bắn đi ngày 04/07/2017. Ảnh do KCNA cung cấp. Reuters
Quảng cáo

Liên tục bắn thử tên lửa, đến 6 lần trong 2 tháng, nhưng đúng vào ngày Quốc khánh Mỹ, mồng 4 tháng 7, vụ thử nghiệm tên lửa liên lục địa có tầm bắn 7000 km vươn tới tận Alaska mang lại cho Bình Nhưỡng một thành công khác về mặt chính trị nhiều hơn về sức mạnh răn đe quân sự.

Chuyên gia Kim Yong Hyun, giáo sư nghiên cứu về Bắc Triều Tiên tại Đại học Dongguk- Seoul nhận định, chương trình phiêu lưu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng lấy lý do bị đẩy vào chân tường bởi mối đe dọa của gần 30 nghìn quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ là một cái cớ để Bắc Triều Tiên đi tìm một thế mạnh « trong các cuộc mặc cả ngoại giao với phần còn lại của thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và Hàn Quốc ».

Bắc Triều Tiên luôn khẳng định không bao giờ đàm phán về chương trình hạt nhân nếu như Washington không từ bỏ « chính sách thù địch » nhằm vào Bình Nhưỡng. Giới quan sát nhận thấy việc chọn thời điểm phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào đúng ngày lễ Quốc Khánh Mỹ không phải là ngẫu nhiên. Đây là một thông điệp gửi tới Washington rằng Bắc Triều Tiên đủ khả năng đe dọa Hoa Kỳ.

Trước đó trong cuộc gặp tổng thống Mỹ tại Washington tuần trước, ông Moon Jae In đã tỏ thiện chí đưa Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán và Hàn Quốc muốn là chủ trì các cuộc thương lượng với miền Bắc. Nhưng Bắc Triều Tiên cho thấy họ mới là người áp đặt các cuộc đàm phán.

Phần đông các chuyên gia đều có chung nhận định, cuối cùng rồi Washington cũng sẽ không có sự lựa chọn nào khác là đối thoại với Bình Nhưỡng. Trong viễn cảnh đó, Bắc Triều Tiên vẫn luôn chuẩn bị một vị thế cho mình khi ngồi vào đàm phán.

Từ nhiều thập kỷ qua, Bắc Triều Tiên đã ít nhiều thành công trong việc mặc cả với cộng đồng quốc tế qua các hành động khiêu khích kiểu như lần này. Chuyên gia Cho Ham Bum, thuộc Viện nghiên cứu Triều Tiên khẳng định, vụ bắn thử tên lửa đạn đạo lần này là « một tiết mục mới trong trò đi dây được tính toán kỹ lưỡng » của Bình Nhưỡng.

Dù khoe khoang đó là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng hành trình bay của đầu đạn không đi quá xa vùng biển Nhật Bản, tránh bay qua lãnh thổ của đồng minh châu Á chủ chốt của Mỹ. Các hành động của Bắc Triều Tiên cũng có thể hiểu như là một sự đáp trả những tuyên bố cứng rắn chứa đựng không ít hăm doạ quân sự của chính quyền Trump đối với chế độ KIm Jong Un.

Sự kiện phóng tên lửa đạn đạo lần này dù gì cũng đã thay đổi đáng kể các cách tiếp cận ngoại giao của quốc tế đối với quốc gia khép kín này và chính quyền Donald Trump thì ít nhiều phải chịu áp lực buộc họ phải phản ứng.

Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố « hết kiên nhẫn chiến lược » và không loại trừ khả năng đáp trả bằng quân sự nếu gặp phải các khiêu khích nghiêm trọng. Nhưng tất cả vẫn chỉ dừng lại ở những tuyên bố.

Đến giờ Washington chỉ còn giải pháp là tiếp tục hối thúc Bắc Kinh gia tăng áp lực mạnh hơn với người láng giềng khó bảo. Trong khi đó Trung Quốc đáp lại là đã làm hết sức mình.

Cần phải hiểu rằng mặc dù có khó chịu với các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng nhưng Trung Quốc không bao giờ muốn nhìn thấy chế độ này bị sụp đổ để rồi có một đường biên giới chung với một đồng minh của Hoa Kỳ, cùng với cả chục ngàn quân Mỹ và hệ thống khí tài chiến tranh đồ sộ ở sát bên cạnh.

Chuyên gia John Nilsson Wright, thuộc văn phòng tư vấn chính trị tại Luân Đôn, khẳng định, cuối cùng Bình Nhưỡng đã tích góp được chút vốn liếng ngoại giao trên những chia rẽ của cộng đồng quốc tế. Điều này đã được thấy rõ ở nhiều kỳ họp Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và sẽ còn xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức vào ngày 07 - 08/07/2017 khi mà Hoa Kỳ luôn đề nghị hành động mạnh còn Nga và Trung Quốc thì khuyên can kiềm chế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.