Vào nội dung chính
HOA KỲ - HÀN QUỐC

Mỹ-Hàn tập trận tên lửa đáp lại vụ bắn hỏa tiễn liên lục địa của BTT

Theo hãng tin Yonhap, hôm nay, 05/07/2017, quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã bắn các tên lửa đạn đạo trong một cuộc tập trận, với kịch bản là một cuộc tấn công vào Bắc Triều Tiên. Cuộc thao dược này nhằm đáp lại vụ bắn thử tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên hôm qua. Bình Nhưỡng hôm nay khẳng định là tên lửa này có mang « một đầu đạn hạt nhân rất lớn ». Phía Hoa Kỳ xác nhận đây đúng là một tên lửa liên lục địa.

Bộ trưởng Ngoại Giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha (người thứ hai) thăm một đơn vị hỗn hợp Mỹ - Hàn, cùng với tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, tướng Thomas Vandal (đi đầu), Uijeongbu, Hàn Quốc, 25/06/2017
Bộ trưởng Ngoại Giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha (người thứ hai) thăm một đơn vị hỗn hợp Mỹ - Hàn, cùng với tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, tướng Thomas Vandal (đi đầu), Uijeongbu, Hàn Quốc, 25/06/2017 REUTERS/Chung Sung-Jun/Pool
Quảng cáo

Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường trình về phản ứng của Seoul và Washington :

« Vụ bắn thử thành công tên lửa liên lục địa là một « món quà » tặng cho những « tên Mỹ khốn kiếp » nhân ngày Quốc khánh của chúng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un đã tuyên bố như trên. Quyết định khiêu khích tới cùng, ông hứa sẽ có những « món quà » khác trong tương lai.

Trong phản ứng đầu tiên, quân đội Hàn Quốc và Mỹ sáng nay đã bắn các tên lửa đạn đạo « với độ chính xác rất cao » ở vùng bờ biển phía đông của Bắc Triều Tiên. Nhưng hành động biểu dương sức mạnh này chắc là sẽ không làm nhụt chí Bình Nhưỡng.

Washington cũng đã yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Tại Hoa Kỳ, ngày càng có nhiều người kêu gọi ban hành các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn đối với chế độ Bắc Triều Tiên, ví dụ như trừng phạt những ngân hàng và những công ty giao thương với Bình Nhưỡng.

Trên thực tế, cả Hoa Kỳ và các đồng minh đều không có phương án nào khác. Mở một cuộc tấn công ngăn ngừa thì có nguy cơ gây nên một cuộc chiến tranh. Thay đổi chế độ, như yêu cầu của một số người, thì rất khó mà làm được. Về giải pháp ngoại giao, kể từ nay rõ ràng là Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ chấp nhận phi hạt nhân hóa. Ngay cả việc tạm đình chỉ chương trình tên lửa đạn đạo cũng ngày càng khó mà xảy ra. »

Mỹ xác nhận hỏa tiễn Bắc Triều Tiên thuộc loại « tầm xa »

Trong cuộc họp ngay sau vụ bắn thử hôm qua, Lầu Năm Góc đã nói đấy chỉ là hỏa tiễn tầm trung, nhưng sau đó ngay trong ngày đã xác nhận rằng hỏa tiễn mà Bắc Triều Tiên thử nghiệm « thành công » đúng là loại tầm xa. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cũng xác nhận và nói đến « mối đe dọa gia tăng ».

Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Capomaccio, cho biết chi tiết :

« Thông cáo đầu tiên của Lầu Năm Góc, sáng hôm qua, nói đến một hỏa tiễn tầm trung được Bắc Triều Tiên thử nghiệm thành công. Hỏa tiễn đã bay trong thời gian 37 phút trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.

Nhưng đánh giá của các chuyên gia đã thay đổi trong ngày. Theo phân tích đường đạn đạo thì đó là một hỏa tiễn tầm xa chứ không phải tầm trung.

Đây là bằng chứng tiến bộ của Bắc Triều Tiên… cho dù tổng thống Mỹ Donald Trump phủ nhận. Loại hỏa tiễn này có thể bắn tới Alaska, tức là lãnh thổ Mỹ.

« Tất cả các giải pháp đều đặt trên bàn ». Từ nhiều tuần qua, Lầu Năm Góc đã nói đi nói lại như thế… Nhưng vấn đề không đơn giản. Rõ ràng Trung Quốc, mà ông Trump muốn dựa vào, đã không thể, hay không muốn, gây sức ép hơn nữa lên Bình Nhưỡng.

Washington chỉ còn có cách đưa ra những biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Bắc Triều Tiên và nhất là những ngân hàng Trung Quốc giao dịch với quốc gia này.

Cuối cùng còn lại biện pháp quân sự, mà Lầu Năm Góc gọi là giải pháp cuối cùng. Hoạt động ngoại giao trực tiếp giữa Washington và Bình Nhưỡng là điều hoàn toàn không thể tiến hành ».

Đề xuất dùng THAAD bắn tên lửa Bắc Triều Tiên

Nhìn chung các đối sách mà Mỹ và quốc tế áp dụng nhằm ngăn cản tiến trình trang bị tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên đều thất bại. Trong bối cảnh đó, một chuyên gia Pháp đã gợi đến một biện pháp táo bạo, nhưng có thể có hiệu quả, đó là dùng hệ thống THAAD đặt tại Hàn Quốc để bắn rơi tên lửa Bắc Triều Tiên trong lần thử nghiệm tới đây.

Trả lời Ban Pháp Ngữ RFI, chuyên gia Mathieu Duchatel phân tích :

« Bắc Triều Tiên đang có những bước tiến nhanh chóng và đang càng lúc càng chứng tỏ được là những lời nói của họ rất đáng tin. Các biện pháp trừng phạt, áp lực ngoại giao, đối thoại, đều thất bại, và tôi cho rằng sẽ đến lúc mà Hoa Kỳ phải tính đến vấn đề sử dụng võ lực.

Vấn đề là dùng sức mạnh đánh cụ thể vào cái gì ? Đối với Bình Nhưỡng, họ đang càng lúc càng chạy theo logic là phải tăng cường các công cụ răn đe hạt nhân để đối phó với nguy cơ Bắc Triều Tiên bị « chặt đầu ». Nhưng điều đó chỉ có nghĩa là chế độ bị triệt tiêu, chứ không phải là các đầu đạn hạt nhân hay tên lửa, vì phá hủy những thứ đó là điều không thể làm được.

Đối với Mỹ, tuy nhiên còn một giải pháp nữa, dù nhiều rủi ro, nhưng không thể loại trừ trong trung hạn : Đó là nhân một cuộc thử nghiệm tên lửa sắp tới của Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ sử dụng hệ thống chống tên lửa đạn đạo THAAD của họ để đánh chặn hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên trên không trung.

Điều đó cho phép Mỹ bắn đi thông điệp là hệ thống lá chắn chống tên lửa mạnh hơn các hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Triều Tiên ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.