Vào nội dung chính
PANAMA - TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN

Panama bỏ Đài Loan theo Trung Quốc: Hiệu ứng domino tại Trung Mỹ ?

Ngày 13/06/2017 vừa qua tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và đồng nhiệm Panama, bà Isabel Saint Malo de Alvarado, đã mở champagne mừng sự kiện hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Điểm đáng chú ý là trong bản Thông Cáo Chung được công bố, Panama xác định « cắt đứt ngay từ ngày này quan hệ ngoại giao với Đài Loan và cam kết ngưng mọi liên hệ chính thức với Đài Loan ».

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) và đồng nhiệm Panama bà Isabel Saint Malo de Alvarado mừng việc thết lâp quan hệ ngoại giao hai nước, ngày 13/06/2017.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) và đồng nhiệm Panama bà Isabel Saint Malo de Alvarado mừng việc thết lâp quan hệ ngoại giao hai nước, ngày 13/06/2017. Reuters
Quảng cáo

Trong mắt giới quan sát,Trung Quốc đã giành được một thắng lợi to lớn, « giựt » được Panama từ tay Đài Loan về phía mình. Bắc Kinh đang giáng cho Đài Loan một bài học với « cú đấm » ngoại giao này.

Giáo sư Lâm Hòa Lập (Willy Lam), Đại Học Hồng Kông nhận thấy thái độ đối đầu của nữ tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn làm cho Bắc Kinh rất bực dọc, và cuộc nói chuyện của bà với ông Donald Trump vào tháng 12/2016, càng thúc đẩy Bắc Kinh « dạy cho Đài Bắc một bài học ».

Trong cuộc tranh giành ảnh hưởng quốc tế mang tính sống còn đối với đảo, thì Đài Loan khó thể chống chọi trước sức mạnh kinh tế, tài chính của Trung Quốc và ngày càng mất thêm đồng minh, những nước còn dám công nhận chính quyền Đài Bắc. Tính trên toàn thể địa cầu, Đài Loan chỉ còn 20 đối tác đứng về phía mình, trong đó có Vatican, các đảo quốc nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, và vùng Châu Mỹ Latinh.

Uy lực kim tiền của Trung Quốc

Đối với Panama, Trung Quốc mang lại một nguồn lợi quá lớn. Cùng lúc diễn ra buổi ký kết Thông Cáo Chung về quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Panama tại Bắc Kinh, tại xứ Trung Mỹ Panama, tổng thống Juan Carlos Varera đọc diễn văn trên truyền hình để thông báo tin với « toàn thế giới ».

Ông không quên cám ơn Đài Loan, mà theo ông « đã từng là một người bạn lớn của Panama ». Ông Varera tha thiết tỏ lời « biết ơn Đài Loan vì tình hữu nghị và công cuộc hợp tác giúp phát triển Panama khi hai bên còn quan hệ ngoại giao ».

Tuy nhiên tổng thống Panama cũng nhấn mạnh : « Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã luôn đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế Panama ». Hai bên sẽ nghiên cứu những đề án hợp tác về du lịch, thương mại, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục.

Cũng trên đài truyền hình, bộ trưởng Thương Mại Panama, Augusto Arosemena, không quên nhắc lại Trung Quốc là nước thứ nhì sau Hoa Kỳ sử dụng kênh đào Panama, đồng thời là đối tác thương mại thứ tư của Panama, và quốc gia Trung Mỹ này xuất khẩu hơn 50 triệu đô la hàng sang Trung Quốc. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao là một giai đoạn quyết định sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho Panama.

Trong năm 2016 vừa qua, Trung Quốc đã chở qua kênh đào Panama 38 triệu tấn hàng hóa, chiếm 18,9% lưu lượng ở đây. Tháng 6 năm ngoái thì cũng một chiếc tàu Trung Quốc là tàu đầu tiên đi qua con kênh đào mở rộng.

Thông báo thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh và « cắt đứt » bang giao với Đài Bắc được đưa ra một tuần sau khi Trung Quốc khởi công xây cảng container và hệ thống khí ở Colon, bắc Panama, trong vùng tự do mậu dịch lớn nhất châu Mỹ Latinh. Hiện thời, nhiều tập đoàn Trung Quốc trong các lãnh vực khác nhau, từ ngân hàng, năng lượng đến hậu cần, viễn thông, công nghệ hoc, đã có mặt những năm gần đây tại Panama.

Đối với ông Arosemena, Panama sẽ có vai trò lớn hơn nữa, « có thể trở nên đầu cầu cho châu Á đến với châu Mỹ Latinh » khi xích lại gần Trung Quốc.

Nicaragua có thể là con domino kế tiếp

Theo nhận định của Margaret Mayers, giám đốc chương trình Trung Quốc – Mỹ Latinh của trung tâm nghiên cứu Inter-American Dialogue tại Washington, châu Mỹ Latinh là một thành trì của Đài Loan với số lượng các quốc gia chính thức công nhận chính quyền Đài Bắc : 11 nước tính cả vùng Caribê. Trước khi Costa Rica cắt đứt quan hệ với Đài Bắc vào năm 2007 để theo Bắc Kinh, thì hầu hết các quốc gia châu Mỹ Latinh đứng về phía Đài Loan.

Nay Panama đột phá, rời bỏ Đài Bắc, 10 năm sau Costa Rica, phải chăng sự kiện đó sẽ tạo nên một hệ quả domino ?

Đối với bà Margaret Mayers, châu Mỹ Latinh là « thành trì » của Đài Loan, nhưng cũng như Panama, dường như các nước châu Mỹ này đã đi đến kết luận là vì quyền lợi quốc gia, họ nên có mối liên hệ mạnh mẽ với Trung Quốc để thu hút đầu tư và cải thiện thương mại.

Bà Mayers cho là bà sẽ không ngạc nhiên nếu Nicaragua hay Cộng Hòa Dominicana thuộc diện quốc gia sắp tới đây, sẽ theo gương Panama. Nicaragua đang có một công trường kênh đào với vốn đầu tư Trung Quốc, cạnh tranh với kênh Panama.

Công trình vĩ đại này, ước tính 50 tỷ đô la, không do chính phủ Trung Quốc mà do một tập đoàn tư nhân Hồng Kông Nicaragua Canal Development (HKND) hỗ trợ. Đề án rất bị người dân phản đối và tiến triển rất chậm từ lúc khởi công vào cuối năm 2014.

Nhưng nhìn chung thì Nicaragua đã đón nhận dễ dàng đầu tư Trung Quốc, cho nên không ai ngạc nhiên khi Nicaragua sắp tới đây rời bỏ Đài Loan.

Một tiến trình đã bắt đầu từ lâu

Theo ghi nhận của Carlos Malamud, chuyên gia vùng châu Mỹ Latinh tại viện nghiên cứu Real Elcano ở Madrid, thì đây là một tiến trình bắt đầu từ lâu : Trong vòng 20 năm qua, số nước công nhận Đài Loan đã giảm lần, trong lúc Trung Quốc đã biết khéo chơi lá bài châu Mỹ Latinh khi nói là không muốn cạnh tranh với Mỹ để kiểm soát vùng sân sau này của Washington.

Các đề án của Trung Quốc hiện nay, theo ông Malamud, mang tính chất kinh tế và không thấy Bắc Kinh có quan điểm mạnh mẽ trên mặt chính trị. Trung Quốc đến vùng Trung Mỹ chậm hơn là khi đến Nam Mỹ, Trung Quốc tập trung vào 3 loại đầu tư : năng lượng, viễn thông, hạ tầng cơ sở.

Thế nhưng thành công ngoại giao với Panama có thể khiến Trung Quốc năng nổ hơn trên bình diện chính trị.

Đối với giáo sư chính trị quốc tế, Matt Ferchen, đại học Thanh Hoa ở Trung Quốc, « cuộc ly dị » giữa Panama và Đài Loan là một thay đổi đáng kể. Nó có thể dẫn đến một sự ganh đua lớn hơn, với chiến lược kinh tế, ngoại giao hung bạo hơn, để chinh phục trái tim ngoại giao của vùng. Đài Loan sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh còn lại để tránh bị thêm những thay đổi sắp tới trên bình diện hậu thuẫn ngoại giao.

Về phần Panama, tuy cắt đứt quan hệ với Đài Bắc, nhưng vẫn có vẻ nuối tiếc và muốn tiếp tục giữ liên hệ kinh tế với Đài Loan. Thứ trưởng ngoại giao Panama, Luis Miguel Hincapié khẳng định là Panama « mong muốn mở văn phòng thương mại ở cả Trung Quốc lẫn Đài Loan (cho dù) điều này tùy thuộc vào quyết định của Đài Loan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.