Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - HOA KỲ

Chiến dịch “Đá Vành Khăn”: Trump mạnh tay với Trung Quốc ở Biển Đông

Phải chờ đến bốn tháng sau ngày tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ngày 25/05/2017 vừa qua mới thấy một chiến hạm Mỹ tiến vào tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh một hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông).

Khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Dewey quá cảnh Biển Đông ngày 06/05/2017. Ảnh tư liệu của Hải Quân Mỹ.
Khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Dewey quá cảnh Biển Đông ngày 06/05/2017. Ảnh tư liệu của Hải Quân Mỹ. Kryzentia Weiermann/Courtesy U.S. Navy/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Trong bài phân tích đăng trên nhật báo Singapore The Straits Times ngày 02/06 vừa qua, tiến sĩ Lynn Kuok, nhà nghiên cứu tại Đại Học Cambridge, Anh Quốc, thỉnh giảng tại Trung Tâm Luật Quốc Tế, Đại Học Quốc Gia Singapore, đã nhận định rằng: chiến dịch khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông đầu tiên thời chính quyền Trump là một dấu hiệu cho thấy là Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân vào khu vực.

Bên cạnh đó, căn cứ vào một số thông tin hiếm hoi có được về chiến dịch được khu trục hạm USS Dewey, thuộc Hạm Đội 3 Hoa Kỳ thực hiện ở khu vực Đá Vành Khăn (Mischief reef), có thể thấy là lần này, so với thời tổng thống Obama, Washington đã bắn đi một tín hiệu cứng rắn hơn về phía Trung Quốc.

Một cuộc tuần tra cho thấy quyết tâm tiếp tục dấn thân

Mở đầu bài viết mang tựa đề « Chiến dịch tuần tra đầu tiên của chính quyền Trump vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông: Trễ còn hơn không », tác giả bài phân tích trước hết ghi nhận tâm lý nóng ruột của cả giới quan sát lẫn các đối tác và đồng minh trong khu vực trước sự kiện chính quyền mới tại Mỹ có vẻ như bất động về Biển Đông.

Ngay từ đầu, các nhà quan sát đã tự hỏi là liệu chính quyền Donald Trump có tiến hành chiến dịch tự do hàng hải gần những đảo tranh chấp ở Biển Đông hay không, và nếu có thì vào lúc nào, và như thế nào. Theo họ, việc sẵn sàng tiến hành chiến dịch là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ luật quốc tế, đặc biệt là những quyền về hàng hải được quy định trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Nói một cách rộng hơn, đó là một chỉ dấu quan trọng của sự dấn thân của Mỹ trong khu vực.

Năm 2016, tức là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của chính quyền Obama, chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông đã được thực hiện theo nhịp độ 3 tháng một lần, và dù như thế, vẫn vấp phải lời chỉ trích là quá ít. Đồng minh và đối tác của Mỹ bên trong và cả bên ngoài khu vực đã càng lúc càng lo ngại khi thấy đã 4 tháng trôi qua mà chính quyền Trump vẫn không cho tiến hành một chiến dịch tự do hàng hải nào. Điều đó đã khiến nhiều người tự hỏi là phải chăng chính quyền Mỹ đã bỏ rơi Biển Đông để đánh đổi lấy hợp tác của Trung Quốc ở nơi khác, như trên vấn đề Bắc Triều Tiên chẳng hạn.

Tàu Mỹ tập trận thực sự bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn

Thông tin về chiến dịch mới đây của chiến hạm Mỹ USS Dewey bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa, như vậy đã chấm dứt hàng tháng trời thắc mắc. Một quan chức Mỹ xin giấu tên, nhấn mạnh rằng « chiến hạm USS Dewey đã thực hiện một cuộc « diễn tập bình thường », với bài tập « điều khiển con tàu » bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Một số thông tin còn nói rõ là chiếc tàu cũng đã di chuyển ngang dọc theo hình chữ Z, thậm chí còn thực hiện một cuộc diễn tập cứu « người bị rơi xuống biển ».

Đối với chuyên gia Lynn Kuok, như vậy là hiển nhiên chiến hạm Mỹ đã không áp dụng thủ tục « qua lại vô hại » khi đi qua vùng biển của một nước khác.

Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, khi đi qua vùng 12 hải lý của một lãnh thổ nào đó, kể cả đảo, tàu một nước khác phải thực hiện cái gọi là thủ tục « qua lại vô hại - innocent passage ». Dù không cần phải xin phép nước có chủ quyền, nhưng khi đi qua thì phải đi thẳng và liên tục, không được có hành vi hay hoạt động không tốt cho « hòa bình, trật tự hay an ninh » đối với quốc gia có chủ quyền, ví dụ như hoạt động quân sự hay do thám. Một bài tập kiểu « cứu người rơi xuống biển » rõ ràng là không phù hợp với quy định về quyền qua lại vô hại.

Còn ở bên ngoài vùng 12 hải lý, theo UNCLOS, đó là quyền tự do hàng hải, với một loạt quyền trong đó có tự do lưu thông hàng hải, hàng không... Tự do hàng hải đối với phần đông các quốc gia trong cộng đồng quốc tế còn bao hàm quyền thao diễn quân sự, hoạt động do thám.

Khi một quan chức Mỹ mô tả là chiếc tàu USS Dewey đã thực hiện những « nhiệm vụ bình thường » và một bài tập « điều khiển con tàu », thì điều đó có nghĩa là Mỹ không áp dụng thủ tục qua lại vô hại, dùng khi đi qua hải phận quốc gia, mà là thực hiện quyền tự do hàng hải, một quyền khi di chuyển trên biển khơi và trong vùng đặc quyền kinh tế tính từ bờ biển.

Không công nhận lãnh hải quanh Đá Vành Khăn

Đối với chuyên gia Lynn Kuok, cách thức được chiến hạm Mỹ áp dụng đầy ý nghĩa, vì nếu chiếc USS Dewey tuân theo quy định trong thủ tục qua lại vô hại, thì điều đó có nghĩa là Mỹ ngầm công nhận Đá Vành Khăn là một hòn đảo đích thực có quyền có lãnh hải.

Chiến dịch tự do hàng hải đầu tiên của chính quyền Trump tại Biển Đông như vậy đã phù hợp với phán quyết tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye tháng 7 năm 2016 về Biển Đông, cho rằng Đá Vành Khăn nguyên là một thực thể nửa chìm, nửa nổi, cho nên không thể có hải phận hay vùng đặc quyền kinh tế, bất kể việc Trung Quốc đã bồi đắp đá này thành đảo nhân tạo.

Theo chuyên gia trên tờ The Straits Times, hiện không có cơ chế nào để thực thi phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye, nhưng các chiến dịch tự do hàng hải phù hợp với quy chế các thực thể ở Trường Sa là một cách hậu thuẫn gián tiếp cho phán quyết.

Nói một cách khái quát thì việc thực hiện thường xuyên các chiến dịch này, phù hợp với luật quốc tế, sẽ giúp ngăn chận nỗ lực của Trung Quốc thực hiện trên thực tế việc kiểm soát Biển Đông.

Trung Quốc phản đối nhưng với lập luận không thuyết phục

Trước tiên Bắc Kinh tố cáo Mỹ tác hại đến « chủ quyền và an ninh » của Trung Quốc. Thế nhưng, như phán quyết của Tòa Trọng Tài đã xác định, Trung Quốc không thể có chủ quyền gì trên các bãi ngầm hay thực thể nửa chìm nửa nổi, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia khác. Đá Vành Khăn lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines

Điểm thứ hai, Bắc Kinh phản đối việc chiếc USS Dewey đã đi vào  « vùng biển tiếp giáp của các đảo trong quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa) của Trung Quốc mà không được phép của chính quyền Bắc Kinh ».

Thật ra cho dù Mischief Reef là một thực thể có lãnh hải, điều mà phán quyết Tòa Thường Trực đã hoàn toàn phủ nhận, thì tàu chiến vẫn có quyền đi qua theo thủ tục qua lại vô hại mà không cần xin phép trước.

Thứ ba, bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng Trung Quốc đã đưa ra một loạt những lời tố cáo các chiến dịch tự do hàng hải: « hành động sai trái », « khiêu khích », « phô trương sức mạnh », « thúc đẩy quân sự hóa khu vực », « hành vi lệch lạc ».

Tuy nhiên, quan điểm của Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia là hoạt động đó chỉ là sự khẳng định quan điểm pháp lý một cách hợp pháp, ôn hòa...

Mỹ cần có thêm hành động dứt khoát chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Với việc chính quyền Trump thể hiện thái độ sẵn lòng tiến hành các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, nhiều quốc gia trong khu vực đã thở phào nhẹ nhõm, mặc dù một cách kín đáo và tránh xa ánh mắt giận dữ của Trung Quốc...

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Lynn Kuok, Bắc Kinh nên hiểu rằng cách tiếp cận của Mỹ không phải là chống Trung Quốc, mà bắt nguồn từ việc bảo vệ nguyên tắc của một trật tự dựa trên luật pháp, từ đó thúc đẩy hòa bình và ổn định.

Về phần Hoa Kỳ, nước này không thể chỉ dừng lại một chiến dịch duy nhất, nếu muốn duy trì ảnh hưởng chiến lược rộng lớn của mình trong khu vực. Mỹ cần thường xuyên khẳng định các quyền trên Biển Đông, theo tinh thần phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đồng thời nên công bố rõ ràng và nhanh chóng các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải đó.

Riêng đối với chính quyền Trump, cần phải nghiêm túc thúc đẩy việc phê chuẩn UNCLOS để khỏi bị chỉ trích là đạo đức giả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.