Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - HẠT NHÂN

Bắc Triều Tiên : tên lửa mới có thể mang đầu đạn hạt nhân

Theo KCNA, lãnh đạo Kim Jong Un đã đích thân giám sát cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo thế hệ mới Hwasong-12, tầm trung và tầm xa hôm Chủ Nhật. Giới chuyên gia nhìn nhận Bắc Triều Tiên đạt được tiến bộ quan trọng . Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chuẩn bị họp khẩn cấp vào ngày mai 16/05/2017.

Tên lửa đạn đạo Hwasong-12 được phóng thử nghiệm, ngày 14/05/2017. Ảnh qua Reuters và do hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp ngày 15/05/2017.
Tên lửa đạn đạo Hwasong-12 được phóng thử nghiệm, ngày 14/05/2017. Ảnh qua Reuters và do hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp ngày 15/05/2017. KCNA via REUTERS
Quảng cáo

Trong bản tin ngày 15/05/2017, hãng tin của Bình Nhưỡng cho rằng vụ phóng thử tên lửa chiến lược Hwasong-12  ngày hôm trước là để trắc nghiệm khả năng tên lửa loại mới mang đầu đạn hạt nhân thật mạnh. Tên lửa đạt độ cao 2.115 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản cách điểm xuất phát 787 km.

Đây lần đầu tiên kể từ khi tân tổng thống Hàn Quốc nhậm chức (09/05) và cũng là lần thứ hai trong vòng hai tuần, Bình Nhưỡng phóng tên lửa ra biển Nhật Bản.

Giới chuyên gia Mỹ được AFP trích dẫn, như Jeffrey Lewis và John Hopkins, thẩm định đây là loại tên lửa có thể bay xa đến 4.500 cây số và chắc chắn đủ sức tấn công vào các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương.

Washington và Tokyo đã phản ứng tức khắc, đề nghị triệu tập khẩn cấp Hội đồng Bảo An vào ngày thứ Ba 16/05/2017. Nhưng các biện pháp do Mỹ gợi ý giới hạn ở mức độ « gia tăng trừng phạt tài chính ».

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley, khẳng định « mối đe dọa là xác thực », tên lửa rơi « gần nước Nga », Trung Quốc « không thể đối thoại » với Bắc Triều Tiên.

Liên Hiệp Châu Âu và NATO cũng lên án hành động « đe dọa hoà bình ».

Thế nhưng, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin, đang tham dự hội nghị « Con Đường Tơ Lụa Mới » tại Bắc Kinh chỉ lo ngại « căng thẳng trong vùng leo thang ». Khẳng định « nước Nga không bị đe dọa », tổng thống Putin chỉ trích « hành động thiếu xây dựng của chế độ Bắc Triều Tiên » cùng lúc kêu gọi « ngưng hù họa Bình Nhưỡng ».

Về phần Seoul, tân tổng thống Moon Jae In lên án « một vụ khiêu khích nguy hiểm ». Còn giới phân tích Hàn Quốc thẩm định dụng ý của Bình Nhưỡng là « tạo uy thế để đàm phán và thăm dò chính sách hợp tác giữa hai chính quyền mới ở Mỹ và Seoul ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.