Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Ấn Độ : Tự động ly dị bằng SMS có hợp pháp không ?

Đăng ngày:

Chồng bỏ vợ theo kiểu đạo Hồi, dân quê Indonesia thả diều giữ lúa, sáng kiến ở Singapore giúp dân nghiện smartphone tránh bị xe tông, Ninja hồi sinh tại Nhật Bản, Lý Tiểu Long da đen, Facebook e dè « lính Thái » là những chủ đề liên quan đến cuộc sống thường ngày, tưởng là tầm thường, nhưng đôi khi ảnh hưởng đến số phận thậm chí sinh mạng của đông người, tạp chí Thế Giới Đó Đây xin gửi đến quý thính giả.

Một phụ nữ Ấn Độ
Một phụ nữ Ấn Độ Ảnh : Wikipedia
Quảng cáo

Vì sao chuyện ly dị ở Ấn Độ lại được Toà Án Tối Cao quan tâm phân xử ? Công luận quốc gia có số tín đồ đạo Hồi đông hạng nhì thế giới đang sôi động trước hai quan điểm đối chọi : một ông chồng chán vợ chỉ cần đứng trước cửa nhà, hô to « tôi bỏ vợ » theo « quy trình » của đạo Hồi, có vi phạm Hiến Pháp hay không ? Tư pháp Ấn Độ có một tuần để phân xử đơn khiếu kiện của sáu phụ nữ Hồi giáo.

Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis tường thuật :

« Talaq, talaq, talaq ». Khi hô to ba chữ « bỏ vợ » này, một người đàn ông Ấn Độ theo đạo Hồi có thể đơn phương ly dị mà không cần phải giải trình hay thông qua một thủ tục nào khác. Trong những năm sau này, với điện thoại di động, nhiều ông chồng gửi ba chữ « talaq » qua SMS để tránh chạm mặt vợ.

Lối hành xử này được cho phép trong cộng đồng 180 triệu tín đồ đạo Hồi tại Ấn Độ, nơi mà mỗi tôn giáo có luật dân sự riêng, diễn giải kinh điển theo cách của họ.

Vấn đề là kinh Coran không hề cho phép ly dị theo kiểu « tốc hành ». Ấn Độ lại là một trong những nước hiếm hoi chấp nhận chuyện này. Ngay hai nước Hồi giáo là Pakistan và Qatar còn không cho đàn ông quyền hạn này. Sáu phụ nữ Ấn Độ theo đạo Hồi đã nộp đơn khiếu kiện với lập luận cách ly dị đơn phương độc đóan này vi phạm nữ quyền được ghi trong Hiến pháp.

Toà Án Tối Cao bắt đầu lắng nghe các bên, kể cả lập luận của Hội đồng Hồi giáo Ấn Độ, gồm toàn đàn ông ủng hộ ba chữ talaq.

Trong một tuần tới đây, Toà Án Tối Cao sẽ phải trả lời cho câu hỏi : ly dị theo kiểu tốc hành là nét đặc thù của tôn giáo hay chỉ là một hủ tục ? Nếu là tôn giáo thì tư pháp không can thiệp, còn nếu là hủ tục thì phải ngăn cấm.

Facebook e dè « lính Thái »

Còn ở Thái Lan, chính quyền quân sự tiến thêm một bước trong chính sách kiểm duyệt thông tin và ngăn chận quyền tự do ngôn luận. Bị áp lực, các nhà cung cấp dịch vụ internet ở Thái Lan buộc phải biên thư cho ông Mark Zukerberg, sáng lập viên Tổng Giám Đốc Facebook khẩn cầu phong tỏa 600 trang trên mạng xã hội này. Các trang này bị chính quyền Thái xem là loan truyền nội dung vu khống vương triều.

Tuy Facebook không tức khắc đóng cửa 600 tài khoản bị chiếu cố, nhưng buộc phải có phản ứng. Facebook gửi một thông điệp đến sử gia Somsak Jeamteerasakul, đang lưu vong ở Paris, để thông báo ông đang bị một toà án Thái Lan kết tội xúc phạm tân vương, vì một đoạn băng video công bố trên trang Facebook. Chính quyền quân sự Thái cấm dân chúng liên lạc với sử gia Somsak Jeamteerasakul qua internet hay xem bài của ông trên Facebook.

Thông tin này rất đáng lo vì tuần trước, ba người Thái Lan bị bắt vì chia sẻ bình luận trên trang của Somsak. Ngay thông tín viên RFI Arnaud Dubus ở Bangkok cũng phải thận trọng không nói rõ chi tiết về đọan băng này :

Đó là những trang bị xem là tạo ra hình ảnh tiêu cực cho tân vương Thái Lan. Chẳng hạn như video thu hình quốc vương lúc sống ở Đức. Bản thân tôi, tôi cũng không thể nói rõ hơn vì như thế sẽ bị xem là phạm thượng, một tội có thể bị lãnh án từ 3 đến 15 năm tù. Từ khi họ chiếm chính quyền vào năm 2014, tập đoàn quân sự Thái Lan đã chận tổng cộng 7.000 địa chỉ web bị xem là phạm thượng, nhưng lại gặp trở ngại với những dịch vụ đặt ở nước ngoài trong đó có Facebook. Chính quyền Thái chỉ có thể phong tỏa toàn bộ Facebook, nhưng không thể chọn lọc một số trang. Họ biết công luận sẽ phản ứng mạnh, nếu toàn bộ Facebook bị phong tỏa, cho nên cuối cùng họ chọn giải pháp viết thư cho Mark Zukerberg. 

Singapore : nhìn xuống khi băng qua đường !

Trong khi chính quyền Thái Lan lo bảo vệ chế độ thì tại Singapore, chính phủ đau đầu vì tai nạn giao thông mà nạn nhân là giới trẻ, mải mê dán mắt vào điện thoại di động, cứ lao vào xe hơi. Từ tuần này, đi bộ ở Singapore đã an toàn hơn cho giới « nghiện » smartphone. Tại hai địa điểm thử nghiệm, hai lối đi cho bộ hành, ngoài đèn xanh đỏ cố hữu , còn có thêm đèn điện tử gắn trên mặt đường. Mục đích là để cho khách đi đường, cho dù mắt không rời điện thoại, cũng « thấy » đèn báo hiệu.

Bộ giao thông Singapore thí nghiệm sáng kiến mới này trong sáu tháng trước khi trang bị trên khắp đảo quốc.

Thông tín viên Margaux Bédé từ Singapore tường thuật :

Trong một cuộc thăm dò do đại học Nam Dương ở Singapore thực hiện năm 2015 thì trong số 598 tai nạn giao thông mà nạn nhân là bộ hành « nghiện » smartphone thì có đến 419 người trẻ từ 17 đến 25 tuổi. Vấn đề bây giờ là phải thử xem dấu hiệu đèn chiếu LED đặt trên mặt đường có hiệu quả ngăn ngừa tai nạn hay không ?

Ngoài còi báo động, hai lối đi dành cho người đi bộ được trang bị thêm đèn hiệu trên mặt đường. Simin, một phụ nữ 33 tuổi, mắt lúc nào cũng dán lên màn ảnh điện thoại, cho biết bà đã hơn một lần suýt bị xe đụng. Lắm khi « tôi bị người lái xe bấm còi vì cho rằng tôi mải nhìn điện thọai mà không để ý có xe đi tới ». Simin công nhận là do quá « mê » liên lạc qua điện thoại nên cũng không thấy ánh sáng xanh đỏ báo hiệu trên mặt đường.

Các lối đi dành cho bộ hành liệu có hiệu quả cho những người như bà Simin hay không ? Một người lái xe 45 tuổi chia sẻ : bản thân tôi, tôi nghĩ rằng chẳng có ích lợi gì cả. Đèn hiệu trên mặt đường chỉ làm cho người ta nhìn xuống và thậm chí khuyến khích người ta nhìn xuống thay vì ngẩng mặt lên. Hệ quả là ở Singapore sẽ có đa số người đầu gục xuống. Có thể đèn báo hiệu lưu thông trên mặt đường sẽ có ích cho người già lưng còng. Còn những người « nghiện » smartphone thì vô phương cứu chữa.

Kagathi, tổ tiên của diều giấy

Cũng trong vùng Đông Nam Á, nhật báo Indonesia, Kompas, trong bài phóng sự ở đảo Muna, biển Banda, thuật lại « chiến tích » của một người ham mộ thả diều, một nét văn hóa danh tiếng của địa phương. Con diều Kagathi Kolope, của ông La Malisi, một nghệ nhân 56 tuổi, được ghi vào kỷ lục Guinness, dài 5 mét, rộng 4,3 mét, toàn thân làm bằng sợi cỏ cây.

Qua những vết tích cổ xưa để lại trong hang động, nhà nhân chủng học người Đức Wolfgang Bieck, tin rằng các con diều ở Muna, Indonesia có thể đã xuất hiện từ 4.000, thậm chí 40.000 năm trước chứ không phát xuất từ Trung Hoa cách nay 2.500 năm như nhiều giả thuyết suy đoán.

Ngoài thú vui tiêu khiển, cánh diều Indonesia còn đem lại tiếng vang quảng cáo cho quần đảo Đông Nam Á này qua những đại hội diều giấy trên thế giới.

Chủ nhân cánh diều vô địch Kagathi Kolope tin rằng diều giấy cũng có linh hồn như truyền thuyết của tổ tiên kể lại.

Cuối cùng, người dân địa phương còn sử dụng những cánh diều to lớn này để đuổi chim, bảo vệ muà màng.

Ninja hồi sinh tại Nhật

Đối với thính giả ham chuộng võ thuật, trong tuần này có hai sự kiện được chú ý. Một là ở Nhật bản, đại học Mie, miền trung đảo Nhật bản, thành lập trung tâm nghiên cứu Ninja, những tay sát thủ huyền thoại hắc y, bịt mặt, phóng Phi tiêu có tài tàng hình, đi trên nứớc….

Theo Afp, người chủ xướng chương trình phục hồi truyền thống văn hóa này là giáo sư Yiji yamada. Địa điểm tọa lạc trung tâm nghiên cứu « quốc tế » là Iga, 350 cây số tây nam Tokyo, nới có nhiều ninja trong lịch sử. Tin này được loan báo vài ngày sau khi một loạt tài liêu bí mật của Ninja được khám phá. Ngôi nhà của một gia đình có truyền thống Ninja cũng ở Iga, còn cất giữ 150 tài liệu, bí kíp giảng dạy chi tiết cách chế tạo và sử dụng chất độc, kỹ thuật chiến đấu, gián điệp, ám sát.

Trước thời triều đại Edo (1603 và 1868), Iga và Koka là vùng hoạt động của hai băng Ninja nổi tiếng.

Bruce Lee Phi châu

Tại Pháp nhà xuất bản Robert Laffont cho ra mắt quyển sách đầu tay của một võ sư người Cameroun được mệnh danh là Bruce Lee Phi châu. Năm 1980, cậu bé nhà quê Dominique Saatenang, được cha mẹ cho lên tỉnh đi học. Được cô chú dẫn đi xem cuốn phim Long Tranh Hổ Đấu, cậu học sinh 11 tuổi mê Lý Tiểu Long đến mức sang Thiếu Lâm Tự, dự kiến ở một tháng, cuối cùng thành 4 năm mồ hôi và thử thách. Tiếp theo là đại học võ thuật Bắc Kinh để kiện toàn ước mơ con đường võ nghiệp.

Tháng năm này, quyển sách đầu tay của Bruce Lee Phi châu ra mắt độc giả, ghi lại những kỷ niệm, chia sẻ những suy tư hiền triết trong tác phẩm « Mở tay này, bạn sẽ nắm cả thế giới » (Ouvre ta main et tu possédera le monde).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.