Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC -NHẬT BẢN

Senkaku/Điếu Ngư : tàu Hải Cảnh Trung Quốc tiến vào lãnh hải Nhật

Ngày 08/05/2017 tàu Hải Cảnh Trung Quốc lại xâm nhập vùng biển chung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Đây là vùng đảo do Nhật Bản quản lý nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm ba đảo nhỏ Uotsuri (phía trên), Minamikojima (giữa) và Kitakojima. Ảnh chụp tháng 09/2012.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm ba đảo nhỏ Uotsuri (phía trên), Minamikojima (giữa) và Kitakojima. Ảnh chụp tháng 09/2012. REUTERS/Kyodo
Quảng cáo

Theo một phát ngôn viên lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản tại Naha, chiếc tàu Trung Quốc đầu tiên trong đội tàu 4 chiếc đã tiến vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Uotsuri, thuộc quần đảo Senkaku, vào khoảng 9 giờ 34 sáng, giờ địa phương và ở lại trong khu vực trong khoảng hai tiếng đồng hồ.

Cho đến chiều hôm nay, 09/05, vẫn còn một chiếc tiếp tục tuần tra trong khu vực tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản, cách bờ 24 hải lý.

Báo Star and Stripes của Quân Đội Mỹ ghi nhận là trong số 4 chiếc tàu Trung Quốc, có một chiếc được gắn một thiết bị trông giống như một tháp súng.

Đây là lần thứ 43 từ đầu năm 2017 tàu Hải Cảnh Trung Quốc thâm nhập vào vùng biển mà Tokyo xem là lãnh hải của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Thống kê của Nhật Bản chỉ ghi nhận hành động của tàu Hải Quân hay Hải Cảnh chứ không tính đến vô số tàu cá Trung Quốc được chính quyền Bắc Kinh bật đèn xanh cho tiến vào vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.

Các hành động khiêu khích của Trung Quốc tại vùng này khiến nhiều nhà quan sát lo ngại về nguy cơ tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột ngoài ý muốn.

Còn tại vùng Biển Đông mà Trung Quốc tự nhận chủ quyền trên gần như toàn bộ diện tích, hình ảnh do vệ tinh ISI (ImageSat International) Eros B mới chụp hôm 08/05/2017 cho thấy là Trung Quốc có khả năng đang chuẩn bị triển khai tên lửa chống hạm ở căn cứ hải quân Du Lâm ở phía nam đảo Hải Nam.

Theo một chuyên gia phân tích được trang mạng quốc phòng Defense News trích dẫn, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự và lắp đặt các bệ phóng nhằm triển khai tên lửa chống hạm tại căn cứ hải quân Du Lâm. Điều này nằm trong chiến lược củng cố các căn cứ ở tiền phương nhằm làm bàn đạp để có thể nhanh chóng tung lực lượng xuống Biển Đông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.