Vào nội dung chính
NHẬT - TRUNG QUỐC

Nhật Trung đối thoại về tài chính lần đầu tiên từ hai năm qua

Hôm nay, 06/05/2017, Nhật Bản và Trung Quốc mở các cuộc thảo luận song phương về tài chính đầu tiên từ 2 năm qua. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và Trung Quốc Tiêu Tiệp ( Xiao Jie ) thảo luận về những nguy cơ đối với viễn cảnh kinh tế châu Á, như các chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ Donald Trump và căng thẳng trên vấn đề hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên. Cuộc họp Nhật – Trung diễn ra bên lề hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Yokohama, Nhật Bản.

Hai bộ trưởng Tài Chính Nhật Taro Aso (T) và Trung Quốc Tiêu Tiệp trước cuộc thảo luận song phương ở Yokohama, ngày 06/05/2017.
Hai bộ trưởng Tài Chính Nhật Taro Aso (T) và Trung Quốc Tiêu Tiệp trước cuộc thảo luận song phương ở Yokohama, ngày 06/05/2017. Reuters
Quảng cáo

Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã xấu đi do các tranh chấp chủ quyền biển đảo và do vấn đề lịch sử thời Nhật chiếm đóng Trung Quốc trong Đệ nhị Thế chiến. Tuy nhiên, gần đây lãnh đạo hai nước đã cố hàn gắn quan hệ thông qua đối thoại.

Mặc dù vậy, việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trong các định chế tài chính khu vực khiến một nhà hoạch định chính sách ở Nhật lo ngại, sợ rằng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á AIIB do Trung Quốc thành lập sẽ lấn át ADB, vẫn do Nhật yểm trợ.

Trong cuộc họp tay ba hôm qua cũng bên lề hội nghị ADB ở Yokohama, các quan chức tài chính Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã đồng ý với nhau là phải chống lại mọi hình thức bảo hộ mậu dịch, một lập trường mạnh mẽ hơn lập trường của nhóm G20 trong việc chống lại các chính sách bảo hộ mậu dịch của tổng thống Trump.

Trung Quốc nay lại là quốc gia ủng hộ tự do mậu dịch mạnh mẽ nhất, trong khi tổng thống Trump chủ trương đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu và rút Hoa Kỳ ra khỏi các hiệp định thương mại đa phương. Nhật Bản thì cho rằng mậu dịch không chỉ phải tự do mà còn phải công bằng.

Các quan chức tài chính của ba nước Đông Bắc Á hôm qua cũng đã cam kết cùng nhau ngăn chận tình trạng bất ổn của thị trường do căng thẳng trên vấn đề hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.