Vào nội dung chính
ĐÀI LOAN - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông : Đài Loan tiếp tục quân sự hóa đảo Ba Bình

Hãng tin UPI hôm qua, 18/04/2017, dẫn nguồn tin từ báo chí Đài Bắc cho biết quân đội Đài Loan đề nghị tăng cường cho Ba Bình, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam, Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp.

Đảo Ba Bình (Itu Aba) nhìn từ trên không. Ảnh chụp ngày 29/11/2016.
Đảo Ba Bình (Itu Aba) nhìn từ trên không. Ảnh chụp ngày 29/11/2016. REUTERS/Fabian Hamacher
Quảng cáo

Theo tờ Apple Daily, bộ Quốc Phòng Đài Loan dự định trang bị một hệ thống có thể phóng nhiều hỏa tiễn từ xa, có khả năng chống đổ bộ, sẽ là xương sống cho hệ thống phòng vệ bờ biển.

Đài Bắc cũng xem xét khả năng triển khai hệ thống vũ khí tầm ngắn XTR-102, trong đó có hai khẩu súng tự động T-75 20 ly. Taipei Times cho biết loại vũ khí này do Viện nghiên cứu quốc gia Trung Sơn (Chungshan) thiết kế, có thể điều khiển từ xa. Hiện trên đảo Ba Bình đã được trang bị pháo phòng không 40 ly, 120 ly và hỏa tiễn chống tăng AT-4.

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan dẫn lời phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trần Trung Cát (Chen Chung Chi) nói rằng bộ này đã vạch ra « một kế hoạch chi tiết và hoàn chỉnh » để « bảo vệ vùng biển của Đài Loan ». Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các tháp pháo phòng không trên đảo Ba Bình từ tháng 9/2016.

Việc quân sự hóa Biển Đông đang diễn ra, chủ yếu từ phía Bắc Kinh. Trung Quốc đã xây các phi đạo và nhà chứa máy bay trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đầu tháng Tư, Bắc Kinh cho triển khai các chiến đấu cơ J-11 tại quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Phía Việt Nam bố trí một hệ thống phòng không trên một đảo gần Đài Loan, còn Philippines có thể sẽ tập trận chung với Mỹ trong tháng Năm.

Đảo Ba Bình (Itu Aba Island) thuộc cụm Nam Yết ở quần đào Trường Sa, nằm trong địa phận tỉnh Bà Rịa của Việt Nam thời Pháp thuộc, bị quân Nhật chiếm làm căn cứ tàu ngầm trong Đệ nhị Thế chiến. Năm 1946 lợi dụng danh nghĩa giải giáp tàn quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc đã đổ bộ lên đảo Ba Bình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.