Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẮC TRIỀU TIÊN

Liệu Mỹ tính tới phương án giải quyết dứt điểm hồ sơ Bắc Triều Tiên?

Tình hình bán đảo Triều tiên chưa bao giờ căng thẳng như lúc này. Theo giới chuyên gia, cả Hoa Kỳ lẫn Bắc Triều Tiên cùng không muốn khơi mào cuộc chiến, nhưng chỉ cần một sự cố là không còn cơ may có hòa bình trong khu vực. Tổng thống Trump đang nghiên cứu « tất cả mọi kịch bản » để « chấm dứt đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên ».

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un với quân nhân. Ảnh được KCNA công bố ngày 01/04/2017.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un với quân nhân. Ảnh được KCNA công bố ngày 01/04/2017. KCNA/via REUTERS
Quảng cáo

 

Hai ngày sau khi trả đũa chính quyền Damas sát hại thường dân Syria bằng vũ khí hóa học, Hải Quân Mỹ được lệnh đổi lộ trình, hướng tới bán đảo Triều Tiên thay vì đến Úc. Hải Quân Mỹ và Hàn Quốc đang tập trận trong khu vực cho đến cuối tháng 04/2017. Tới nay, Bình Nhưỡng luôn xem các đợt thao diễn quân sự giữa Hàn Quốc với đồng minh Hoa Kỳ là một mối đe dọa trực tiếp nhắm vào Bắc Triều Tiên.

Trả lời đài truyền hình ABC ngày 08/04, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gắn liền quyết định tấn công một căn cứ quân sự Syria với vấn đề Bắc Triều Tiên khi cho rằng, đây là « thông điệp Hoa Kỳ gửi tới tất cả các quốc gia nào trên thế giới vi phạm luật pháp và các thỏa thuận quốc tế », trong đó có cả Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ đã bác bỏ mọi tin đồn về ý định của Washington muốn ám sát lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hay ý đồ lật đổ chế độ tại quốc gia khép kín này.

Phát biểu trên đài truyền hình Fox ngày 09/04/2017, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hoa Kỳ, tướng H.R. McMaster nói rõ, việc Mỹ đưa chiến hạm đến gần Bắc Triều Tiên là một động thái « thận trọng » trước một « chế độ bất hảo mà giờ đây đã có phương tiện hạt nhân ». Cũng quan chức này cho biết thêm tổng thống Donald Trump yêu cầu các cố vấn quân sự của ông « sẵn sàng cung cấp cho bên an ninh một loạt giải phát toàn diện để chấm dứt đe dọa nhắm vào nhân dân Hoa Kỳ và các đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực ».

Đồng minh và cũng là đối tác chính của Hoa Kỳ tại Đông Bắc Á là Nhật Bản, theo thông cáo của Nhà Trắng, tối 08/04 trong cuộc điện đàm giữa tổng thống Trump và thủ tướng Abe, lãnh đạo hai nước đã nhất trí « tiếp tục đẩy mạnh hợp tác » chủ yếu là trong lĩnh vực an ninh, để đối phó với đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tương tự như vậy, tổng thống Hoa Kỳ và quyền tổng thống Hàn Quốc, Hwang Kyo Ahn cũng duy trì liên lạc chặt chẽ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Thế nhưng theo một quan chức thuộc bộ Quốc Phòng Nhật, kịch bản Hoa Kỳ tấn công Bắc Triều Tiên là « không thực tế » bởi vì ngay cả trong trường hợp Mỹ có muốn tấn công đi chăng nữa thì « có nhiều khả năng » hai đồng minh của Washington trong vùng là Nhật Bản và Hàn Quốc cùng « ngăn cản chuyện này ».

Dù vậy, rủi ro xung đột trong vùng Đông Bắc Á đã tăng thêm một nấc trong tuần qua. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ phản ứng thế nào khi chiến hạm và tàu hộ tống có trang bị tên lửa lảng vảng ngoài khơi ?

Trả lời báo South China Morning Post, chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế của Trung Quốc, Trương Đà Sinh (Zhang Tuosheng) nhấn mạnh : « Cả Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đều không muốn khơi mào cuộc chiến, nhưng rủi ro bất ngờ gây xung đột đang gia tăng, chỉ cần một sơ sót nhỏ hay một sự cố cũng có thể đẩy bán đảo Triều Tiên vào tình trạng chiến tranh ». Vẫn theo chuyên gia họ Trương, thái độ khiêu khích của chế độ Bình Nhưỡng đặt Washington vào thế khó xử, và càng gia tăng áp lực buộc Mỹ phải hành động trước khi Bắc Triều Tiên đủ sức chế tạo tên lửa bắn trúng tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

Một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh cũng đồng quan điểm và không loại trừ khả năng, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hay lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un « lên gân hù dọa đối phương ». Một cách gián tiếp, chuyên gia quân sự Trung Quốc lo ngại Donald Trump và Kim Jong Un cùng là những nhà lãnh đạo có cá tính thất thường. Giới chuyên gia và ngoại giao khó mà dự đoán các quyết định của hai vị nguyên thủ này.

Trong bối cảnh đó chuyên gia Trung Quốc lo ngại, với sự hiện diện của tàu chiến Mỹ trong vùng, khả năng xảy ra hiểu lầm giữa các bên có thể sẽ cao hơn. Lo ngại của Bình Nhưỡng dường như lại càng có cơ sở, sau những tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ : trước khi tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida, ông Trump tuyên bố là sẽ « tự giải quyết » hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên nếu không được Bắc Kinh hỗ trợ.

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Hwang Jae Ho, đại học Hankuk ở Seoul, điều quan trọng nhất hiện nay liên quan đến vấn đề thông tin chính xác về kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bởi lẽ, nếu không có thông tin chính xác về tiềm lực hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Mỹ không thể vô hiệu hóa khả năng tấn công của quốc gia Đông Bắc Á này một cách an toàn. Không có gì bảo đảm là khi bị tấn công, Bình Nhưỡng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân, tên lửa để trả đũa hai nước láng giềng sát cạnh là Nhật Bản và Hàn Quốc và kể cả việc dùng vũ khí để « với sang đến cả Hoa Kỳ ».

Vì tất cả các yếu tố kể trên, giới phân tích lo ngại, châu Á đang lao vào một cuộc chạy đua võ trang. Bởi lẽ, Bắc Kinh hơn bao giờ hết đang theo dõi sát tình hình. Chiến tranh bùng nổ ở bán đảo Triều Tiên sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho Trung Quốc. Một chuyên gia thuộc đại học Đồng Tế (Tongji) - Thượng Hải được South China Morning Post trích dẫn cho rằng, trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng nói trên, Trung Quốc cần « chuẩn bị cả về phương diện quân sự để tự vệ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.