Vào nội dung chính
PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG

Biển Đông : TT Philippines xác nhận ý định “củng cố” các cơ sở ở Trường Sa

Sau phản ứng bất đồng tình của Trung Quốc và Việt Nam về việc ông ra lệnh « chiếm đóng » các thực thể địa lý mà Manila đòi chủ quyền tại Biển Đông, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 10/04/2017 nói rõ lại là chỉ yêu cầu quân đội « củng cố » chứ không phải là quân sự hóa các khu vực do Manila kiểm soát.

Quân nhân Philippines tuần tra trên đảo Pagasa (Thị Tứ) thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông.
Quân nhân Philippines tuần tra trên đảo Pagasa (Thị Tứ) thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông. REUTERS/Ritchie B. Tongo
Quảng cáo

Theo hãng tin Anh Reuters, trong một cuộc họp báo tại Manila, tổng thống Philippines đã giải thích quyết định của ông liên quan đến « 10 hay 9 hòn đảo gần bờ biển Philippines » với mong muốn duy trì một « thế cân bằng địa chính trị ».

Tuy nhiên, thông điệp của ông chủ yếu nhằm trấn an Trung Quốc khi bảo đảm rằng Manila sẽ không bố trí bất kỳ một loại vũ khí tấn công nào trên các đảo của mình ở vùng Trường Sa, « kể cả một khẩu súng cũng không ».

Hôm 06/04/2017, ông Duterte khiến các láng giềng quan ngại khi ông thông báo đã ra lệnh cho quân đội chiếm các đảo không có người ở mà Philippines đòi chủ quyền ở Biển Đông.

Tuy nhiên, chỉ một hôm sau tuyên bố của ông Duterte, giới chức quốc phòng và quân sự Philippines đã gián tiếp cải chính tuyên bố nói trên khi xác định rằng họ chỉ sẽ nâng cấp các cơ sở hiện có và sẽ không chiếm đóng lãnh thổ mới.

Việt Nam phản đối

Cho dù vậy, tuyên bố « sẽ chiếm đảo » của ông Duterte đã bị các láng giềng phản đối. Sau Trung Quốc đến lượt Việt Nam lên tiếng ngày 09/04. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, « Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa », do đó, « mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị ».

Trước đó, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối mạnh hơn, bày tỏ thái độ « rất quan ngại » và nhắc nhở Manila cần phải « tiếp tục xử lý đúng đắn các tranh chấp hàng hải với Trung Quốc ».

Xin nhắc lại là vùng quần đảo Trường Sa hiện có 6 bên đòi chủ quyền. Ngoài Philippines, Trung Quốc, còn có Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Việt Nam là nước kiểm soát nhiều thực thể địa lý nhất, còn Trung Quốc là nước có nhiều cơ sở quân sự nhất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.