Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - PHILIPPINES

Biển Đông: Có thể tin là Duterte nói nghiêm túc ?

Ngày 06/04/2017, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết đã ra lệnh triển khai binh lính trên các bãi đá và đảo nhỏ không có người ở trong vùng Biển Đông mà Manila đòi chủ quyền và đang có tranh chấp với một số nước láng giềng. Trong một bài phân tích trên báo Sydney Morning Herald ngày 07/04, nhà báo Úc Lindsay Murdoch đã tự hỏi là liệu có nên tin vào tuyên bố của một người nổi tiếng là ăn nói bốc đồng hay không ?

Diễn hành nhân lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập quân đội Philippines, Manila, ngày 04/04/2017.
Diễn hành nhân lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập quân đội Philippines, Manila, ngày 04/04/2017. Reuters
Quảng cáo

Đối với nhà báo Úc, việc triển khai quân trên 10 đảo nhỏ và bãi đá ở vùng Trường Sa đang tranh chấp là một hành động leo thang có thể kéo các cường quốc thế giới vào cuộc. Tuy nhiên, như bao nhiêu phát biểu nẩy lửa của vị tổng thống 72 tuổi này từ khi ông nhậm chức tháng 6 năm 2016, thì không rõ là ông nói đùa để khơi dậy lòng yêu nước của người Philippines, hay là ông nói nghiêm túc.

Nếu theo đúng những gì ông nói, gởi quân ra đảo để xây dựng những cấu trúc chắc chắn, có thể sử dụng lâu dài như nhà cửa hay cơ sở lọc nước biển, thì đó quả là một thay đổi hoàn toàn trong chính sách của ông là không đối đầu với Trung Quốc, nước đã cam kết đầu tư 24 tỷ đô la vào Philippines vào tháng 10/2016.

Khi đến thị sát một trại lính trên đảo Palawan, phía tây Philippines, vào hôm thứ Năm 06/04, ông Duterte đã phát biểu : « Dường như có người khác muốn thâu tóm các đảo ở đó, do vây tốt hơn cả là chúng ta đến sống trên những đảo còn trống... Tôi đã ra lệnh cho quân đội chiếm đóng tất cả … Ít ra chúng ta hãy lấy những gì thuộc về chúng ta ngay bây giờ và nhấn mạnh là nơi đó là của chúng ta ».

Phát biểu này dĩ nhiên sẽ làm dấy lên phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc, vốn đang đòi hỏi chủ quyền trên tất cả những khu vực chiến lược quan trọng ở Biển Đông, nơi có hàng hóa trị gía 5,3 tỷ đô la qua lại hàng năm.

Một chủ trương không khả thi

Nhưng không rõ là lệnh của ông Duterte sẽ được thực hiện ra sao. Một số đảo cần những công trình bồi đắp tốn kém, khó thực hiện về phương tiện hậu cần trước khi có thể xây dựng cơ sở trên đó. Trung Quốc có thể ngăn chặn công cuộc tiếp liệu bằng cách cho tàu hải cảnh án ngữ trên vùng biển gần các đảo chiếm đóng.

Giới phân tích chuyên diễn giải các phát biểu, thường khi bộp chộp và đầy khiêu khich, của ông Duterte trên nhiều vấn đề đã tự hỏi là ông đã ra một tuyên bố về chính sách, hay đó chỉ là một trong những lời bông đùa trên một chủ đề nghiêm trọng.

Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống, ông Duterte từng nói rằng ông sẽ lái một chiếc mô tô trượt nước tới một hòn đảo ở Biển Đông để cắm cờ Philippines ở đấy. Thế nhưng, sau đó ông lại chế nhạo các phương tiện truyền thông là đã xem lời ông nói là nghiêm túc.

Hôm 06/04, ông Duterte lại nói với quân đội của ông rằng ông có thể ghé thăm một trong những hòn đảo của Philippines nhân lễ quốc khánh vào tháng Sáu để làm lễ thượng cờ ở đó.

Khi được hỏi về kế hoạch của ông đối với một con tàu rỉ sét được cho mắc cạn trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Biển Đông để làm tiền đồn cho một toán thủy quân lục chiến Philippines, ông Duterte nói: « Tôi sẽ thay thế nó bằng một chiếc tàu du lịch sang trọng: sẽ có bồi bàn, thức ăn, bể bơi để những người lính có thể hưởng thụ ».

Nói mạnh bạo để xoa dịu quân đội Philippines

Theo Carlyle Thayer, một chuyên gia về Biển Đông Học Viện Quốc Phòng Úc, Đại Học New South Wales, rõ ràng là việc Trung Quốc tiếp tục kiểm soát và quân sự hóa các đảo trong vùng biển tranh chấp đã khiến cho các quan chức quốc phòng Philippines bực tức, và giờ đây, đến lượt vị tổng thống cũng vậy.

Gần đây, Trung Quốc đã củng cố ba hòn đảo chính ở Trường Sa, với sân bay, nhà kho chứa máy bay quân sự, và lắp đặt trên đó các hệ thống tên lửa và súng phòng không.

Theo giáo sư Thayer, Philippines đã rất bất bình sau các thông tin – mà sau đó bị Bắc Kinh phủ nhận – theo đó Trung Quốc đang tiến hành lắp đặt các thiết bị giám sát môi trường trên bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm đoạt vào năm 2012. Bãi này chỉ cách bờ biển Philippines 12 hải lý. Manila cũng lo ngại trước việc một tàu khảo sát đại dương của Trung Quốc hoạt động tại vùng biển Benham Rise ngoài khơi bờ biển phía đông Philippines.

Ông Richard Javad Heydarian, trợ lý giáo sư về khoa học chính trị tại Đại Học De La Salle ở Manila, cho rằng tuyên bố của ông Duterte chỉ nhằm xoa dịu giới chức quốc phòng Philippines : « Ông ấy rốt cuộc đã thấy được tình hình căng lên, vì vậy ông đang cố gắng gia tăng bằng chứng về lòng yêu nước của ông ».

Giáo sư Thayer nêu bật là nếu tiến hành việc chiếm đảo, Philippines sẽ vi phạm bản tuyên bố năm 2002 giữa các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông, yêu cầu các bên tự kềm chế.

Theo ông : « Nghiêm trọng hơn nữa là Trung Quốc có thể sẽ phản ứng lại. Các quan chức Trung Quốc được cho là đã nói rằng "nếu bạn làm một, chúng tôi sẽ làm một rưỡi, nếu hai bạn làm hai, chúng tôi sẽ làm hai rưỡi" ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.