Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Biển Đông : Trung Quốc « bứng chốt » Philippines bằng đôla

Ngọn gió nổi dậy chống Donald Trump tại Hoa Kỳ, Pháp phát khởi chiến lược chống chiến tranh mạng đối đầu với Nga và thánh chiến Hồi giáo, châu Phi là địa bàn mới của Daech sau khi tan hàng tại Irak và Syria, Liên Hiệp Châu Âu thở phào vì phe bài ngoại tại Hà Lan bị chặn đứng. Trên đây là một số chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (T) bắt tay chủ tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc, ngày 20/10/2016.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (T) bắt tay chủ tịch Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc, ngày 20/10/2016. WU HONG / POOL / AFP
Quảng cáo

Chiến thuật « vết dầu loang » của Bắc Kinh tại Biển Đông

Với tựa « Tiền Trung Quốc đổ bộ vào Philippines », Bắc Kinh muốn nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN, thông báo sáng kiến « liên vùng » số một : lập một khu vực bảo tồn thiên nhiên ở Biển Đông sau khi đưa Manila vào vòng kim cô. Trên đây là nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos.

Theo nhà báo Michel De Grandi, từ sau chuyến công du của tổng thống Rodrigo Duterte hồi tháng 10/2016, doanh nghiệp Trung Quốc cam kết nhập khẩu ít nhất 1,7 tỷ đôla hàng hóa Philippines trong năm nay 2017, theo thông báo của sứ quán Trung Quốc ở Manila. Thỏa thuận ký kết hôm thứ Tư bao gồm những mặt hàng mà Philippines sản xuất từ trái cây cho đến hải sản và hóa chất. Trừ phi có thay đổi đột ngột, thỏa thuận thương mại trên đây là tầng thứ nhất của hỏa tiễn nhiều tầng. Bước tiếp nối là Trung Quốc đầu tư xây dựng hạ tầng kiến trúc cũng như cung cấp vũ khí cho hải đảo vốn từ trước đến nay vẫn kình chống Bắc Kinh lấn chiếm Biển Đông.

Từ khi đắc cử tổng thống Philippines, luật sư hay gây tranh cãi Duterte không ngừng « xoay trục », thẳng thừng tuyên bố « giã biệt ông bạn Obama », bỏ đồng minh Washington để chọn Trung Quốc. Nhưng để kết thân với Bắc Kinh, tổng thống Duterte tỏ ra bớt xác quyết trên hồ sơ tranh chấp biển đảo cho dù phán quyết của Toà Trọng Tài La Haye nghiêng về Philippines.

Thật ra, thời trước tổng thống Duterte, Trung Quốc đã là bạn hàng thứ hai của Philippines. Theo nhận định của Les Echos, khi kéo được Philippines vào vòng ảnh hưởng, Trung Quốc đã đánh được một mẻ lưới to trong lĩnh vực ngoại giao. Sau Philippines, giới lãnh đạo Trung Quốc muốn mở rộng địa bàn kiểm soát đến các thành viên khác của ASEAN. Bắc Kinh, muốn nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (08/08/1967), thông báo sáng kiến « liên vùng » tại Biển Đông, nơi Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên 90% diện tích. Theo giải thích của Trung Quốc, sáng kiến đó là lập « khu bảo tồn thiên nhiên » để các bên (?) đều có lợi.

Bên trong cực hữu…

Nhìn từ Paris, châu Âu đang đứng trước nhiều mối đe dọa. Bên trong là phong trào cực hữu bài ngoại, bên ngoài là tham vọng khuynh đảo của điện Kremlin cộng với khủng bố Hồi giáo. Trong khi đó, chính sách vị kỷ của tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ làm châu Âu lo ngại hơn là vững tâm.

Nếu « Mossul tìm lại tự do » với bức ảnh một bé gái Irak vui mừng được đăng trên trang nhất của La Croix, thì « Châu Phi, mục tiêu mới của Daech » là tựa lớn của Le Figaro. Tình báo các nước tây Phi, Tchad, Nigeria, Bờ Biển Ngà báo động rằng từ một năm nay, phe thánh chiến Suni rút bỏ Irak và Syria kéo về đây lập sào huyệt để « xuất khẩu khủng bố ».

Về kinh tế Pháp, La Croix và Les Echos cùng đưa tin phấn khởi : Kinh tế Pháp sẽ khởi sắc vào mùa xuân : tăng trưởng lên điểm, xuất khẩu và đầu tư tăng, thất nghiệp giảm, theo dự báo của viện thống kê Insee vào lúc nhiệm kỳ năm năm của tổng thống François Hollande kết thúc.

Hà Lan : cử tri đi bầu đông đảo cản đường cực hữu là tựa trên trang nhất của Le Monde. Lãnh đạo đảng bài ngoại chống châu Âu và di dân nhập cư Geert Wilders, không giành được chiến thắng như dự báo. Les Echos cho biết thêm : Phe dân túy bị cầm chân, xu hướng thân Liên Hiệp Châu Âu lên điểm. Tổng thống Pháp François Hollande có thể khẳng định « đây là một chiến thắng rõ ràng chống phe cực đoan ». Lãnh đạo đảng Dân Chủ Xã Hội Đức Martin Schulz chúc mừng thủ tướng Hà Lan Mark Rutte với lời « thở phào nhẹ nhõm ». Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni yên tâm vì « Hà Lan không theo chân nước Anh » trong khi chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tin tưởng kết quả bầu cử tại Hà Lan sẽ là tấm gương cho cử tri các thành viên khác.

Liệu xu hướng cực hữu, nội thù của các nền dân chủ châu Âu đã bị chận đứng ? Kết quả bầu Quốc Hội tại Hà Lan hôm thứ Tư cho phép báo chí Pháp kết luận lạc quan. Tuy nhiên tất cả đều kêu gọi công luận và giới lãnh đạo phải cảnh giác nếu không muốn thấy phe bài ngoại chiến thắng trong một cuộc bầu cử sắp tới tại châu Âu.

Thật vậy, Les Echos cảnh báo : Nếu quan sát kỹ kết quả thì khó có thể yên tâm. Một tổ chức vô danh và chống châu Âu mang tên « Diễn Đàn Dân Chủ » bất ngờ giành được hai ghế dân biểu, tạo thêm sức mạnh cho phe mị dân. Không nên khinh thường tổ chức nhỏ này vì chủ tịch của họ là người đề xuất trưng cầu dân ý hồi tháng 04/2016, để tìm cách bác bỏ thỏa thuận Liên Âu-Ukraina, nhưng thất bại trong đường tơ kẽ tóc.

Nhật báo Công giáo La Croix cũng cùng nhận định, trong bài xã luận « Thận trọng đừng vội thở phào » : Cho dù cử tri Hà Lan và trước đó, tháng 12/2016, cử tri Áo đã từ chối lời mê hoặc của phe cực đoan bài ngoại, thì cũng không nên quên rằng tâm lý bất an của một bộ phận cử tri theo phe cực hữu tại Hà Lan hay tại Pháp là có thật và phải được quan tâm. Nếu không sẽ khó tránh được một kết quả bất ngờ.

… bên ngoài Matxcơva

Washington tố cáo mật vụ Nga là thủ phạm vụ tin tặc tấn công ồ ạt vào Yahoo cướp dữ liệu, Quân đội Pháp tập trận « chống tin tặc » Nga và Daech, Russia Today và SputnikNews của Nga nhập cuộc tác động lên bầu cử châu Âu là những thông tin và phóng sự trên Le Figaro và Le Monde.

Trước hết, nhật báo Le Figaro tập trung vào tin Washington khởi tố bốn điệp viên của mật vụ Nga FSB về tội tin tặc nhưng Matxcơva phủ nhận hết. Thông tín viên Pierre Avril từ thủ đô nước Nga cho biết bốn nhân vật bị truy nã là: Dmitri Dokouchaev, tội phạm tin tặc « tép riu » được FSB tuyển dụng năm 2006. Dựa thế mật vụ Nga, và « xếp trên » là Igor Souchtchine, Dmitri Dokouchaev liên kết với xã hội đen, xâm nhập hệ thống điện toán ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác.

Dưới quyền của hai nhân vật này là « Magg » Alexei Belan và «Kay» Karim Baratov, hai người đã tấn công vào địa chỉ thư điện tử của một huấn luyện viên thể thao Nga, một phóng viên của báo Nga Kommersant, một cộng sự viên của một công ty Pháp, một nhà quản lý chương mục số của Thụy Sĩ…. Chỉ có Alexei Belan bị bắt ở Canada hôm thứ Ba.

Chiến tranh mạng và tuyên truyền làm nhiễu thông tin của Nga được Le Monde tường thuật qua 5 loạt bài điều tra. Bài số 4, với chi tiết và nhân chứng trong cuộc, tập trung tìm hiểu chiến thuật kiểm soát truyền thông trong nước từ 17 năm nay, tức là từ khi Putin cầm quyền. Kiểm duyệt chỉ là phần nhỏ vì không hiệu quả, điện Kremlin đánh báo chí bằng vũ khí kinh tế qua hai khâu : quảng cáo và phát hành. Không có nguồn quảng cáo, vì các doanh nghiệp sợ bị trả thù. Không được hệ thống phát hành, vì chỉ trong một ngày mà có hàng chục nhà phân phối từ chối dịch vụ.

Hệ quả là phóng viên Nga trở thành đơn độc, một mình bị vây quanh toàn là kẻ thù. Nữ phóng viên Anna Polikovskaia, bị ám sát năm 2006, là một nạn nhân tiêu biểu.

Báo chí Nga phủ nhận cáo cuộc bị chính quyền chi phối. Nhưng Le Monde đặt câu hỏi: Vì sao những cuộc biểu tình của hàng ngàn người dân tưởng niệm nhà đối lập Boris Nemtsov bị ám sát ngay dưới chân điện Kremlin ngày 26/02 hoàn toàn không được một nhật báo hay cơ quan truyền thông nào của Nga nói đến ?

Sau khi khống chế được truyền thông trong nước, Putin tung phương tiện ra ngoài tác động lên tâm lý cử tri các nước phương Tây. Alexei Gromov, được xem là « lãnh đạo » của chính sách « tuyên truyền Nhà Nước » bị Mỹ xếp vào danh sách đen.

Để tác động vào công luận châu Âu nói chung và Pháp nói riêng, từ năm 2014, hai cơ quan truyền thông Nga là Russia Today (Nước Nga Ngày Nay) và Sputnikt News, mở chi nhánh tại Pháp. Theo Le Monde, để ngăn chặn tuyên truyền một chiều của Nga, Pháp có vũ khí « thông tin đa chiều » và « đạo đức nghề nghiệp ». Cơ quan CSA, Conseil Supérieur de l’Audiovisuel, quản lý hồ sơ này bắt hai cơ quan truyền thông Nga ký hợp đồng tôn trọng « thông tin đa chiều, trung thực và độc lập ».

Vấn đề là trong ban biên tập, tuy các phóng viên thông thạo ngoại ngữ sống nhiều năm ở nước ngoài nhưng não trạng của họ vẫn khép kín : vẫn hoang tưởng xem Tây phương là kẻ thù, còn Nga là nạn nhân.

Mở cửa đón truyền thông Nga, Pháp cũng chuẩn bị đối phó với nguy cơ tin tặc nhiễu thông tin cướp dữ liệu. Le Monde cho biết quân đội Pháp sẽ mở một cuộc « tập trận » chống chiến tranh mạng từ ngày 20 đến 31/03. Đây là chiến dịch thứ tư, đại qui mô, huy động 150 chuyên gia chống tin tặc của ba binh chủng và 240 sinh viên kỹ sư, được đặt tên là NefNet 2017. Hai mục tiêu mà đơn vị chiến tranh điện tử của Pháp đang từng bước được xây dựng, huấn luyện và hoàn chỉnh từ nay cho đến 2019, với tổng cộng 4.400 nhân sự theo dự tính.

Dân Mỹ « kháng chiến »

Một làn gió nổi dậy chống Trump tại Hoa Kỳ, nhật báo Libération đưa độc giả vào nước Mỹ « tranh đấu » với nhiều trang phóng sự dài : Trump cắt ngân sách, dân chúng lên tuyến đầu. Những cuộc biểu tình gây áp lực chỉ là khởi điểm của một cuộc tranh đấu dài hơi.

Phóng sự của Libération trình bày những kế hoạch thất nhân tâm của tổng thống Cộng Hoà Mỹ Donald Trump từ hạn chế nhập cư cho đến cắt giảm an sinh xã hội, tàn phá môi trường. Để bảo vệ quyền sống, thành phần « dân nghèo » phải tổ chức « kháng chiến ». Cuộc kháng chiến này có phối hợp và cũng có tự phát. Một trận chiến tùy hoàn cảnh do một nhóm cá nhân như ở một quận ở Michigan, mỗi ngày hội thảo, bao vây, chất vấn dân biểu Cộng Hoà David Trott đến mức ông này trốn mất. Trên bình diện quốc gia, phong trào công dân được các luật gia thân cựu tổng thống Obama đứng ra hợp tác trợ giúp pháp lý buộc chủ nhân Nhà Trắng tôn trọng pháp luật.

Theo Libération, ngừa bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh, nhưng nếu để cho dân tộc chủ nghĩa chiến thắng, thì cách hay nhất là động viên quần chúng, dùng lá phiếu đẩy họ ra khỏi chính quyền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.