Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - KHỦNG HOẢNG

Hàn Quốc : Tòa Bảo Hiến chấp thuận phế truất tổng thống Park Geun Hye

Điều đông đảo người dân Hàn Quốc mong đợi trong ba tháng qua đã đến. Thứ Sáu 10/03/2017, tổng thống Park Geun Hye đã bị Toà Bảo Hiến Hàn Quốc truất phế. Phán quyết cuối cùng, được toàn thể 8 thẩm phán thông qua, có hiệu lực tức khắc và vĩnh viễn. Quyết định này kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị bắt nguồn từ vụ tai tiếng Choi Soon Sil và những cuộc biểu tình gây áp lực của hàng triệu người dân mỗi thứ Bảy từ ba tháng nay.

Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất Park Geun Hye.
Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất Park Geun Hye. REUTERS/Kai Pfaffenbach/File Photo TPX IM
Quảng cáo

Từ Seoul, thông tín viên Frédéric Ojardias tường thuật :

« Đây là một quyết định lịch sử. Bà Park Geun Hye là vị tổng thống đầu tiên của chế độ dân chủ tại Hàn Quốc bị cách chức. Tất cả 8 vị thẩm phán của Toà Bảo Hiến đều cho rằng tổng thống đã vi phạm Hiến Pháp khi để cho người bạn tâm giao Choi Soon Sil can dự vào việc nước.

Đây là một hành động vi phạm Hiến Pháp một cách « nghiêm trọng và không thể tha thứ » : Tổng thống đã phản bội niềm tin của dân chúng, theo kết luận của các thẩm phán. Bà Park Geun Hye bị tước hết quyền lực, phải tức khắc rời phủ tổng thống, mất quyền « miễn trừ tư pháp» và do vậy, bà có thể bị luật pháp truy xét trong nay mai.

Park Geun Hye cũng bị tố cáo nhận hối lộ của các đại tập đoàn, doanh nghiệp. Khi phán quyết được loan báo, những người thuộc phe đối lập đang chờ trước trụ sở Toà Bảo Hiến bộc lộ niềm vui mừng trong khi những người ủng hộ bà, thuộc xu hướng bảo thủ, đồng hát quốc ca để bày tỏ phẫn nộ.

Vụ tai tiếng lớn này đã gây chia rẽ sâu rộng trong công luận Hàn Quốc. Những người chống truất phế tuyên bố họ không công nhận phán quyết. Vài người lên tiến đe dọa các vị thẩm phán. Vết thương này - đang làm xã hội Hàn Quốc lo ngại - cần phải được chữa trị.

Phán quyết của Toà Bảo Hiến cũng là tín hiệu khởi đầu chiến dịch vận động tranh cử. Theo Hiến Pháp, Hàn Quốc phải bầu một tổng thống mới trong vòng 60 ngày, tính từ hôm nay.»

Con gái tướng Park Chung Hy : Từ đỉnh cao danh vọng đến sụp đổ

Bà Park Guen Hye - 65 tuổi - từng là tổng thống đắc cử với số phiếu cao nhất, kể từ khi Hàn Quốc bước vào kỷ nguyên dân chủ. Park Guen Hye vốn rất được lòng các cử tri cao tuổi Hàn Quốc ngưỡng mộ tướng Park Chung Hee, thân phụ của bà. Đối với nhiều người Hàn Quốc, ông Park Chung Hee là người có công đưa quốc gia này thoát khỏi tình trạng kiệt quệ về sau chiến tranh, đặt nền tảng cho kinh tế Hàn Quốc cất cánh, cho dù trong thời kỳ nắm quyền (1961-1979), tướng Park bị cáo buộc là thủ phạm của rất nhiều vụ xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Sự nghiệp của tổng thống vừa bị phế truất gắn liền với thế lực, nhưng đồng thời cũng với cả bi kịch của gia đình. Tướng Park Chung Hee bị ám sát năm 1979, trước đó 5 năm, mẹ của bà Park bị một người Triều Tiên sát hại, mà nhiều người cho rằng theo lệnh của Bình Nhưỡng. Sau cái chết của mẹ, Park Guen Hye - lúc đó đang là sinh viên tại Pháp - phải trở về nước, để thay mẹ đảm nhiệm vai trò đệ nhất phu nhân, cho đến khi Park Chung Hee bị giết. Ký ức về mẹ của bà Park, một phụ nữ được đánh giá là « đức hạnh » theo quan điểm truyền thống, giúp cho Park Guen Hye giành được nhiều cảm mến của cử tri.

Suốt 20 năm sau khi cha chết, Park Guen Hye sống ẩn dật. Vào năm 1998, đúng vào lúc Hàn Quốc nằm trong tâm bão của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, bà đắc cử nghị sĩ. Chưa bao giờ lập gia đình và gần như cắt hẳn quan hệ với anh chị em, con gái của tổng thống Park Chung Hee đã trở thành một nhân vật chính trị rất có uy tín tại Hàn Quốc, nơi các quan hệ mờ ám giữa giới cầm quyền và các tập đoàn kinh tế là rất phổ biến. Park Guen Hye từng nói : « Tôi không có con. Hàn Quốc là gia đình tôi ».

Uy tín của Park Guen Hye đã tan tành mây khói, với vụ bê bối « quân sư » Choi Soon Sil, một pháp sư và cũng là người bạn thân tín. Tổng thống Hàn Quốc bị Tòa Bảo Hiến kết tội « lạm dụng quyền lực », « xâm phạm nền dân chủ đại diện và nhà nước pháp quyền » và « xâm phạm sở hữu tư nhân », dưới ảnh hưởng của « pháp sư » Choi Soon Sil.

« Đã đến lúc chia tay với quá khứ »

Thực ra, đã có nhiều thông tin về việc ngay từ khi còn trẻ bà Park Guen Hye đã bị chính Choi Tae Min, người cha của Choi Soon Sil chi phối hoàn toàn. Choi Taa Min, người thân thiết với gia đình tướng Park Chung Hee, vốn là nhà sư, sau trở thành người sáng lập một giáo phái có uy lực thời đó. Theo một nguồn tin ngoại giao Mỹ, được Wikileask tiết lộ, Choi Taa Min được mệnh danh là « Rasputin Hàn Quốc » (Rasputin, một nhân vật huyền bí đầy thế lực, được coi là có những ảnh hưởng « đen tối » tới Sa Hoàng đầu thế kỷ XX).

Cho đến khi chính thức bị phế truất, nguyên tổng thống Hàn Quốc đã nhiều lần vừa khóc, vừa gửi lời xin lỗi đến người dân Hàn Quốc, thanh minh là bà « đã mất cảnh giác » trước Choi Soon Sil, bởi phải sống trong tình trạng hết sức « đơn độc », và Choi Soon Sil đã có mặt bên bà « vào những thời khắc đen tối nhất ».

Tuy nhiên, vụ bê bối Choi Soon Sil - Park Guen Hye đã phơi bày ra ánh sáng những quan hệ vô cùng mờ ám giữa giới cầm quyền và giới tài phiệt tại Hàn Quốc. Nghị sĩ Chun Yu Ok, nguyên là một cộng sự của cựu tổng thống, nhận xét : Thay vì phát huy trí thông minh và lòng quyết tâm phát triển kinh tế của người cha, bà Park Guen Hye đã thừa kế nhiều tính cách rất xấu của Park Chung Hee. Đó là « ám ảnh quyền lực… và thái độ cự tuyệt phê bình ».

Theo ông, sự sụp đổ của Park Guen Hye « nhắc với mọi người dân Hàn Quốc rằng đã đến lúc phải chia tay với quá khứ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.