Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - MALAYSIA

Vụ Kim Jong Nam: Dùng chất độc VX để ám sát, Bắc Triều Tiên gây lo ngại

Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên bị ám sát bằng VX, được Liên Hiệp Quốc xếp vào loại vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt, theo kết luận của cảnh sát Malaysia, công bố ngày 24/02/2017. Qua hành động phi pháp này, thực hiện ở chỗ đông người, tại một quốc gia có chủ quyền, Bình Nhưỡng biến thành mối đe dọa trong khu vực.

Hình ảnh từ camera theo dõi cho thấy một nhân viên an ninh đưa người đàn ông, được cho là Kim Jong Nam, vào "Phòng y tế" ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia.
Hình ảnh từ camera theo dõi cho thấy một nhân viên an ninh đưa người đàn ông, được cho là Kim Jong Nam, vào "Phòng y tế" ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia. FUJITV/via Reuters TV
Quảng cáo

Kết quả giảo nghiệm tử thi và xét nghiệm độc chất trên thi hài Kim Jong Nam cùng với hình ảnh do các camera theo dõi an ninh ở phi trường quốc tế Kuala Lumpur khi xảy ra vụ án, có thể xem là bản dự thảo cáo trạng buộc tội chính quyền Bắc Triều Tiên.

Hóa chất sử dụng thuộc loại gây tê liệt trung khu thần kinh và cơ bắp có tên là VX, mạnh gấp 10 lần hơi ngạt sarin, được tìm thấy trên mặt và trong mắt nạn nhân. VX là một chất lỏng không mùi, không làm đau, không nguy hiểm nếu chạm vào bàn tay nhưng sẽ gây tử vong trong vài phút nếu chạm vào mặt và mắt.

Đoạn phim của máy camera thu ở hiện trường cho thấy rõ ông Kim Jong Nam bị hai phụ nữ áp sát từ phía sau, xịt vào mặt một loại chất lỏng. Một bàn tay chụp vào mặt nạn nhân và sau đó một trong hai phụ nữ đi về hướng phòng vệ sinh, hai bàn tay đưa ra phía trước trong tư thế an toàn. Theo chỉ huy trưởng cảnh sát quốc gia Malaysia Khalid Abu Bakak, những động thái này chứng tỏ hai phụ nữ, một người Việt và một người Indonesia, biết rõ họ giết người bằng chất độc và biết cách tự bảo vệ không để nhiễm độc.

Ngoài hai phụ nữ nghi can người Đông Nam Á này, cảnh sát Malaysia còn xác định được 8 nghi can khác, tất cả đều là công dân Bắc Triều Tiên, trong đó có bí thư thứ hai của sứ quán Bắc Triều Tiên Hyon Kwang Song mà truyền thông Hàn Quốc xem là « kẻ giám sát và báo cáo công tác ». Bốn nghi can « chỉ huy tại hiện trường » đã bay về Bình Nhưỡng.

Vụ anh trai của lãnh đạo Bắc Triều Tiên bị giết ngay ở phi trường quốc tế Kuala Lumpur sẽ dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng cho chế độ Kim Jong Un.

Chất độc được sử dụng, nơi chốn sử dụng và nhân sự liên hệ là vòng vây siết chặt chế độ khép kín này. Cho dù Kim Jong Un là nhà độc tài, đích thân ra lệnh thanh toán anh trai, như Seoul tố cáo, hay chỉ là con rối của một nhóm « nhiếp chính » ẩn mặt sau hậu trường, thì vụ án này cũng không dừng lại ở đây và Bình Nhưỡng không thể lấp liếm vì nhiều lý do :

- tích trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt vi phạm Công Ước Quốc Tế Cấm Vũ Khí Hóa Học,

- chuyển phương tiện giết người một cách trái phép hay giấu trong « va-ly ngoại giao » đưa vào Malaysia, một quốc gia bạn, 

- lợi dụng miễn trừ nhập cảnh để đưa sát thủ thi hành tội ác tại nước bạn,

- phun hóa chất hủy diệt hàng loạt tại nơi công cộng bất chấp sinh mạng của du khách.

Nhà phân tích an ninh quốc phòng Hàn Quốc Lee Il Woo cho biết, Bắc Triều Tiên có một kho hóa chất VX quan trọng vì chế tạo không tốn kém.

Từ Singapore, ông Rohan Gunaratna, một chuyên gia có tiếng tăm nghiên cứu về khủng bố và bạo lực chính trị trong khu vực cũng xác nhận thông tin trên và cho biết chính quyền Bắc Triều Tiên nhiều lần chuyển hàng lậu bằng « va-ly ngoại giao » để tránh bị hải quan khám xét. Rất có thể chất VX cũng được đưa vào Malaysia theo lối này. Song song với các hoạt động kinh tài là hoạt động gián điệp. Theo chuyên gia Rohan Gunaratna, tình báo Bắc Triều Tiên rất năng nổ ở ba nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Từ nay, Bình Nhưỡng trở thành « mối đe dọa cho Đông Nam Á ».

Mười ngày sau vụ án mạng, Malaysia đoan chắc chế độ Bắc Triều Tiên là nghi phạm duy nhất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.