Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - BẮC HÀN

Kim Jong Nam chết bí ẩn và quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng

Người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un bị ám hại tại sân bay Kuala Lumpur ngày 14/02/2017. Hàn Quốc và Hoa Kỳ nghiêng về khả năng ông Kim Jong Nam là nạn nhân của Bình Nhưỡng. Cảnh sát Malaysia đang tiến hành điều tra. Dù ai là thủ phạm, cái chết của Kim Jong Nam cũng là một nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Cho đến nay, trong lúc chính quyền Trung Quốc đã gần như im lặng về vụ Kim Jong Nam, trong công luận có nhiều giả thuyết rất khác nhau về mối liên quan giữa cái chết bí hiểm này với quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Chân dung ông Kim Jong Nam.
Chân dung ông Kim Jong Nam. Ảnh chụp màn hình
Quảng cáo

Hãng thông tấn Mỹ UPI ngày 17/02, dẫn lại báo Nhật Asahi Shimbun, theo đó, ngay ngày thứ Tư tuần trước chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu báo chí không được đưa cái chết của Kim Jong Nam trở thành tin thời sự ưu tiên. Các bài viết tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của Kim Jong Nam hay những câu chuyện quá khứ về dòng họ nhà Kim, hay các chương trình trực tiếp từ Malaysia bình luận về vấn đề này bị cấm tại Trung Quốc.

Một nhà báo Trung Quốc xin ẩn danh, nói với Asahi, là mối lo ngại lớn của Bắc Kinh là câu chuyện này có thể khuấy động công luận Trung Quốc, kích động lập trường cắt đứt quan hệ với Bắc Triều Tiên. Nhà báo nói trên nhấn mạnh : « Trong tình trạng hiện nay, mọi tuyên bố của chính quyền về cái chết của Kim Jong Nam chỉ có thể khiến tình hình nghiêm trọng hơn ».

Tin đồn Trung Quốc cấm nhập than để trả đũa

Bản tin của UPI dẫn lời một số chuyên gia, theo đó, vụ Bình Nhưỡng thử tên lửa hôm Chủ nhật, 12/02, ít tác động đến Bắc Kinh hơn là vụ Kim Jong Nam bị ám hại. Đây là quan điểm của ông Paul Haenle. Theo cựu cố vấn của hai đời tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama, Kim Jong Nam là « người ủng hộ một cuộc cải cách kinh tế theo kiểu Trung Quốc » tại Bắc Triều Tiên, và cũng được coi là « một người có uy tín trong dòng họ nhà Kim ».

Có nhiều đồn đoán cho rằng quyết định cấm nhập khẩu than từ Bắc Triều Tiên trong năm 2017, mà Bắc Kinh thông báo ngày 18/02, chính là một cảnh báo mạnh mẽ nhắm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, báo chí chính thức của Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ tin đồn này.

Còn mạng South China Morning Post ngày thứ Hai 20/02, có bài « Trung Quốc có thể định hướng câu chuyện dài bí ẩn về vụ sát hại Kim Jong Nam » cho biết kể từ thứ Ba tuần trước đến lúc đó, chính quyền Trung Quốc mới chỉ có một tuyên bố dè dặt về vấn đề này, trong khi một nguồn tin ngoại giao cho biết chính quyền Trung Quốc không muốn đưa ra những bình luận quá sớm về chuyện này, Bắc Kinh có thể cho rằng đây là « công việc nội bộ của Bắc Triều Tiên và không có ý định can thiệp ».

South China Morning Post nhấn mạnh là, nhiều nguồn tin từ Bắc Kinh khẳng định ông Kim Jong Nam thực ra không phải là một nhân vật quan trọng như nhiều người vẫn tưởng, «ở Bắc Triều Tiên, không ai biết Kim Jong Nam là ai, và ông ta cũng không hề có hậu thuẫn tại Bình Nhưỡng » . Theo ông Sun Xingjie, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Jilin (Cát Lâm), cơ hội của Kim Jong Nam « trở về nắm quyền tại Bình Nhưỡng là nhỏ ». South China Morning Post nhấn mạnh là điều chủ yếu khiến Bắc Kinh lo ngại trong vấn đề Bắc Triều Tiên là chương trình tên lửa hạt nhân.

Bắc Kinh bỏ rơi Kim Jong Nam ?

Trong khi nhiều giả thuyết về cái chết của Kim Jong Nam thiên về bàn tay của chế độ Bình Nhưỡng, báo Sankei Shimbun, một trong những nhật báo phổ thông tại Nhật Bản, đưa ra một góc nhìn hoàn toàn khác qua bài « Phải chăng Trung Quốc bỏ rơi Kim Jong Nam ? ».

Theo phóng viên Akio Yatia, Kim Jong Nam vốn là một « lá bài ngoại giao quan trọng » của Trung Quốc trong quan hệ với Bắc Triều Tiên. Thời Kim Jong Il, cha của hai anh em nhà Kim còn sống, Kim Jong Nam đã được sử dụng như một « con tin », có thể được đưa ra để mặc cả trong trường hợp quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, hay một giải pháp trong trường hợp thay đổi chế độ. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy, Kim Jong Nam cũng trở thành một trong những lý do khiến quan hệ giữa Trung Quốc và đàn em Đông Bắc Á, dưới chế độ Kim Jong Un, trở nên xấu đi.

Giả thuyết về việc Kim Jong Nam bị Trung Quốc bỏ rơi được Sankei Shimbun nhấn mạnh trên cơ sở so sánh mức độ bảo vệ an ninh mà chính quyền Trung Quốc dành cho người con của cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il. Theo an ninh Hàn Quốc, thông thường, trong các chuyến đi tại Singapore, Malaysia hay bất cứ đâu tại Đông Nam Á, ông Jong Nam và gia đình cũng được an ninh Trung Quốc theo sát hộ tống. Tuy nhiên, lần này, theo các hình ảnh chụp bên trong sân bay vào thời điểm xảy ra vụ ám sát, được truyền thông Malaysia công bố, thì không có dấu hiệu gì cho thấy lực lượng an ninh Trung Quốc hộ tống Kim Jong Nam.

Câu hỏi đặt ra là : phải chăng an ninh Trung Quốc không tiếp tục theo sát người anh của lãnh đạo Bắc Triều Tiên vì nhân vật này không còn cần thiết được bảo vệ ?

Tác giả bài báo cho hay, một chuyên gia Trung Quốc về Bắc Triều Tiên trong cuộc phỏng vấn tại Bắc Kinh, khẳng định : « Có hai cản trở cho việc Kim Jong Un công du Bắc Kinh », thứ nhất là Bắc Triều Tiên phải tạm thời ngưng các vụ thử tên lửa và hạt nhân, và thứ hai là Kim Jong Nam phải biến mất.

Các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên là nguyên nhân trực tiếp khiến Hoa Kỳ quyết định triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa tại Hàn Quốc, mà đây là điều mà Bắc Kinh coi là một thách thức rất lớn. Trong khi đó, trong những tuần gần đây, Washington cũng liên tục kêu gọi chính quyền Trung Quốc « khởi động » lại quan hệ với chế độ Bình Nhưỡng, với hy vọng làm thay đổi kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của quốc gia cô lập nhất thế giới này.

Vụ sát hại Kim Jong Nam xảy ra đúng vào thời điểm tân chính quyền Mỹ và Bắc Kinh khởi động lại thương lượng về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Vụ ám sát Kim Jong Nam xảy ra đúng vào thời điểm này, phải chăng đây là một trùng hợp ngẫu nhiên ?

***

Báo Nhật Sankei Shimbun kết luận, « nếu cuối cùng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un có chuyến công du Trung Quốc vào cuối năm nay, thì chúng ta sẽ có một chỉ dấu. » Điều này có nghĩa là giả thuyết Kim Jong Nam là một vật cản trong quan hệ giữa Bắc Kinh và chế độ Kim Jong Un rất có thể là sự thực.

Việc bảo vệ an ninh của Trung Quốc dành cho Kim Jong Nam bị lơi lỏng cũng là điều được nhắc đến trong bài « Vụ sát hại Kim Jong Nam có ý nghĩa gì với Trung Quốc », được The Diplomat đăng tải ngày 17/02. Giáo sư chính trị học Robert Kelly, Đại học Pusan Hàn Quốc, đặt câu hỏi : phải chăng qua việc này Bắc Kinh muốn thể hiện là « Trung Quốc từ bỏ » việc sử dụng Kim Jong Nam như một lá bài trong quan hệ với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh là « hiện tại chúng ta chưa biết điều này hàm nghĩa gì ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.