Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẮC TRIỀU TIÊN

Trump có rất ít lựa chọn trước thách thức tên lửa Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên thử tên lửa lần đầu tiên kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Vụ thử xảy ra ngay sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố liên minh với Nhật Bản là « trụ cột của hòa bình và ổn định trong vùng », ngày 11/02/2017, nhân chuyến công du Hoa Kỳ của ông Shinzo Abe.

Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa Pukguksong-2. (Ảnh KCNA công bố ngày  13/02/2017)
Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa Pukguksong-2. (Ảnh KCNA công bố ngày 13/02/2017) KCNA/Handout via Reuters
Quảng cáo

Những phản ứng đầu tiên của ông Trump về vụ Bình Nhưỡng thử tên lửa được đánh giá là hết sức chừng mực. Theo các nhà quan sát, chính quyền Trump dường như không có nhiều lựa chọn trước Bắc Triều Tiên, vốn coi sở hữu vũ khí hạt nhân như điều kiện sống còn của chế độ, và trong lúc Trung Quốc không từ bỏ các hậu thuẫn dành cho đồng minh Đông Bắc Á.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trước các nhà báo tại Florida, với sự có mặt của thủ tướng Nhật Shinzo Abe : « Tôi chỉ muốn tất cả mọi người biết và hiểu thực sự rằng Hoa Kỳ đứng sau Nhật Bản 100% ». Giới chuyên gia so sánh với tuyên bố của ông Trump sau khi Iran thử tên lửa mới đây. Lần này, tổng thống Mỹ nói hết sức ngắn gọn, không hề trực tiếp nhắc đến Bình Nhưỡng, khác hẳn với trường hợp Teheran. Chính quyền Mỹ nhìn chung rất kiệm lời trước thách thức mới từ Bắc Triều Tiên.

Bà Bonnie Glaser, giám đốc dự án China Power, thuộc CISI – Trung Tâm Chiến Lược và Quốc Tế, một viện tư vấn có trụ sở tại Washington, được Reuters trích dẫn,cho rằng « các lựa chọn của ông Trump là rất giới hạn », cho dù trong quá trình tranh cử tổng thống, Donald Trump tuyên bố sẽ cứng rắn hơn với chế độ Bắc Triều Tiên.

Theo một giới chức chính quyền Mỹ, các chính sách với Bình Nhưỡng của tân tổng thống sẽ không khác biệt đáng kể với cuốn cẩm nang ứng xử, đã được hoạch định dưới thời Barack Obama. Chiến lược gia tăng trừng phạt, đồng thời mở cửa cho Bắc Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán sáu bên, trên thực tế đã không làm thay đổi được quyết tâm sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng, có khả năng tấn công Hoa Kỳ.

Vẫn theo Reuters, các cộng sự của tổng thống Mỹ tuyên bố Washington sẽ hoạch định một chiến lược cứng rắn hơn chính sách thời Obama, vốn được mệnh danh là « sự kiên nhẫn về chiến lược ». Một quan chức Hoa Kỳ xin ẩn danh cho biết là chính quyền Trump đang chờ đợi Bình Nhưỡng « khiêu khích » như thế nào và sẽ xem xét một loạt các biện pháp đối phó. Nhìn chung các hành động cũng vẫn sẽ vừa đủ ở mức thể hiện là Mỹ rất cương quyết, nhưng tránh mọi động thái khiến căng thẳng leo thang.

Cụ thể là, để răn đe Bình Nhưỡng, Mỹ có thể tiếp tục xiết chặt các kiểm soát về tài chính theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, tăng cường hiện diện của hải quân và không quân, gia tăng tập trận phối hợp xung quanh vùng biển Triều Tiên, đẩy nhanh quá trình triển khai hệ thống lá chắn tên lửa mới THAAD tại Hàn Quốc, không kể đến việc tăng cường sức mạnh quân sự nói chung.

Chính quyền Trump vừa nhậm chức đang lúng túng trong hàng loạt vấn đề quốc tế. Tân ngoại trưởng Rex Tillerson mới tuyên thệ nhậm chức ngày 01/02, hiện chưa có người phó, cũng như một ê kíp cố vấn thực thụ. Một số người không loại trừ khả năng tổng thống Trump sẽ một lần nữa sử dụng Twitter để thể hiện lập trường mạnh mẽ làm bình phong, vào lúc chiến lược mới với Bắc Triều Tiên đang trong giai đoạn xây dựng.

Trung Quốc là một ẩn số chủ yếu trong vấn đề Bắc Triều Tiên. Rất nhiều chính trị gia cho rằng Bắc Kinh có vai trò quyết định trong các chính sách của cộng đồng quốc tế đối với Bình Nhưỡng, do mối quan hệ mật thiết về kinh tế và chính trị của Trung Quốc với đàn em Đông Bắc Á. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cũng giống như tiền nhiệm Obama, tân tổng thống Mỹ rất ít có khả năng thuyết phục được Bắc Kinh xiết chặt gọng kìm với Bình Nhưỡng hơn nữa, bởi Trung Quốc sợ các ảnh hưởng dây chuyền nếu chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ (do cấm vận hoặc do bán đảo Triều Tiên thống nhất). Câu hỏi đặt ra là : Liệu tân chính quyền Trump có tính đến việc gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các doanh nghiệp và cơ sở trợ giúp chương trình tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên, mà khá nhiều trong số đó nằm tại Trung Quốc ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.