Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - KHỦNG HOẢNG

Hàn Quốc: Chánh Tòa Bảo Hiến đòi sớm xét vụ truất phế tổng thống

Chánh Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc vào hôm nay 25/01/2017 đã kêu gọi các đồng nghiệp quyết định nhanh chóng về việc truất phế tổng thống Park Geun Hye. Vào cuối năm 2016, Quốc Hội đã bỏ phiếu truất phế tổng thống, nhưng còn phải chờ ý kiến Tòa Bảo Hiến. Định chế này có 180 ngày để xem xét.

Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc trong phiên điều trần về vụ phế truất tổng thống Park Geun-Hye, Seoul, ngày 05/01/2017
Tòa Bảo Hiến Hàn Quốc trong phiên điều trần về vụ phế truất tổng thống Park Geun-Hye, Seoul, ngày 05/01/2017 REUTERS
Quảng cáo

Chánh Tòa Bảo Hiến Park Han – Chul sẽ kết thúc nhiệm kỳ 6 năm vào tuần tới. Một thẩm phán khác cũng sẽ ra đi vào tháng 3. Hai người này sẽ không được thay thế trước khi một tổng thống mới được bầu lên, do đó Tòa Bảo Hiến chỉ còn lại 7 thẩm phán thay vì 9.

Với nguyên tắc là quyết định của Tòa phải được 2/3 thẩm phán thông qua, tức là 6 trên 9. Do Tòa chỉ còn 7 người, bà Park Geun Hye chỉ cần được hai thẩm phán ủng hộ là có thể giữ được chiếc ghế tổng thống.

Trước khả năng đó, ông Park Han-Chul cho rằng Tòa Bảo Hiến không nên đợi cho đến khi thẩm phán thứ 2 mãn nhiệm và rời Tòa ngày 13/03 mà phải nhanh chóng lấy quyết định. Nếu Tòa Bảo Hiến thông qua việc truất phế, thì cuộc bầu cử tổng thổng mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày sau.

Kinh tế bị ảnh hưởng

Cuộc khủng hoảng chính trị làm chao đảo Hàn Quốc đã tác động đến nền kinh tế. Theo Ngân Hàng Trung Ương Hàn Quốc, tăng trưởng quý tư 2016 đã giảm sụt, chỉ là 0,4%, so với 0,6% quý ba và 0,8% quý hai.

Nguyên nhân là tình trạng mua sắm, tiêu thụ của các hộ gia đình đã giảm tuột trong bối cảnh hiện nay. Ngành xây dựng cũng đình trệ, do đầu tư giảm sút. Ngân hàng Trung Ương Hàn Quốc dự kiến tăng trưởng năm 2017 sẽ là 2,5% thấp hơn tỷ lệ 2,7% của năm 2016.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.