Vào nội dung chính
MỸ - BIỂN ĐÔNG - TRUNG QUỐC

Biển Đông: Tuyên bố của Tillerson khiến Bắc Kinh căng thẳng

Biển Đông tiếp tục là một điểm nóng của thời sự quốc tế, đặc biệt sau phát biểu của ngoại trưởng Mỹ tương lai hôm 11/01/2017. Về vấn đề này báo Le Figaro có bài bình luận mang tựa đề : « Bắc Kinh nổi giận với ê kíp Trump », với nhận xét : « Chính quyền Trung Quốc căng thẳng sau các tuyên bố quyết liệt của tổng thống tân cử Mỹ và ngoại trưởng tương lai ».

Cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí ExxonMobil, ông Rex Tillerson, người được đề cử làm ngoại trưởng Mỹ. Ảnh chụp năm 2008 tại Texas.
Cựu chủ tịch tập đoàn dầu khí ExxonMobil, ông Rex Tillerson, người được đề cử làm ngoại trưởng Mỹ. Ảnh chụp năm 2008 tại Texas. REUTERS/Mike Stone/File Photo
Quảng cáo

Le Figaro cho biết, kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống đến nay, ở bên trong cơ quan đầu não Trung Nam Hải, các lãnh đạo Trung Quốc đã rất tức giận. Lần này, chỉ cách một tuần trước khi ông Trump chính thức nhậm chức, ê kíp lãnh đạo tương lai của nước Mỹ tiếp tục có thêm một động thái « nguy hiểm » mới nhắm vào Bắc Kinh.

Động thái quyết liệt mới của ngoại trưởng Mỹ, bác bỏ quyền của Trung Quốc kiểm soát nhiều đảo tại Trường Sa, xảy ra trong lúc căng thẳng vốn đã dâng cao trong quan hệ song phương, với việc ông Trump để ngỏ khả năng xem xét lại chính sách « một nước Trung Hoa », được coi là nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung kể từ năm 1979.

Ngay trong buổi ra mắt đầu tiên, ngoại trưởng tương lai Rex Tillerson đã tỏ ra « quyết liệt » với Trung Quốc còn hơn cả ông Trump, khi trực tiếp khẳng định các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp là phi pháp, cũng như toàn bộ các cơ sở hạ tầng và các phương tiện quân sự mà Trung Quốc bố trí tại đây nhằm khống chế vùng Biển Đông, mà Bắc Kinh nghiễm nhiên khẳng định chủ quyền, ngay cả sau khi bị Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ hồi năm 2016.

Ông Rex Tillerson cũng phê phán chiến lược Biển Đông của tổng thống mãn nhiệm Barack Obama, bị đánh giá là quá mềm yếu, và « tạo cớ để Trung Quốc gia tăng hiện diện tại vùng biển tranh chấp này ». Không dừng ở chỗ tiến hành các cuộc tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông, ngoại trưởng Mỹ tương lai còn đe dọa « trục xuất Trung Quốc » khỏi khu vực mà Bắc Kinh vẫn coi là « sân sau » này.

Ngoại trưởng tương lai Mỹ khiến Bắc Kinh thêm căng thẳng, vì Trung Quốc hiện không biết phía Mỹ sẽ hành động như thế nào, một khi ông Trump lên cầm quyền. Trong khi chờ đợi chính sách Biển Đông của tổng thống Mỹ tương lai, có thể « ôn hòa hơn », Bắc Kinh không dám lớn tiếng, mà « buộc phải phản ứng chừng mực ».

Còn theo Libération, ông Rex Tillerson cho biết tin tưởng Donald Trump sẽ ủng hộ các chính sách vừa được trình bày, trong đó có chính sách về Biển Đông nói trên, nhưng cũng khẳng định « đã không hề thảo luận với tổng thống tân cử Mỹ về chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong thời gian tới ».

Chủ nghĩa dân tộc trên mạng, con dao hai lưỡi

Cũng trong hồ sơ Trung Quốc, Le Figaro có bài : « Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trên mạng, một con dao hai lưỡi ». Kiểm soát chặt thế giới mạng, sẵn sàng ngăn chặn mọi ý kiến chỉ trích, nhưng Bắc Kinh cũng ngầm khuyến khích những thành phần dân tộc chủ nghĩa.

Không phản ứng rầm rộ trong các phát biểu chính thức, nhưng chính quyền Trung Quốc có hẳn một đội quân điện tử, sẵn sàng trả đũa bằng những cơn lũ bình luận đủ loại trên Facebook, hay các mạng xã hội khác. Nhiều người so sánh đội quân này với lực lượng Hồng Vệ Binh, thời Cách Mạng Văn Hóa, do những lời lẽ đầy bạo lực của các thành viên.

Nhà Hán học Jude Blanchette lưu ý, chính quyền Trung Quốc, trong khi sử dụng lực lượng này, cũng lo ngại là chủ nghĩa dân tộc được cổ vũ trên mạng, có thể biến thành hiện thực trên đường phố, tuột khỏi sự kiểm soát của chính quyền, như các cuộc biểu tình chống Nhật dữ dội năm 2012. Hiện tại, Bắc Kinh dường như kiểm soát được tình hình, các phản ứng dân tộc chủ nghĩa có lợi cho chính quyền chỉ được thể hiện trong thế giới « ảo ».

Sima Pingbang, một blogger có ảnh hưởng, với 2,5 triệu người theo trên mạng Weibo, khẳng định các thành phần dân tộc chủ nghĩa trên mạng không phải là « mối đe dọa với chính quyền ». Sima Pingpang cũng là tác giả một bình luận mới đây, chế giễu Donald Trump, kẻ đang học làm nghề tổng thống, « có cơ may tốt nghiệp trường mẫu giáo trong năm nay ».

Đế chế Trump và mối quan hệ mờ ám với Trung Quốc

Tổng thống tân cử Mỹ vừa có cuộc họp báo đầu tiên, hôm 11/01, để minh bạch với công chúng quyết định chia tay với các cơ sở kinh doanh trên toàn thế giới, nhằm bảo đảm không có « các xung đột lợi ích », một khi nhậm chức. Tờ báo nhận xét, bất chấp cuộc họp báo vừa qua, Donald Trump vẫn không thể trấn an được các nhà quan sát là sẽ không có các xung đột lợi ích tương lai, đe dọa việc thực thi trách nhiệm của tổng thống. Nhân dịp này, Le Monde dành một hồ sơ riêng, để giới thiệu với độc giả về các lợi ích chính của đế chế Trump Organization tại 12 quốc gia trên khắp thế giới, mà một phần tài sản chính nằm trong lĩnh vực bất động sản.

Quan hệ giữa nhà tài phiệt Donald Trump và Trung Quốc mang tính hai mặt. Trong một trả lời phỏng vấn Bloomberg hồi năm 2015, ông Trump tuyên bố : Về mặt kinh tế, Trung Quốc là « kẻ thù » của nước Mỹ. Nhưng chỉ hai ngày sau đó, một chủ tịch của nhóm Trump Hotel Collection đã bày tỏ ý định thiết lập một văn phòng đại diện tại Trung Quốc, để khuyếch trương ảnh hưởng của công ty. Giữa giới tài chính Trung Quốc và Trump có nhiều ràng buộc lợi ích, thậm chí những ràng buộc lợi ích mờ ám.

Đơn cử một vài ví dụ nhỏ như : Ngân Hàng Công nghiệp Thương Mại Trung Quốc là chủ thuê lớn nhất của Trump Tower, với tổng diện tích 11%. Gần một phần tư đầu tư cho tháp chung cư Trump Bay Street, ở New Jersay, là do nhiều người Trung Quốc giàu có đầu tư, theo chương trình EB-5. Đây là chương trình cho phép những người đầu tư hơn 500.000 đô la có quyền định cư lâu dài tại Mỹ.

Vẫn theo hồ sơ của Le Monde, Jared Kushner, người con rể của ông Trump sẽ được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt của Nhà Trắng, có những quan hệ làm ăn với công ty bảo hiểm Trung Quốc Anbang Insurence, một tổ chức bị ngân hàng Morgan Stanley từ chối cho vay tiền, có thể với lý do đây là một tổ chức « mờ ám ». Chủ tịch của công ty bảo hiểm nói trên, có vợ là cháu gái của Đặng Tiểu Bình, có quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Trump thích công ty bình phong 

Le Monde cho biết, trong bài « Donald Trump và sở thích công ty bình phong », theo các nhà quan sát, một không khí mờ ám bao trùm đế chế Trump, tuy nhiên, Donald Trump cũng là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên, kể từ Gerald Ford (năm 1976), từ chối không công khai bảng nộp thuế.

Ông Trump thường xuyên bác bỏ việc sử dụng « các thiên đường thuế » để kinh doanh, nhưng theo Le Monde, riêng tại Delaware, tiểu bang bờ đông Hoa Kỳ, được coi là một thiên đường thuế, chính Donald Trump đã đặt tới 378 công ty trong tổng số 515 công ty của đại tập đoàn Trump.

Mạng BuzzFeed « vô tình » giúp Trump ?

Bản báo cáo mật dài 35 trang của tình báo Mỹ về những bê bối của ông Trump tại Nga, có thể được chính quyền Nga sử dụng để khống chế tổng thống tương lai Mỹ là nội dung mà trang mạng BuzzFeed đăng tải, gây sóng gió ngay trước cuộc họp báo hôm 11/01. « BuzzFeed : Truyền thông bị chất vấn về đạo lý » là tựa bài bình luận trên Libération về sự việc này.

BuzzFeed là một trang mạng được thành lập năm 2006, được đánh giá là đã nhanh chóng nổi lên như một một trang thông tin « nghiêm túc », đăng tải nhiều tin nóng, điều tra, và có phóng viên hoạt động tại nhiều điểm nóng trên thế giới.

Theo Libération, việc công bố một tài liệu chưa được kiểm chứng, không được phân tích nói trên đã gây ra một cuộc tranh luận dữ dội trong ngành truyền thông, vấn đề « tính minh bạch » thông tin lại được nêu bật trở lại. Nếu như nhiều người cho rằng việc công bố trên là cần thiết, bởi tài liệu này đã được một bộ phận công chúng biết đến, và đây là lúc cần phải được công khai, thì nhiều nhà quan sát khác lại cho rằng, việc BuzzFeed công bố bản tài liệu được coi là mật nói trên đã bất ngờ mang lại cho ông Trump « một vũ khí rất hiệu quả », giúp ông ta dễ dàng tấn công vào uy tín của báo giới.

Libération kết luận với nhận xét của chủ tịch BuzzFeed, việc ông Trump coi mạng này là « một đống rác rưởi trên đà phân hủy » là « một lời khen », bởi cùng với mạng này, các báo nổi tiếng của nước Mỹ như New York Times, CNN hay Washington, tất cả đều bị tổng thống tân cử Mỹ mạt sát.

Chuyên gia về truyền thông của đại học Syracus (New York) nêu ra một điều trớ trêu, chính ông Trump là « người đầu tiên » « xây dựng sự nghiệp chính trị của mình » bằng cách tung ra các thông tin bịa đặt.

Đức : Tăng trưởng mạnh, nhưng đầu tư rụt rè

« Nước Đức một năm thu hoạch tốt, nhưng đứng trước nhiều thách thức » là hàng tựa của phụ trương kinh tế báo Le Monde, về nền kinh tế được coi là năng động hàng đầu châu Âu.

Theo Le Monde, Đức đã đạt được tỉ lệ tăng trưởng là 1,9% trong năm 2016, đúng như nhiều dự kiến của chuyên gia. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2011. Một trong những dấu hiệu của sức mạnh kinh tế của nước Đức là giá trị bất động sản tăng vọt, cùng với quá trình đô thị hóa gia tăng.

Lương bổng tại Đức nhìn chung tăng cao, ngay cả sau khi Đức thiết lập mức lương tối thiểu vào năm 2015. Thất nghiệp ở mức thấp nhất kể từ khi Đức tái thống nhất, và số dân cư có việc làm đạt mức cao nhất là 43,7 triệu người. Năm 2017, Đức dự kiến sẽ có thêm 500 nghìn việc làm mới.

Tuy nhiên, theo một số cơ sở nghiên cứu, vấn đề của nước Đức hiện nay chính là khả năng đầu tư cho tương lai. Tiền nước Đức không thiếu, vấn đề là sử dụng tiền như thế nào. Việc đầu tư cho tương lai một phần gặp trở ngại do một bộ phận giới về hưu quan tâm nhiều hơn đến việc tôn trọng nguyên tắc cân bằng ngân sách, và giảm nợ, mà đây lại là bộ phận cử tri có ảnh hưởng rất mạnh.

Theo một cuộc điều tra của Viện ZEW, cho thấy nước Đức đang mất dần khả năng cạnh tranh tại châu Âu. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng và giáo dục tại Đức bị phê phán là yếu kém. Cơ Quan Hợp Tác và Phát triển Châu Âu OCDE đưa ra một chẩn đoán nghiêm khắc hơn, theo đó, cho dù sức khỏe kinh tế của Đức là khả quan, quốc gia Tây Âu này phải tiến hành các cải cách, đặc biệt về thuế.

Theo chuyên gia của Natixis, nước Đức hiện tại đang « ăn lạm vào các thành quả của thời cựu thủ tướng Schroider ».

Tranh cử tổng thống Pháp : Tranh luận vòng một đảng Xã Hội

Cuộc tranh luận đầu tiên trong số ba cuộc tranh luận của vòng bầu cử sơ bộ đảng Xã Hội Pháp, để chọn ứng cử viên tổng thống, diễn ra tối qua, là một chủ đề chính của báo chí Pháp. Báo thiên hữu Le Figaro nhận xét cuộc tranh luận hôm qua là « tẻ nhạt », do các ứng cử viên Xã Hội « đang trong tình trạng hết hơi » tiến hành.

Theo Les Echos, bảy ứng cử viên tham gia tự giới hạn trong việc trình bày quan điểm và không sa vào tranh luận. Thu nhập tối thiểu cho tất cả các công dân, thường gọi « thu nhập phổ quát » là trung tâm của các thảo luận về vấn đề kinh tế. Báo thiên tả Libération dành nhiều trang để giới thiệu đề xuất của ứng cử viên Benoit Hamon, một đề xuất bị hầu hết các ứng viên khác phản đối.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.