Vào nội dung chính
HẠT NHÂN BẮC TRIỀU TIÊN

Seoul: Bình Nhưỡng có đủ plutonium để làm 10 quả bom nguyên tử

Chính quyền Hàn Quốc ngày 11/01/2017 đánh giá là Bình Nhưỡng có đủ chất plutonium để chế tạo 10 quả bom hạt nhân. Thẩm định này được đưa ra 10 ngày sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo sắp thử tên lửa liên lục địa. Hoa Kỳ cho biết sẽ không nhất thiết phải bắn hạ tên lửa Bắc Triều Tiên trừ phi đó là một hiểm nguy đối với lãnh thổ Mỹ.

Ảnh minh họa : Bình Nhưởng từng bắn thử hỏa tiễn đạn đạo ngày 06/09/2016.
Ảnh minh họa : Bình Nhưởng từng bắn thử hỏa tiễn đạn đạo ngày 06/09/2016.
Quảng cáo

Trong một bản bản báo cáo định kỳ, Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc khẳng định là Bắc Triều Tiên vào cuối năm 2016 đã nắm trong tay có thể là 50 kg plutonium có « chất lượng quân sự », đủ để chế tạo 10 quả bom nguyên tử. Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc còn cho là Bình Nhưỡng có khả năng « rất lớn » là sản xuất bom sử dụng chất uranium được làm giàu.

Các chuyên gia có những đánh giá khác nhau về tiến bộ của chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, nhưng tất cả đồng ý trên một điểm là Bình Nhưỡng đã có bước tiến rất quan trọng từ ngày Kim Jong Un lên cầm quyền từ tháng 12/2011 sau cái chết của Kim Jong Il.

Tháng Sáu 2016 vừa qua, Viện Khoa Học và An Ninh ISIS, ở Washington đã đánh giá Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất 21 quả bom, cả bom uranium lẫn bom plutonium. Năm 2014, ước tính của viện này chỉ là từ 10 đến 16 quả.

Theo bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã tăng được lượng plutonium sản xuất nhờ cho chạy lại lò phản ứng hạt nhân 5 megawatt ở Yongbyon, bị đóng cửa vào năm 2007 trong khuôn khổ thỏa thuận phi hạt nhân hóa đánh đổi trợ giúp nhân đạo.

Nhưng Bắc Triều Tiên đã cho sửa sang trung tâm này sau lần thử hạt nhân thứ 3 năm 2013.

Dù đã có bom nguyên tử, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng còn phải gia tăng gấp đôi công sức trong năm 2017 mới hy vọng đạt mục tiêu bắn hỏa tiễn với đầu đạn hạt nhân sang lãnh thổ Mỹ.

Hoa Kỳ: Không nhất thiết phải bắn hạ hỏa tiễn Bắc Triều Tiên

Hoa Kỳ sẽ không nhất thiết phải bắn hạ tên lửa mà Bắc Triều Tiên thông báo muốn bắn thử, trừ phi hỏa tiễn đó cho thấy là một mối hiểm nguy đối với lãnh thổ Mỹ. Lãnh đạo Lầu Năm Góc đã nói như trên, ngày10/01.

Trong cuộc họp báo « từ biệt » tại Lầu Năm Góc, bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter giải thích : « Nếu hỏa tiễn đe dọa (nước Mỹ) thì sẽ bị ngăn chận, bằng không thì sẽ không nhất thiết phải làm ».

Hoa Kỳ có thể để cho hỏa tiễn Bắc Triều Tiên đi hết hành trình « để tiết kiệm tên lửa đánh chặn của Mỹ và cũng để có thêm thông tin về hành trình của tên lửa Bắc Triều Tiên ».

Theo giới quan sát, Bắc Triều Tiên có khả năng trở thành thách thức đầu tiên đối chính quyền mới ở Nhà Trắng.

Ông Donald Trump tuần qua trên Twitter đã cho hiểu là Hoa Kỳ sẽ ngăn chận không để Bình Nhưỡng trang bị loại hỏa tiễn này nhưng không tiết lộ sẽ ngăn chận bằng cách nào.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.