Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - NHẬT BẢN

Chiến đấu cơ Trung Quốc lại bay ngang eo biển nam Nhật Bản

Bộ Quốc Phòng Nhật Bản vừa xác nhận : Không Quân Trung Quốc vừa cho chiến đấu cơ và oanh tạc cơ bay ngang một eo biển trọng yếu ở miền nam Nhật Bản để ra Thái Bình Dương, buộc Tokyo phải điều máy bay chiến đấu đến nơi sẵn sàng can thiệp. Vụ việc xẩy ra hôm 25/11/2016, nhưng đến hôm 28/11 mới được tờ Japan Times loan báo.

Chiến đấu cơ Trung Quốc biểu diễn nhân ngày Quốc khánh. Ảnh tư liệu 7/09/2009.
Chiến đấu cơ Trung Quốc biểu diễn nhân ngày Quốc khánh. Ảnh tư liệu 7/09/2009. STR / AFP
Quảng cáo

Theo nguồn tin trên, đã có tổng cộng 6 chiếc máy bay Trung Quốc bay ngang eo biển nằm giữa hai đảo Okinawa và Miyako. Bộ Quốc Phòng Nhật Bản ghi nhận hai oanh tạc cơ chiến lược H-6 và hai chiếc phi cơ do thám bay theo hướng tây-bắc, từ Thái Bình Dương đến Biển Hoa Đông, và hai chiến đấu cơ Su-30 bay theo chiều ngược lại, nhưng khi đến gần eo biển Miyako, các máy bay này đã quay đầu đi theo hướng của bốn phi cơ kia bay đến Biển Hoa Đông.

Mặc dù phi cơ Trung Quốc chỉ bay trên không phận quốc tế, không vi phạm không phận Nhật Bản, tuy nhiên Tokyo đã cho tiêm kích cất cánh để sẵn sàng ứng chiến, vì khu vực chiến đấu cơ Trung Quốc bay ngang là một vùng nhạy cảm về mặt chính trị.

Đây là lần thứ hai từ tháng 9 mà Không Quân Trung Quốc cho phi cơ bay ngang vùng này. Lần trước Trung Quốc đã huy động một nhóm gồm ít nhất 8 phi cơ.

Theo các nhà quan sát, động thái của Trung Quốc rõ ràng mang tính chất thị uy, trong bối cảnh vào đúng hôm 26/11, Trung Quốc và Nhật Bản tiến hành vòng đàm phán thứ 6 – từng bị đình hoãn - về cơ chế liên lạc trên biển nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ giữa máy bay và tàu thuyền của hai nước.

Việc áp dụng các cơ chế này đã bị tạm dừng kể từ khi Nhật Bản mặc nhiên quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông vào năm 2012. Đây là quần đảo do Nhật Bản kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.

Giữa tháng 9 vừa qua, Không Quân Trung Quốc cho biết sẽ « thường xuyên » tiến hành các cuộc tập trận bay qua khu vực chiến lược gọi là « chuỗi đảo thứ nhất » - cửa ngõ vào Thái Bình Dương từ phía tây, bao gồm quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và Đài Loan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.