Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG - QUÂN SỰ

Bí mật về những con đường ngầm dưới Biển Đông

« Những con đường ngầm dưới Biển Đông » ẩn chứa đầy « bí ẩn » là nhận định của phóng viên Igor Gauquelin, đăng trên trang mạng Asialyst, ngày 20/10/2016. Tác giả dẫn phân tích của một số chuyên gia Pháp khẳng định những tranh chấp tranh lãnh hải tại đây chỉ là những « cãi cọ vặt vãnh ». Trên thực tế, sự thật nằm sâu dưới lòng Biển Đông, và có liên quan đến những thiết bị quân sự đang được cất giấu ở đó, tức những chiếc tầu ngầm. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

Tầu ngầm USS George Washington (SSBN-598) của Hoa Kỳ.
Tầu ngầm USS George Washington (SSBN-598) của Hoa Kỳ. (@wikipedia.com)
Quảng cáo

Tác giả trích dẫn các phân tích của hai nhà nghiên cứu Pháp. Một người là tướng Daniel Schaeffer, từng là tùy viên quân sự Pháp tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc, hiện là cố vấn chiến lược doanh nghiệp về Trung Quốc và Việt Nam và là thành viên hội cố vấn về châu Á. Người thứ hai là nhà địa lý học François-Xavier Bonnet, nghiên cứu tại Manila, cộng tác viên của Viện Nghiên cứu về Đông Nam Á đương đại (IRASEC).

Cả hai ông cho rằng tranh giành quyền kiểm soát đánh bắt thủy hải sản và chiếm hữu nguồn dầu khí được cho là dồi dào chỉ là những nguyên do thứ yếu. Bởi vì cho đến lúc này, người ta vẫn chưa bao giờ chứng minh được về trữ lượng dầu khí tại đây. Theo hai chuyên gia, những tham vọng và các nước đi cụ thể của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, xung quanh bãi cạn Scarborough hay tại những vùng bãi đá ngầm bí ẩn thuộc dải Macclesfield là thuần tính chất quân sự.

Các nghiên cứu của hai ông đưa ra hai cách nhìn bổ sung cho nhau về mặt địa chất, để rồi từ đó đi đến cùng một kết luận : Không những Trung Quốc muốn độc quyền kiểm soát lưu thông trên Biển Đông, mà còn muốn là cường quốc duy nhất có quyền tự do đi lại bằng tầu chiến và cụ thể hơn là bằng tầu ngầm phóng tên lửa SNLE, vũ khí răn đe hạt nhân tối tân nhất.

Ngay từ năm 2010, tướng Daniel Schaeffer đã viết : Bắc Kinh « muốn là chỉ có hải quân nước này mới có thể thao diễn an toàn trên biển và sâu dưới nước, mà không muốn cho bất kỳ tàu chiến nước ngoài nào đến lưu thông tại đây mà không có sự đồng thuận của Trung Quốc và không áp dụng các luật lệ hàng hải của chính nước này. Chính vì lý do này, mà nếu một ngày nào Trung Quốc buộc phải từ bỏ yêu sách ‘đường chín đoạn’ dưới áp lực quốc tế, Bắc Kinh đã sắp xếp một giải pháp thoái lui bằng cách tạo ra những đường cơ bản ngay xung quanh những quần đảo trên Biển Đông ».

Hành lang tầu ngầm « bí mật » ngay giữa lòng Trường Sa

Nghiên cứu của hai nhà khoa học dựa trên một định đề : Ngay giữa lòng Biển Đông, có những vùng nước sâu đã được biết đến từ lâu. Bởi vì, độ sâu vẫn là điều kiện tiên quyết bảo đảm tính bí mật cho các hoạt động của tầu ngầm, tránh được những chiếc máy bay tuần tiễu trên biển có trang bị các công cụ dò tìm.

Nhất là những vùng nước sâu đó lại nằm ngay giữa lòng quần đảo Trường Sa, trái với những gì được phổ biến rộng rãi hiện nay cho rằng xung quanh khu vực này chỉ là vùng nước nông. Không những thế, những con đường nước ngầm này cho phép tầu ngầm có thể ra vào dễ dàng một cách an toàn từ bốn phía quần đảo.

Ông François-Xavier Bonnet trên thực tế đã phát hiện ra là nhiều hành lang thực sự đi xuyên quần đảo Trường Sa, cho phép đi lại sâu dưới lòng biển, giữa các bãi đá ngầm nổi tiếng là nguy hiểm cho lưu thông hàng hải.

Kiểm soát những điểm chiến lược

Tướng Daniel Schaeffer phát triển một tầm nhìn bao quát hơn về tình hình Biển Đông, tập trung vào chiến lược ngoài khơi xa của Bắc Kinh. Về điểm này, ông Schaeffer còn đưa ra những giả thuyết hấp dẫn, chẳng hạn khi ông tập trung chú ý vào những vị trí tiền đồn tại dải Macclesfield, rất quý giá đối với Trung Quốc mà thoạt nhìn chẳng vì một lý do hiển nhiên nào.

Nằm ở phía đông nam quần đảo Hoàng Sa, những mỏm đá ngầm nửa chìm nửa nổi thuộc dải Macclesfield là một « quần thể bãi đá ngầm chìm dưới biển ». Nếu căn cứ theo luật biển, những mỏm đá ngầm này chẳng thể nào là đảo và do đó không thể nào được hưởng quy chế lãnh thổ để mà có thể thực thi một quyền chủ quyền lãnh thổ. 

Chính ở đây Bắc Kinh che giấu các ý đồ thật sự của mình. Để chứng minh những yêu sách chính đáng, Trung Quốc đã dùng một « mưu mẹo », gọi đó là quần đảo Trung Sa và tự tuyên bố có chủ quyền cùng với Hoàng Sa và Trường Sa, thậm chí biến dải Macclesfield (mà Trung Quốc gọi là Trung Sa) thành một đơn vị hành chính để quản lý.

Về mặt cơ bản, khó có thể hiểu được quần đảo Trung Sa là gì, một nhóm vị trí đảo rời rạc nằm cách xa nhau trên biển, và duy chỉ có một điểm có thể thấy rõ lúc thủy triều xuống là bãi cạn Scarborough. Nhưng đối với Trung Quốc việc biến chúng thành một thực thể duy nhất của mình còn mang một lợi ích khác : Cần phải bảo đảm lối ra cho các chiếc tầu ngầm đi từ Tam Á về hướng nam, và do đó cần phải kiểm soát các điểm chiến lược nhất của lộ trình hàng hải này.

Những khám phá hải trình sâu dưới biển của Anh và Mỹ

Lục tìm trong các hồ sơ lưu trữ liên quan đến các nghiên cứu địa lý thủy văn và đo nước sâu do người Anh tiến hành trong khoảng 1925-1938, người Mỹ trong khoảng những năm 1930 đến tận những năm 1970 rồi của người Nhật, ông François-Xavier Bonnet đã tìm được một nhân chứng, chỉ huy Harry Mathis, và cũng có thể là người đầu tiên đã đi xuyên qua quần đảo Trường Sa bằng tầu ngầm hạt nhân vào tháng 4/1972 trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Những hải trình này có thể cũng đã được biết đến từ thời Đệ Nhị Thế Chiến. Trong một bài viết gần đây, ông Bonnet viết rằng : Các tầu ngầm của Mỹ đã « từng tuần tra trên Biển Đông và thường đi xuyên qua » quần đảo Trường Sa. Các nghiên cứu của ông Bonnet cho thấy ít nhất có hai trục hải trình cho tầu ngầm có thể lưu thông được đã từng được biết đến : Trục Đông – Tây (do Mỹ phát hiện) và trục Bắc – Nam (Anh).

Bất chấp những chi tiết không rõ ràng trong các hồ sơ lưu trữ của Mỹ, nhưng ông François-Xavier Bonnet có thể đưa ra giả định là hải trình xuyên Trường Sa từ Đông sang Tây, bắt nguồn từ phía bờ biển đảo Palawan của Philippines kết thúc tại ngã ba phía tây Trường Sa, trước bãi Đá Chữ Thập không xa mấy.

Như vậy, lộ trình này cho phép một chiếc tầu ngầm có thể đi vòng qua bãi đá ở phía bắc hay phía nam để đổ về phía tây của Biển Đông, gần Việt Nam hay Malaysia. Điều đó giải thích vì sao Đá Chữ Thập hiện là một vị trí quan trọng trong chiến lược bố trí quân sự của Trung Quốc tại Trường Sa.

Nhận định này mở ra nhiều triển vọng phân tích mới về những vị trí mà Việt Nam, Philippines rồi sau này là Trung Quốc đã tranh giành từ thời xa xưa hay như gần đây : vào cuối những năm 1980, khi cho đóng quân tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross), « quân đội Trung Quốc kể từ đó có thể kiểm soát được các hoạt động ở phần phía tây của lộ trình Đông-Tây. Khi kiểm soát được bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef ) năm 1995, nằm giữa vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Trung Quốc có thể quan sát, thậm chí can thiệp vào các hoạt động của Philippines dọc theo trục đường Bắc-Nam ».

Những cánh cổng mới mở ra Ấn Độ Dương ?

Theo quan điểm Trung Quốc, người ta có thể hình dung ra những triển vọng sau : Phải chăng những vùng nước sâu tại Trường Sa có thể, từ phía nam Biển Đông, mở ra những lối đi mới thông ra Thái Bình Dương, một đại dương bao la mang đầy tính răn đe bị khóa chặn bởi sự thống trị thường trực của Hoa Kỳ với sự hỗ trợ của các đồng minh trong khu vực ? Mặt khác, liệu những vùng nước sâu đó có mang lại những triển vọng tạo ra sự đối trọng với sức mạnh của New Dehli tại Ấn Độ Dương, và để đảm bảo an toàn việc vận chuyển các nguồn nguyên nhiên liệu đến từ Port-Said ?

Ngay cả khi những lộ trình đó có thể bị ngăn chặn hay quá phức tạp để duy trì, thì phải chăng ở đó không còn có một thách thức hiển nhiên hơn hay sao ? Đó là cất giấu các tầu ngầm được neo đậu khuất trên những con đường bí mật tại quần đảo Trường Sa, sâu và lại được che phủ bởi các lớp đá muối, và do vậy lại càng thuận lợi cho việc ẩn náu ? Năm 1982, khi đề cập đến vấn đề Trường Sa, bộ Quốc Phòng Philippines chết lặng rồi thảng thốt : « Khu vực này chưa bao giờ được đo đạc lập bản đồ đầy đủ, nhưng ai cũng biết là nơi đây có nhiều đảo nhỏ, bãi đá ngầm, bãi san hô nối liền với nhau bởi các hành lang nước sâu », để rồi sau đó nêu ra một câu hỏi bức bối :

« Nếu như một nước thù địch lập được bản đồ khu vực này với một độ chính xác đến mức có thể được dùng cho hoạt động của tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo, thì quốc gia đó có thể điều tàu ngầm loại Polaris đến đóng tại đó và như vậy có thể kiểm soát hoặc đe dọa một khu vực trong một vòng bán kính là 4000 km nơi sinh sống của khoảng 1/3 dân số thế giới, trong đó có khối ASEAN. Vùng biển khu vực này sâu đến mức không thể phát hiện được chiếc tầu ngầm, do đó khó có thể mà phản công ».

Năm 2010, tướng Daniel Schaeffer cũng chia sẻ mối lo ngại : « Từ năm 2002, Trung Quốc mở rộng chức năng quân cảng Tam Á (Sanya), phía nam đảo Hải Nam qua việc lập một căn cứ tầu ngầm nguyên tử phóng tên lửa đạn đạo (SNLE). Các phân tích hình ảnh vệ tinh cho phép nhận ra những cơ sở đặc thù ở đó như miệng của 11 đường hầm ẩm thấp được khoét ngay dưới chân đồi ở căn cứ này, một trạm khử từ cho tàu ngầm và một chiếc tầu ngầm lớp Jin hay 094, có khả năng phóng tên lửa đạn đạo Julang II, neo đậu tại đó. Tầm bắn của tên lửa Junlang II là 8000 km, tức là có thể bắn tới vùng Nam Á, tất cả những nước láng giềng xung quanh Trung Quốc và Thái Bình Dương, đảo Guam và chuỗi đảo Mariannes ».

« Trung lập hóa khu vực »

Chẳng còn chút nghi ngờ, vấn đề này mang tính thời sự hơn bao giờ hết trong năm 2016. Ông François-Xavier Bonnet có viết như sau : « Kể từ tháng 04/2012, tình hình tại Biển Đông đã xuống cấp nghiêm trọng. Hệ quả của việc Philippines nhờ đến tòa án trọng tài là Trung Quốc thúc đẩy nhanh hơn nữa các chương trình cải tạo bãi đá ngầm do họ chiếm giữ. Sự gia tăng các hoạt động này của Trung Quốc lại càng cho thấy rõ giá trị của việc kiểm soát được các con đường giao thông hàng hải bên trong quần đảo Trường Sa. Những nội trình đó lâu nay đã được giữ bí mật và kiến tạo nên không gian hàng hải ở đây. Việc kiểm soát được các lộ trình này sẽ cho phép một cường quốc đe dọa trực tiếp một phần thế giới ».

Cuối cùng, chuyên gia địa lý kết luận : « Do vậy, cần trung lập hóa khu vực này và để làm được điều này, một mặt, phải bảo đảm tự do lưu thông bên trong vùng lãnh thổ này và mặt khác, nên ký một hiệp ước về giải trừ hạt nhân tại không gian này (thay vì không làm được cho toàn khu vực Biển Đông). Toàn bộ vấn đề về quần đảo Trường Sa từ thế kỷ XX là để tránh để một cường quốc có thể kiểm soát khu vực này. Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN, cũng như nhiều nước khác, cũng nên bảo đảm cho nguyên tắc này phải được tôn trọng ». Chắc chắn là những cuộc đàm phán khu vực như thế sẽ buộc các quan chức Trung Quốc phải năng động, bởi vì cho đến nay, Bắc Kinh thường có xu hướng ưu tiên giải pháp đàm phán song phương với các nước láng giềng để thảo luận về các tranh chấp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.