Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - MỸ

Bầu cử tổng thống Mỹ: Dân Hàn Quốc chọn bà Clinton

Ai sẽ làm tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây ? Chủ đề này thu hút chú ý của toàn thế giới. Theo trang mạng The Diplomat, qua bài « Từ Hàn Quốc đến nước Mỹ: Xin quý vị hãy bầu Hillary Clinton », ngày 032/10/2016, cho biết, tại châu Á, dân Hàn Quốc là người hâm mộ ứng viên đảng Dân Chủ nhất, nhưng những ai hy vọng là nước Mỹ sẽ dấn thân nhiều vào châu Á, thì sẽ thất vọng.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (T) và tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak ngày 26/05/2010.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (T) và tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak ngày 26/05/2010. REUTERS/Kim Jae-hwan
Quảng cáo

Trong tháng tới, nếu người dân Hàn Quốc có thể bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ, thì bà Hillary Clinton sẽ thắng với số phiếu lớn. Hơn 80% người dân Hàn Quốc có thể hết mình ủng hộ ứng viên đảng Dân Chủ, người có tỷ lệ được lòng dân vừa tăng ở trong nước lẫn nước ngoài, theo một cuộc thăm dò được công bố ngày 30/09 vừa qua.

Trong một cuộc thăm dò đối với 44 ngàn người thành niên tại 45 quốc gia, được thực hiện từ tháng Tám đến tháng Chín, viện WIN/Gallup International cho biết 82% dân Hàn Quốc sẽ lựa chọn bà Clinton làm tổng thống Mỹ, so với 3% số người ủng hộ ông Donald Trump, ứng viên của đảng Cộng Hòa, đối thủ của bà và có 15% chưa quyết định lựa chọn hoặc từ chối trả lời.

Dân Hàn Quốc là cộng đồng ủng hộ viên lớn đứng hàng thứ ba, chỉ sau Phần Lan với 86% số người ủng hộ và Bồ Đào Nha 85%. Cựu đệ nhất phu nhân, thượng nghị sĩ và cựu ngoại trưởng có được sự ủng hộ ở khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ Nga, nơi duy nhất nằm trong số các nước được thăm dò lại ưa thích ông trùm doanh nhân và Trung Quốc có tỷ lệ gần như ngang ngửa giữa hai ứng viên.

Cuộc thăm dò cho thấy Hàn Quốc là ủng hộ viên châu Á hào hứng nhất của bà Clinton, người đã đóng vai trò quan trọng trong việc sưởi ấm quan hệ giữa Washington và Seoul. Đi tiên phong trong chính sách « xoay trục » sang châu Á của Mỹ, với tư cách là ngoại trưởng trong chính quyền Obama, bà Clinton đã lựa chọn Hàn Quốc là quốc gia tới thăm đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài vào năm 2009, sau khi bà nhậm chức và đã hợp tác chặt chẽ để củng cố quan hệ kinh tế, ngoại giao với đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ trong khu vực là Hàn Quốc, nằm kẹt giữa một bên là Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh và bên kia là Bắc Triều Tiên thất thường. Bà Clinton cũng là người lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi nối lại vòng đàm phán sáu bên nhằm phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên và ủng hộ liên minh quân sự Washington-Seoul để thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyên gia khoa học chính trị Robert Kelly thuộc Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, nói với The Diplomat: « Bà Clinton là biểu tượng cho sự tiếp tục và độ tin cậy vào các cam kết của liên minh với Hoa Kỳ, trong lúc ông Donald Trump thì lưỡng lự, không rõ ràng trong các cam kết đối với các nước vùng Baltic, Nhật Bản, Hàn Quốc ».

Chuyên gia Kelly bổ sung, điều này là quan trọng trong văn hóa châu Á luôn luôn muốn ổn định và giữ nguyên trạng hơn là những chính sách lộn xộn và thất thường. Đối lập với một chính khách lão luyện là một ông trùm doanh nhân thất thường, có tư tưởng bảo hộ mậu dịch, người đã gây lo ngại và bực tức tại Hàn Quốc vì ông cho rằng Thỏa thuận Tự do Thương mại Mỹ - Hàn là một « thảm họa » và ông đề nghị Seoul nên gánh chịu nhiều hơn các chi phí cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Hiện nay, Hàn Quốc đang gánh khoảng 50% chi phí cho việc đón tiếp 28 500 lính Mỹ.

Ông Choi Lyong, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học nghiên cứu ngoại giao Hunkuk ở Seoul, nói, tuần trước, Seoul đồng ý với yêu cầu của Washington về việc lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Seongju, ở phía đông nam thủ đô, để bảo vệ lính Mỹ cũng như các căn cứ quân sự ở miền Nam, bất chấp cái giá phải trả trong quan hệ với Trung Quốc và sự ủng hộ chính trị của người dân ở Seongju. Chuyên gia này cho rằng Donald Trump có thể không thừa nhận những nỗ lực phi tài chính cũng như sự hy sinh của chính phủ Hàn Quốc.

Giáo sư Choi nói với The Diplomat, « việc Donald Trump thiếu kinh nghiệm về ngoại giao đã làm cho dân Hàn Quốc thất vọng, kể cả những người thuộc phe bảo thủ. Họ cho rằng ông Trump sẽ đòi Hàn Quốc phải có những nỗ lực và đóng góp nhiều hơn. Rõ ràng là ông Trump đã không biết đến ảnh hưởng chính trị, chiến lược cũng như đóng góp của Hàn Quốc và Nhật Bản vào chiến lược của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương để tái cân bằng ảnh hưởng, chống lại Trung Quốc ».

Cho dù bà Clinton, với tư cách ngoại trưởng, tỏ ra năng động thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á, môi trường hoạch định chính sách của Hoa Kỳ ngày càng hướng nội, những vấn đề bên trong nước Mỹ chiếm vị trí quan trọng trong cuộc bầu cử, và bà Clinton không làm được gì nhiều để thay đổi suy nghĩ này. Theo thăm dò dư luận, chỉ có 16% trong tổng số những người đi bầu hy vọng là tổng thống sắp tới sẽ thúc đẩy nước Mỹ quan tâm đến các lợi ích trên thế giới, trong khi đó, 61% người Mỹ ủng hộ chính sách hướng nội. Thay vì tăng cường hoặc duy trì những điểm hay điểm mạnh, Hoa Kỳ lại có thể thụ động, co cụm trong lĩnh vực đối ngoại.

Chuyên gia Kelly cho rằng, điểm yếu nhất trong chính sách đối ngoại liên quan đến chiến lược xoay trục là công luận Mỹ ; họ chỉ tập trung quan tâm đến các vấn đề nhập cư từ châu Mỹ La Tinh và an ninh của vùng Trung Đông, cho dù chính quyền Obama có nhiều nỗ lực hướng sự chú ý tới vùng châu Á-Thái Bình Dương. Bà Clinton sẽ phải xử lý các vấn đề tại Irak và Syria, bao gồm vấn đề tổ chức Nhà nước Hồi giáo và đương nhiên làm giảm bớt động lực thúc đẩy chính sách ngoại giao đối với châu Á.

Theo ông Kelly, « bà Clinton sẽ duy trì chính sách xoay trục và sẽ có những tuyên bố hay… nhưng bà sẽ không dồn tâm dồn sức vào việc này như ông Obama ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.