Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Hoà đàm sắc tộc : Aung San Suu Kyi hứa lập Nhà nước liên bang

Ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi cam kết sẽ cải cách đất nước thành một « Liên bang » nếu các sắc tộc thiểu số ký kết thỏa thuận ngưng chiến. Nobel Hoà bình 1991, nhân vật nắm thực quyền tại Miến Điện tuyên bố như trên trong diễn văn khai mạc hội nghị hoà bình lịch sử.

Khai mạc Hội nghị Panglong của thế kỷ 21 tại Naypyitaw ngày 31/08/2016. Trong ảnh (từ trái qua phải), tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, chủ tịch Hạ Viện Mahn Win Khaing Than, phó chủ tịch Henry Van Thio, cố vấn Nhà Nước Aung San Suu Kyi....
Khai mạc Hội nghị Panglong của thế kỷ 21 tại Naypyitaw ngày 31/08/2016. Trong ảnh (từ trái qua phải), tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, chủ tịch Hạ Viện Mahn Win Khaing Than, phó chủ tịch Henry Van Thio, cố vấn Nhà Nước Aung San Suu Kyi.... REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Được đặt tên là « Panglong thế kỷ 21 », hội nghị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến 60 năm khai mạc tại Naypyidaw ngày hôm nay 31/08. Khoảng 700 đại diện của các nhóm nổi dậy tham gia hội nghị trong số này có tổ chức người Kachin, được Trung Quốc thuyết phục.

Lên cầm quyền từ 5 tháng nay, bà Aung San Suu Kyi đặt mục tiêu chấm dứt nội chiến 60 năm và thành lập nhà nước liên bang, làm ưu tiên số một. Đây cũng là mục tiêu dang dở của hội nghị Panglong năm 1947, do thân phụ của bà là lãnh đạo Aung San triệu tập, sau đó ông bị ám sát.

Trong diễn văn khai mạc, ngoại trưởng Aung San Suu Kyi tuyên bố là « nếu những tác nhân có vai trò trong tiến trình hoà bình biết dung hoà các quan điểm khác biệt vì lợi ích của dân chúng thì chắn chắn sẽ xây dựng được một liên hiệp dân chủ và liên bang mà chúng ta hằng mơ ước ». Bà Aung San Suu Kyi thúc giục các tổ chức chưa ký thỏa thuận ngưng bắn với chính phủ trước hãy gia nhập vào trào lưu mới hoà bình.

Một trong những « tác nhân » mà bà Aung San Suu Kyi đề cập đến là quân đội.

Tổng tham mưu trưởng quân đội cũng tuyên bố theo chiều hướng này. Theo tướng Min Aung, ông sẽ tận lực thực hiện tiến trình hoà giải vì « binh sĩ quân đội và chiến binh các nhóm sắc tộc võ trang là nạn nhân trực tiếp của tình trạng đất nước không được hoà bình ».

Theo AFP, thiếu vắng lớn nhất trong hội nghị hoà bình là sắc tộc Rohingyas. Ngày hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền dân sự cải thiện đời sống, chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử đối với cộng đồng 1,1 triệu người theo đạo Hồi.

Ngược lại, tổ chức vì Kachin độc lập, từ chối ký lệnh ngưng chiến với chính phủ Thein Sein, lần này tham gia hội nghị, có lẽ nhờ có sự thúc giục của Trung Quốc.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.