Vào nội dung chính
HÀN QUỐC- TÌNH BÁO

NIS, « ổ gián điệp » hoành hành tại Hàn Quốc

Để rò rỉ thông tin, đưa tin thất thiệt, thao túng công luận, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc NIS phạm nhiều lỗi lầm nhưng vẫn tập trung rất nhiều quyền lực trong tay và rất có uy tín trong công luận. Trên đây là nội dung bài báo được đăng trên trang mạng của Mediapart ngày 15/06/2016.

AFP 2016/ JUNG YEON-JE
Quảng cáo

Jacques Kim, thực hiện một cuộc điều tra về các hoạt động của ngành tình báo xứ Hàn điểm lại những sơ sót của ngành tình báo Hàn Quốc : NIS từng loan tin một viên tướng cao cấp của chế độ Bình Nhưỡng bị hành quyết để rồi ba tháng sau, cả thế giới trông thấy nhân vật này xuất hiện bên cạnh lãnh tụ tối cao Bắc Triều Tiên và đã được thăng quan tiến chức. Đó là trường hợp của tướng Ri Yong Il.

Cũng « ổ gián điệp » ngay giữa lòng thủ đô Seoul này năm 2013 đã loan tin, cô Hyon Song Wol, bồ cũ của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un đã bị thủ tiêu, để rồi ít lâu sau cô gái xinh đẹp này hiện diện trên các phương tiện truyền thông ở Bình Nhưỡng.

Lại cũng Cơ quan Tình báo Quốc gia NIS đã « bịa đặt » nhiều bằng chứng để cáo buộc người Bắc Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc làm gián điệp cho chế độ trong tay dòng họ Kim ở phía bắc vĩ tuyến 38. Bài báo trên mạng của Mediapart nêu lên trường hợp tháng 10/2014 hai nhân viên tình báo Hàn Quốc phải ra tòa vì tội ngụy tạo bằng chứng để cáo buộc một công dân Bắc Triều Tiên trốn sang Seoul làm gián điệp cho Bình Nhưỡng.

Mỗi người Bắc Triều Tiên đào thoát sang miền Nam đều bị cách ly trong nhiều ngày, họ bị đưa về trụ sở của Cơ quan Tình báo Hàn Quốc để thẩm vấn trong vòng bí mật. Mãi sau này giới mới biết là có nhiều người trong số đó bị hành hung.

Thế rồi vẫn theo tác giả bài báo Jacques Kim, các điệp viên xứ Hàn cũng rất năng động trên các trang mạng interet. Về mặt kiểm duyệt, nhân danh « an ninh quốc gia », Hàn Quốc không thua Trung Quốc là bao.

NIS, công cụ chính trị của Seoul

Bên cạnh đó là hàng loạt các chiến dịch mà tác giả gọi là « cuộc chiến tranh tâm lý » được truyền tải rộng rãi trên mạng internet để tạo lợi thế cho một nữ ứng cử viên tổng thống.

Lực lượng « cyberforce » Hàn Quốc cũng rất lợi hại, mà chủ yếu là đề phục vụ các mục tiêu chính trị của nội bộ xứ này. NIS đã phải nhìn nhận cố ý thao túng công luận nhân cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2012, khi đó ngành tình báo quốc gia đã nghiêng hẳn về phía ứng cử viên cánh bảo thủ là bà Park Geun Hye, đương kim tổng thống Hàn Quốc và đã tung ra hơn 12 triệu tin nhắn bất lợi cho ứng viên Moon Jae In một trong những đối thủ đáng gờm nhất của bà Park.

Tháng 3/2016 Quốc hội đã mở rộng quyền hạn của NIS, cho phép Cơ quan Tình báo Quốc gia theo dõi, điều tra những đối tượng « đáng nghi ngờ ». Một phần công luận Hàn Quốc, đặc biệt là đảng đối lập đã phẫn nộ trước quyết định trên, nhưng theo Jacques Kim, đó là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh căng thẳng liên Triều hiện nay.

Chế độ miền Bắc khép kín với thế giới bên ngoài, lại có vũ khí nguyên tử để răn đe thiên hạ. Thu thập được thông tin từ Bắc Triều Tiên là cả một thách thức lớn đối với ngành tình báo của Hàn Quốc cũng như của thế giới.

Theo phân tích của một chuyên gia về Bắc Triều Tiên thuộc viện Đại học Sejong ở Seoul, ông Cheong Seong Chang được Mediapart trích dẫn, NIS nắm được nhiều thông tin nhất về Bắc Triều Tiên nhưng cơ quan này thỉnh thoảng cũng phạm phải một số sai lầm bởi vì NIS muốn sử dụng những thông tin thu thập được từ Bắc Triều Tiên để phục vụ một số những mục đích chính trị được giới lãnh đạo ở Seoul đề ra.

Một số các nhà quan sát khác cho rằng Hàn Quốc luôn muốn chứng minh rằng, Bình Nhưỡng luôn "sống trong sợ hãi" với bất ổn chính trị ở thượng tầng cơ quan quyền lực Bắc Triều Tiên. Seoul muốn công luận trong nước hiểu rằng, các nhà lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên luôn tìm cách thanh toán lẫn nhau.

Từ hiếm tin đến thao túng thông tin

Vẫn theo chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại đại học Sejong, NIS dễ dàng phao tin thất thiệt về Bình Nhưỡng bở vì quốc tế và nhất là các phòng viên Bắc Triều Tiên không biết gì về thế giới quá khép kín trong tay gia đình họ Kim. Chỉ tiếc là báo chí phương Tây thường căn cứ trên những thông tin thất thiệt được NIS tung ra để viết bài, bình luận mà không có điều kiện để kiểm chứng.

Mediapart nhắc lại, NIS được hình thành từ đầu thập niên 1960 trong thời kỳ Hàn Quốc trong tay các tập đoàn quân sự độc tài. Ngay từ đầu Seoul luôn xem Cơ quan Tình báo Quốc gia là một công cụ để kiểm soát dân tình, phục vụ cho các mục đích chính trị của tổng thống Park Chung Hee, thân phụ của đương kim tổng thống Hàn Quốc ngày nay.

Mãi cho tới đầu những năm 1990 NIS là cánh tay nối dài của chế độ độc tài Hàn Quốc để theo dõi, bắt giữ, tra tấn và hành quyết các nhà đối lập. Chỉ một khi nền dân chủ được tái lập, những hành vi đó mới bị đẩy vào quá khứ nhưng gần đây xã hội dân sự ở Seoul nhận thấy rằng NIS có khuynh hướng quay lại với con đường cũ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.