Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - TRUNG QUỐC

Vụ mất tích: Lãnh đạo Hồng Kông chất vấn Bắc Kinh

Hôm nay, 21/06/2016, lãnh đạo Hồng Kông cho biết đã gửi thư yêu cầu chính quyền Trung Quốc làm sáng tỏ việc các nhân viên nhà sách bị bắt. Ông Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying) đã quyết định gửi thư sau khi xảy ra vụ việc gây chấn động tuần trước: Một nhân viên nhà sách từ Hoa lục trở về đã tiết lộ nhiều tình tiết về việc ông bị giam cầm tại Trung Quốc.

Nhà sách ở Causeway Bay, Hongkong, để bảng "đóng cửa" sau khi một loạt nhân viên bị "mất tích", 31/12/2015.
Nhà sách ở Causeway Bay, Hongkong, để bảng "đóng cửa" sau khi một loạt nhân viên bị "mất tích", 31/12/2015. RFI/Chine
Quảng cáo

Theo AFP, ông Lương Chấn Anh tuyên bố đã gửi thư thể hiện các lo ngại của dân chúng đặc khu về các thể thức bắt giữ và điều kiện giam giữ năm nhân viên nhà sách. Lãnh đạo Hồng Kông yêu cầu Bắc Kinh minh bạch cách hành xử của nhà chức trách Trung Quốc trong trường hợp người Hồng Kông vi phạm luật Trung Quốc, và đặt câu hỏi liệu “vụ việc này có xâm phạm đến nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ, và Luật Cơ Bản (được coi như Hiến pháp Hồng Kông) bảo đảm các quyền tự do của người Hồng Kông”, đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do xuất bản, và quyền được bảo đảm về an ninh.

Phản ứng của ông Lương Chấn Anh bị nhiều nghị sĩ dân chủ đánh giá là hết sức yếu ớt. Nữ nghị sĩ đảng Công Dân Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) thậm chí coi bức thư này là “đáng khinh bỉ”. Trả lời AFP, bà nói : “Rõ ràng là ông Lương đã hết sức sợ hãi khi phải nói rõ về vấn đề này với chính quyền Trung Quốc. Rõ ràng là ông ta đã cố gắng để khiến cho ông chủ (Bắc Kinh) không phải bối rối”.

Hôm thứ Năm tuần trước, ông Lam Wing Kee – một trong năm nhân viên nhà sách “mất tích” hồi cuối 2015 – đã kể lại với công chúng về thời gian 8 tháng bị giam giữ tại Trung Quốc, khi ông liên tục bị thẩm vấn và không được quyền mời luật sư. Ông cũng bị ép phải đọc lời thú tội trên truyền hình, theo một kịch bản do chính quyền dàn dựng. Ông Lam Wing Kee bị bắt khi trên đường từ Hồng Kông sang Thẩm Quyến (Quảng Đông).

Lam Wing Kee và bốn người “mất tích” làm việc cho “Might Current”, một nhà xuất bản nổi tiếng về các ấn phẩm nói về đời tư của các lãnh đạo Trung Quốc, cũng như các bí mật cung đình của chế độ cộng sản. Các vụ bắt cóc nói trên từng bị cộng đồng quốc tế lên án dữ dội. Hiện tại, bốn trong số năm người bị bắt cóc đã được trả tự do.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.